Dàn xe bọc thép của quân đội Ukraine - Ảnh chụp màn hình AP
Chính phủ Ukraine ngày 8-11 đã thông qua quyết định hủy bỏ hiệp định cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự với Nga, chấm dứt hơn 20 năm có hiệu lực.
Hiệp định này được ký kết giữa Nga và Ukraine vào tháng 2-1995, quy định cụ thể về thủ tục cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự, linh kiện và phụ tùng thay thế, tổ chức sửa chữa và cung cấp dịch vụ quân sự giữa hai nước.
Trước đó Kiev cũng đã đơn phương chấm dứt hiệu lực hiệp định liên chính phủ Ukraine và Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự về duy trì chuyên môn hóa các doanh nghiệp và tổ chức tham gia sản xuất các sản phẩm quân sự, ký năm 2000.
Trên thực tế, Ukraine đã ngừng hợp tác hoàn toàn với Nga trong lĩnh vực vũ khí và kỹ thuật quân sự vào tháng 3-2014, đến ngày 16-6 cùng năm.
Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko khi đó đã ra lệnh cấm hoàn toàn hợp tác với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Các hiệp định về hợp tác kỹ thuật - quân sự và hợp tác các doanh nghiệp quốc phòng và về trình tự phối hợp hành động giữa Nga-Ukraine khi tiến hành xuất khẩu sản phẩm quân sự sang nước thứ ba đã bị hủy bỏ.
Quy định này đã khiến một số khí tài quân sự có hàm lượng chất xám của cả hai nước gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, chuyển giao tới các nước thứ ba sau đó.
Ngày 8-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả nếu Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, theo hãng thông tấn Tass.
Theo ông Peskov, nếu điều đó xảy ra, chỉ có người dân Ukraine và Nga mới là người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Ukraine và Nga đã từng là một phần của Liên Xô (cũ). Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, theo một thỏa thuận về phân chia khí tài quân sự, Ukraine là nước được thừa hưởng các thành tựu kỹ thuật quân sự nhiều thứ hai trong Liên Xô, sau Nga.
Nhiều nhà máy và tổ hợp công nghiệp quân sự ngày nay của Ukraine là sự kế thừa từ Liên Xô trước đó. Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, thực chất là tàu sân bay Varyag được chuyển giao cho Ukraine sau khi Liên Xô tan rã trước khi được Bắc Kinh mua lại thông qua một doanh nhân Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận