TTCT - Giáo dân Chính thống giáo Ukraine đang trong mùa Lễ Phục sinh "nóng", với việc quản thúc tại gia Vladyka Pavel, trưởng Tu viện Kiev - Pechersk, từ ngày 1-4 và việc tháo dỡ một số nhà thờ Chính thống giáo ngay trước mùa lễ. Chính quyền Ukraine đang gây sức ép lên Giáo hội Chính thống giáo Ukraine kinh điển (UOC) để đạt được sự đoạn tuyệt hoàn toàn và rõ ràng với Matxcơva.Tu viện trưởng Tu viện Kiev - Pechersk, Pavel, bị quản thúc từ 2-4. Ảnh: SputnikTrong năm qua, cuộc đối đầu giữa chính quyền Ukraine với UOC - vốn là thành phần tự trị thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva (MP) - ngày càng gay gắt. Các chính quyền địa phương Ukraine đã hạn chế các hoạt động của UOC và một dự luật cấm UOC đã được đệ trình lên Quốc hội. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) mở các vụ án hình sự chống lại UOC, khám xét các giám mục và linh mục trong các nhà thờ và tu viện để tìm kiếm bằng chứng về "hoạt động lật đổ của các cơ quan an ninh Nga chống Ukraine".Tổng cộng trong năm ngoái, SBU cùng Cảnh sát và Vệ binh Quốc gia Ukraine đã kiểm tra hơn 350 nhà thờ và 850 người. Trong cuộc lục soát diễn ra vào cuối tháng 11-2022 ở Tu viện Kiev-Pechersk, SBU báo cáo đã tìm thấy "tài liệu thân Nga" được sử dụng để quảng bá thế giới Nga trong các chủng viện và trường giáo xứ. Vòng xoáy căng thẳng mới bắt đầu từ ngày 10-3, khi ban lãnh đạo Khu Bảo tồn quốc gia của Tu viện Kiev-Pechersk yêu cầu các giáo sĩ UOC rời khu bảo tồn trước ngày 29-3 do chấm dứt hợp đồng thuê.Hợp đồng thuê hết hạnTu viện Kiev - Pechersk, hay Tu viện Hang động Kiev, là một trong những nhà thờ Chính thống giáo chính và lâu đời nhất của vương quốc Kievan Rus cổ, được thành lập năm 1051 dưới thời Đại Công tước Yaroslav I (tức Yaroslav Thông thái, trị vì 1019 - 1054), chưa đầy 100 năm sau khi Cơ đốc giáo được chấp nhận ở đây. Lãnh thổ tu viện chiếm hơn 20ha, bao gồm Chủng viện và Học viện Thần học Kiev, cũng là nơi cư trú của giáo trưởng UOC.Tu viện Hang động Kiev được chia thành hai phần: hạ và thượng. Ở phần hạ có một quần thể hang động với sáu ngôi đền cổ dưới lòng đất và một tu viện đang hoạt động, với hơn 220 giáo sĩ tu tập và phụng vụ. Phần thượng có Khu Bảo tồn văn hóa và lịch sử quốc gia. Các nhà thờ chính nằm ở phần thượng này, trong đó nổi bật là hai nhà thờ Uspensky và Trapeznaya.Từ năm 2013, phần hạ được giao cho UOC sử dụng miễn phí, trong khi phần thượng do Bộ Văn hóa Ukraine quản lý rồi cho UOC thuê lại. Cuối năm 2022, hợp đồng cho thuê phần đất có nhà thờ Uspensky kết thúc. UOC xin gia hạn nhưng không được. Một tháng sau, Giáo hội Chính thống Ukraine ly khai (OCU) lần đầu tiên được phép chính thức tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà thờ Uspensky này.Quần thể Tu viện Kiev - Pechersk. Ảnh: bestkievguide.comOCU được thành lập vào tháng 12-2018. Tháng 1-2019, OCU được trao quy chế tự quản từ Tòa Thượng phụ Constantinople. Giáo hội Chính thống giáo Nga (ROC) và UOC không công nhận OCU, gọi đó là những kẻ ly giáo.Ngày 30-3, Ủy ban Nhà nước Ukraine đến tiếp nhận cơ sở và tài sản thuộc khu bảo tồn, nhưng các tín đồ chặn lối vào tu viện và các nhà