Ukraine: Nỗi lo mùa đông

TƯỜNG ANH 25/09/2024 09:27 GMT+7

TTCT - Sau cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào các cơ sở năng lượng Ukraine hôm 26-8 với 127 tên lửa và 99 máy bay không người lái, cùng nhiều cuộc không kích trả đũa khác sau biến cố Kursk, tình hình cung ứng điện của Ukraine xấu đi đáng kể.

Ukraine: Nỗi lo mùa đông - Ảnh 1.

Hệ thống điện của Ukraine đã tan hoang vì chiến tranh. Ảnh: The New Yorker

Đầu tháng 8, Công ty Năng lượng quốc gia Ukraine (Ukrenergo) tuyên bố "ba tháng không cúp điện" và thậm chí còn thông báo nối lại xuất khẩu điện sang châu Âu từ 25-8. 

Nhưng chỉ một hôm sau đó, cuộc tấn công quy mô lớn của Nga trả đũa việc Ukraine đột nhập Kursk đã khiến nạn cúp điện, cả khẩn cấp lẫn luân phiên, quay lại. Vụ pháo kích hôm 26-8 dẫn tới việc đóng cửa các tổ máy tại hai nhà máy điện hạt nhân: Rivne ở Varash và Nam Ukraine ở Nikolaev.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, các nhà máy thủy điện Ukraine đã mất hơn 40% sản lượng, còn nhà máy nhiệt điện mất hơn 80%. 

Trước khi Nga tấn công, công suất phát điện của Ukraine ước tính khoảng 37GW; đến mùa thu năm 2023 đã giảm xuống còn 18GW. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sau đợt tấn công mùa xuân 2024, đất nước này lại mất thêm 9GW nữa...

Cô lập hệ thống

Cổng thông tin Ukraine Strana.ua dẫn lời chuyên gia chuyên gia thị trường năng lượng Oleg Popenko cho biết: Trong đợt tấn công ngày 26-8, Nga chủ yếu nhắm vào hệ thống truyền tải điện, khiến việc cung cấp điện rất khó khăn, mặc dù có điện. 

Gennady Ryabtsev, người đứng đầu các dự án đặc biệt tại Trung tâm khoa học và kỹ thuật Psyche, nói thêm: nếu hồi tháng 3, Nga tấn công lớn vào các cơ sở sản xuất điện thì lần này họ nhắm cụ thể vào hệ thống truyền tải khắp 15 tỉnh của Ukraine. 

Đồng thời, Nga vẫn nhắm vào một số cơ sở sản xuất nhất định, đặc biệt là nhà máy thủy điện Kiev, khiến việc cung cấp năng lượng cho thủ đô càng phức tạp hơn.

Sau khi chiến tranh bùng nổ, Nga đã tấn công có hệ thống với ý đồ chia cắt hệ thống năng lượng của Ukraine thành các "hòn đảo" riêng biệt. 

Những khu vực biệt lập về năng lượng này khi đó sẽ bị đặt trước nguy cơ mất điện hoàn toàn, mà điều phối viên trung tâm không thể giúp gì vì mất liên kết với hệ thống. Theo ông Popenko, mục tiêu "phá vỡ hệ thống năng lượng thành các hòn đảo" của Nga nay đã đạt được một phần.

Một trong số đó, ở miền tây và trung Ukraine, chẳng hạn như Vinnitsa, hiện vẫn có điện không ổn định nhờ còn tiếp cận được với điện nhập khẩu. 

Vùng thứ hai bao gồm các tỉnh Kiev, Dnepropetrovsk, Odessa, Zaporozhye và Sumy, nơi gặp vấn đề lớn hơn và có rất ít cơ hội để truyền tải điện nhập khẩu. 

Ông Ryabtsev phân tích việc truyền tải điện từ tây sang đông và bắc xuống nam đã trở nên phức tạp hơn, đặc biệt các khu vực "tiêu thụ nhiều nhất, nằm ở tả ngạn và phía nam, chủ yếu là các tỉnh Dnepropetrovsk, Odessa và Kiev".

Theo ông Popenko, trong khi Ukraine có thể ổn định được nguồn cung cấp năng lượng trong vòng 1-2 tuần, nhiều khả năng sẽ phát sinh vấn đề với thiết bị, đặc biệt là máy biến áp, vốn khan hiếm. 

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng với mỗi cú đánh, hệ thống năng lượng của Ukraine sẽ thêm suy yếu, khi hiệu ứng domino giờ là hiện hữu: tình trạng thiếu điện kết hợp với vấn đề về phân phối và truyền tải. Rủi ro càng lớn khi gần đến mùa đông, đặc biệt nếu Nga tiếp tục tấn công hệ thống năng lượng của Ukraine.

Ukraine: Nỗi lo mùa đông - Ảnh 2.

Người dân Lviv thắp nến vào buổi tối vì mất điện. Ảnh: AFP

Chuẩn bị cho mùa đông

Trừ những lần tấn công nhỏ lẻ, đợt tấn công quy mô đầu tiên vào hệ thống năng lượng của Ukraine từ Nga diễn ra vào ngày 25-3-2024. 

Tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của Nga đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ít nhất hai nhà máy điện lớn: Kharkov (nhiệt điện) và Dnepro (thủy điện), ở Zaporozhye. Financial Times dẫn lời Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson cho biết đợt tấn công này đã khiến Ukraine mất 9GW công suất, bằng một nửa sản lượng cần thiết cho mùa đông.

Khi đó, thành viên Ủy ban Năng lượng Quốc hội Ukraine Sergei Nagornyak nói trên Ukraine World News rằng để tránh tình trạng mất điện lâu dài, người dân phải chấp nhận hạn chế dùng điện vài giờ mỗi ngày.

Thậm chí đã có quy định vào mùa đông, nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, điện có thể cúp 8-10 giờ mỗi ngày. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Galushchenko còn cảnh báo "mùa đông tới sẽ tồi tệ hơn mùa đông trước".

Trong tình cảnh đó, Chính phủ Ukraine buộc phải tăng gần gấp đôi giá điện hồi tháng 6. Trưởng khoa nghiên cứu năng lượng và khí hậu Trường Kinh tế Kiev Boris Dodonov giải thích quyết định "không được lòng dân" này: "Nếu không tăng giá, người dân có thể sẽ chỉ có từ 2-4 giờ sử dụng điện [mỗi ngày] vào tháng 1 năm sau".

Nhưng rồi điều nhiều người Ukraine lo ngại đã thành sự thật sau đợt tấn công 26-8. Đài Anh BBC dự báo người Ukraine phải chịu sống không có điện và hệ thống sưởi tới 20 tiếng mỗi ngày vào mùa đông 2024.

Theo chủ tịch hội đồng quản trị Ukrenergo Vladimir Kudritsky, tình hình năng lượng hiện nay có thể coi là khó khăn nhất trong lịch sử đất nước. 

Nga đã phá hủy gần như toàn bộ nguồn điện cơ động của Ukraine, tức những nguồn điện giúp hệ thống năng lượng tự cân bằng trong giờ cao điểm mà không bị quá tải và hỏng hóc. 

Ông Kudrytsky lưu ý không thể bù đắp kịp trước mùa đông nguồn năng lượng thiếu hụt, kể cả khi nhập khẩu điện mạnh mẽ từ EU, do về mặt kỹ thuật không thể nhanh chóng khôi phục những nhà máy điện bị hư hỏng.

Trước tình hình này, người Ukraine đã "tự cứu" thế nào? Nhiều người già chọn giải pháp về quê, hoặc về các nhà nghỉ (nếu có) để khỏi phải chịu cảnh leo thang bộ trong chung cư nhiều tầng, và có thể tiếp cận được nước và các nguồn lực cần thiết khác. 

Ở ngoại ô hoặc miền quê, không có điện, họ có thể qua mùa đông nhờ lò sưởi bằng than hoặc củi, nấu ăn bằng bếp gas di động. Trong khi đó, không ít người còn sức lao động chọn rời Ukraine để tìm cuộc sống ít bất trắc hơn.

Ukraine: Nỗi lo mùa đông - Ảnh 3.

Một quầy hàng bị mất điện ở Odessa. Ảnh: Reuters

Bloomberg 31-8 dẫn dự báo từ Ngân hàng Quốc gia Ukraine cho biết do nước này không thể gia tăng công suất điện bổ sung và giải quyết vấn đề cúp điện trước mùa đông, nên đến cuối năm nay, dự báo gần 400.000 người có thể rời khỏi đất nước, và 300.000 người nữa vào năm tới. 