thờ, họ tuyên bố không rời tu viện đến khi có phán quyết của tòa án (do yêu cầu rời khỏi tu viện đã bị UOC kiện ra tòa). Phiên tòa đầu tiên xét đơn của UOC dự kiến diễn ra vào ngày 26-4.Từ ngày 29-3, hàng trăm, có khi lên đến hàng nghìn, tín hữu UOC đứng gác ở cổng tu viện và các nhà thờ, nơi các hoạt động thờ phượng vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, những người phản đối UOC cũng xuất hiện. Hai bên đấu khẩu, đôi khi dẫn đến ẩu đả, nhưng không có cuộc đụng độ quy mô lớn nào, theo ghi nhận của trang tin Ukraine strana.news.Ngày 1-4, Tu viện trưởng Pavel bị nghi ngờ theo hai điều của Bộ luật Hình sự Ukraine: "kích động hận thù liên tôn giáo" và "biện minh cho các hành động của Nga ở Ukraine". Như một biện pháp phòng ngừa, văn phòng công tố đã yêu cầu quản thúc tại gia ông này trong hai tháng ở địa điểm cách tu viện hơn 40km, buộc ông đeo vòng chân điện tử để kiểm soát.Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko nói rõ các giáo sĩ UOC có thể ở lại Tu viện Kiev - Pechersk, miễn là họ chuyển sang phía OCU. Người đứng đầu Hội đồng Quan hệ giữa giáo hội, xã hội và truyền thông của UOC, Vladimir Legoyda, đã gọi việc trục xuất các giáo sĩ là "đỉnh cao của tình trạng vô luật pháp" và "hành động đàn áp tàn nhẫn". Thượng phụ ROC Kirill thì kêu gọi Giáo hoàng và Liên Hiệp Quốc ngăn chặn việc trục xuất các giáo sĩ. Giáo hoàng Francis đã kêu gọi Nga và Ukraine tôn trọng các đền thờ tôn giáo. Ông nói: "Những người tận tụy cầu nguyện là trụ cột của dân Chúa, bất kể họ thuộc hệ phái nào"."Tự nguyện bắt buộc"Làn sóng chống UOC ở Ukraine, trong khi đó, vẫn không giảm. Ngày 3-4, các đại biểu Quốc hội Ukraine lại đăng ký dự luật chấm dứt hợp đồng cho UOC thuê Tu viện Pochaev Uspensky. Khu phức hợp đền thờ và tu viện Chính thống giáo nằm ở thành phố Pochaev này là lớn nhất miền tây và lớn thứ hai cả nước Ukraine, chỉ sau Kiev - Pechersk. Tính đến ngày 23-11-2018, nó thuộc về giáo phận Ternopil và Kremenets của UOC theo một phán quyết năm 2003, nhưng Bộ Tư pháp đã hủy bỏ quyết định này và trả nó lại cho Khu Bảo tồn kiến trúc và lịch sử nhà nước Kremenets - Pochaev.Tại Lvov vào ngày 6-4, Thị trưởng thành phố Andriy Sadovyi nói "lịch sử của giáo hội Chính thống Ukraine kinh điển trong thành phố đã kết thúc". Ông viết trên kênh Telegram: "Hai ngày qua, chúng tôi đã kết thúc lịch sử của MP ở thành phố này". Ngày 4-4, chính quyền Lvov tháo dỡ nhà thờ gỗ Đại vương công Vladimir để xây nhà thờ mới, còn nhà thờ Thánh George được giao lại cho OCU.Tình hình diễn biến tương tự ở các nhà thờ Chính thống giáo Ukraine từng thuộc UOC ở Khmelnitsky, Ternopol. Strana.news ngày 8-4 ghi nhận giải pháp thay đổi đăng ký nhà thờ "tự nguyện bắt buộc", "diễn ra trên cơ sở bí mật" của Kiev. "Quá trình này đã trở nên ồ ạt ở các vùng Khmelnytsky và Lvov, nơi UOC bị tước mất các thánh đường lớn nhất", bản tin viết.Thượng phụ Kirill và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: DWKiev cũng không che giấu cố gắng đoạn tuyệt với UOC. Mikhail Podolyak, cố vấn chánh Văn phòng Tổng thống, trả lời Kênh 24 về những căng thẳng vừa qua tại Tu viện Kiev - Pechersk, nói chính quyền từng có "cơ hội giải quyết nhanh chóng và không đau đớn, trong 3-6 tháng đầu tiên của cuộc chiến". Hiện nay, theo ông, điều này "khó thực hiện hơn, nhưng không có nghĩa là không thể", và Kiev "cần thúc đẩy pháp lý mạnh mẽ để có một Giáo hội Chính thống của Ukraine".Trong khi tại các vùng phía tây, các biện pháp cứng rắn đã được áp dụng để chuyển các nhà thờ về tay OCU, thì tại Tu viện Kiev - Pechersk, do quá nhiều sự chú ý, Kiev đã tìm giải pháp khác: Hai tuần trước, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo về tự do tôn giáo ở Ukraine, trong đó bày tỏ lo ngại về sự phân biệt đối xử đối với UOC. Theo người đứng đầu Ủy ban Quốc hội Ukraine về chính sách nhân đạo và thông tin Nikita Poturaev, ở đây cần phải đợi đến khi có quyết định của tòa án mà ông tin là sẽ xác nhận tính hợp pháp của việc truất quyền sở hữu của UOC. Ông Poturaev kêu gọi "tập trung vào thực tiễn châu Âu" để giải quyết những xung đột như vậy. Phiên tòa đầu tiên, như đã nói, sẽ diễn ra vào cuối tháng 4.Ly giáo rồi lại ly giáoThế kỷ 11 chứng kiến cuộc Đại ly giáo của Cơ đốc giáo, chia cắt giáo hội thành hai phần - Giáo hội Công giáo La Mã ở phương Tây và Giáo hội Chính thống Đông phương. Ngoài những bất đồng về thần học và thẩm quyền của Giáo hoàng, những dị biệt từ trước đó về văn hóa và ngôn ngữ giữa hai nền văn hóa Latin và Hy Lạp cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự chia cắt.Riêng Chính thống giáo Nga cũng trải qua sự phân rẽ giữa Giáo hội Chính thống giáo Nga hải ngoại và Tòa Thượng phụ Matxcơva. Hai cộng đồng này của Chính thống giáo Nga đã tách khỏi nhau từ thập niên 1920 vì lý do chính trị trong thời Liên Xô. Từ 2007, các mối quan hệ đã được phục hồi.Ngày 15-10-2018 diễn ra một cuộc ly giáo nữa của Chính thống giáo giữa Tòa Thượng phụ Matxcơva và Tòa Thượng phụ Constantinople (đặt ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Giáo hội Chính thống Nga đơn phương cắt đứt hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thượng phụ Đại kết thành Constantinople, đáp trả việc Thượng hội đồng Giáo hội Đại kết ngày 11-10- 2018 xác nhận sẽ trao quyền tự trị cho Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (OCU). Cuộc ly giáo này một lần nữa là lý do chính trị, nằm trong bối cảnh rộng hơn là xung đột Nga - Ukraine.Như mọi cuộc ly giáo khác, lần này có vẻ cũng sẽ không ai chịu ai. Ví dụ, có thể xem thông điệp video mà Tu viện trưởng Pavel gởi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29-3: "Ta nói với ông, Tổng thống (Zelensky), và toàn thể bè lũ của ông, rằng lệ của chúng ta sẽ không rơi xuống đất. Tất cả sẽ nhỏ xuống đầu ông. Chúa sẽ không tha thứ cho ông hoặc gia đình ông về hành động này… Bởi vì trong những phút giây này, 220 anh em đã bị ông ném ra đường".Đáp lại, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov hôm 6-4 thừa nhận chính quyền Ukraine đang "bắt làm con tin" các linh mục của UOC, đặc biệt là Tu viện trưởng Pavel, "để sau này trao đổi tù binh".■ Tags: Nga UkraineChính thống giáoLy giáoUkraineGiáo hội Chính thống giáoXung đột tôn giáoTự do tôn giáo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).