Tình hình này làm trầm trọng thêm các vấn đề nhân khẩu học của Ukraine. Theo các ngân hàng Ukraine, hiện chỉ có 9 triệu người lao động còn ở lại trong nước. (Năm ngoái có gần 12 triệu người). 

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Sergei Nikolaychuk cho biết kể từ năm 2021, Ukraine đã mất 27% lực lượng lao động. Theo Tổ chức Di trú quốc tế, 70% người Ukraine (hơn 4 triệu người) dự định ở lại châu Âu và không muốn quay trở lại.

Ông Zelensky thừa nhận làn sóng di dân như vậy chưa bao giờ xảy ra. Hơn 6,6 triệu người Ukraine hiện sống ở nước ngoài, bao gồm gần 1,3 triệu ở Nga. Ukraine từng là nước Liên Xô cũ đông dân thứ hai, chỉ sau Nga, với gần 52 triệu dân. Nhưng đến năm 2014, Ukraine chỉ còn 45 triệu dân, và tới 2019 còn 42 triệu (có tính đến việc mất Crimea và Donbass vào tay Nga).

Thứ trưởng Bộ Chính sách xã hội Ukraine Daria Marchak cho biết hiện có 31 triệu người sống trên lãnh thổ do Kiev kiểm soát. Dĩ nhiên, tình trạng dân số suy giảm không chỉ vì chiến tranh, mà đã kéo dài vì đời sống kinh tế đi xuống và sinh suất thấp. 

Theo RIA Novosti, năm 2023, Ukraine chỉ có 187.000 ca sinh, trong khi số tử vong lên tới hơn 250.000 người. Nếu tình hình không thay đổi, trong ba thế hệ nữa, dân số Ukraine được dự báo sẽ giảm chỉ còn 10-15 triệu người.■

Để khắc phục cuộc khủng hoảng điện, ông Zelensky đặt mục tiêu bổ sung thêm 1GW công suất trong năm nay, thay thế các nhà máy nhiệt và thủy điện lớn bị hư hỏng bằng hàng trăm nhà máy nhỏ, được ngụy trang tốt hơn.

Kế hoạch này phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên mà Ukraine tiếp tục nhập khẩu một phần, và trở nên dễ tiếp cận hơn sau khi các nhà máy sử dụng nhiều khí đốt bị phá hủy và lệnh cấm xuất khẩu khí đốt của chính phủ. Mặt khác, giá khí đốt sản xuất trong nước vẫn ổn định.

Tuy nhiên, kế hoạch này cần được triển khai quyết liệt hơn khi mùa đông đã rất gần. Denis Sakwa, nhà phân tích lĩnh vực năng lượng tại Dragon Capital, cho rằng khó thể đạt được công suất bổ sung như vậy vào cuối năm nay.

Chưa kể nếu Ukraine tìm cách phân cấp sản xuất điện, Matxcơva có thể thay đổi chiến thuật và nhắm mục tiêu vào hệ thống phân phối khí đốt. Tần suất không kích của Nga nhằm vào các mục tiêu như vậy đã tăng lên trong năm nay.

Alexey Chernyshov, giám đốc điều hành công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz, cho Bloomberg biết hồi tháng 7: "Nga đã bắt đầu tấn công các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của chúng tôi ở phía tây Ukraine".

Hiện Mỹ đã phân bổ 800 triệu USD cho Ukraine để khôi phục hệ thống năng lượng. Kinh phí cũng sẽ được chi cho việc bảo vệ thụ động (xây cấu trúc bảo vệ để chống đỡ các cuộc tấn công trực tiếp từ tên lửa hoặc máy bay không người lái) cho cơ sở hạ tầng quan trọng.

Nhưng số tiền này chỉ là "muối bỏ bể" trong tình hình cung ứng năng lượng hiện nay của Ukraine: hồi tháng 5, Thủ tướng Denis Shmygal cho biết hơn 800 cơ sở cung cấp hệ thống sưởi đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn và sẽ cần 1 tỉ USD để khôi phục!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận