Ukraine, đất hiếm và thương chiến toàn cầu

TƯỜNG ANH 28/04/2025 08:40 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 4, đoàn chuyên gia Ukraine gồm các luật sư, cố vấn đầu tư, tài chính, cùng đại diện bốn bộ kinh tế, ngoại giao, tư pháp và tài chính đã tới Washington tuần này nhằm thống nhất các chi tiết kỹ thuật cho thỏa thuận khoáng sản với Mỹ.

U - Ảnh 1.

Ảnh: Rubryka

Phó thủ tướng thứ nhất - Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết nhiệm vụ chính của đoàn là xác định các lằn ranh đỏ và các nguyên tắc cơ bản, thay đổi các điều khoản của thỏa thuận theo hướng có lợi cho Kiev. 

Bà Svyrydenko nói thỏa thuận hiện chỉ phản ánh quan điểm của Hoa Kỳ và Kiev hy vọng nhóm kỹ thuật sẽ thống nhất các chi tiết cụ thể cho một thỏa thuận phù hợp với lợi ích chiến lược của Ukraine.

Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản đã dừng sau cuộc cãi vã ngày 28-3 giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các chủ nhà Mỹ, Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống JD Vance. Kể từ đó, chính quyền Ukraine nhiều lần tuyên bố đang cân nhắc lại lập trường. Đáp lại, Trump úp mở rằng Zelensky "sẽ gặp rắc rối lớn" nếu từ bỏ thỏa thuận.

Tiếp cận tài nguyên

Có hai lý do chính khiến đội ngũ chính quyền Trump, giữa cao điểm thương chiến, vẫn kiên trì muốn đạt được thỏa thuận khai thác khoáng sản ở Ukraine. Tờ The Independent (Anh) 5-4 cho biết Ukraine có 22/34 loại khoáng sản quan trọng được EU xác định là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng. 

Khi thế giới đang hướng tới mục tiêu phi carbon hóa, nhu cầu về các khoáng chất thiết yếu tăng nhanh. Xe điện, tuốc bin gió, tấm pin mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng cần lithium, coban và các nguyên tố đất hiếm mà Ukraine đang sở hữu. 

Giá lithium đã tăng vọt từ 1.500 đô la/tấn những năm 1990 lên khoảng 20.000 đô la những năm gần đây, và dự kiến sẽ tăng gần 40 lần vào năm 2040. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế, đến năm 2030, số lượng xe điện sẽ vượt quá 125 triệu, dẫn đến gia tăng mạnh nhu cầu lithium.

Và lithium chỉ là một trong các khoáng sản của Ukraine. The Independent dẫn nguồn Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ cho rằng Ukraine đứng thứ ba thế giới về sản lượng rutil - chiếm 15,7% tổng sản lượng toàn thế giới, là nhà sản xuất quặng sắt (3,2%) và titan (5,8%) lớn thứ sáu, nhà sản xuất mangan lớn thứ bảy (3,1%). 

Ngoài trữ lượng uranium lớn nhất châu Âu, cần thiết cho năng lượng hạt nhân và sản xuất vũ khí, nước này còn có trữ lượng lớn các nguyên tố đất hiếm, bao gồm neodymium và dysprosi, cần thiết để sản xuất điện thoại thông minh, tuốc bin gió và động cơ điện...

Các cuộc đàm phán song phương gần đây giữa Ukraine và Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt địa chính trị của các nguồn tài nguyên này. 

Mặc dù, theo hãng thông tấn UNIAN của Ukraine, hơn 70% trữ lượng nguyên liệu thô có giá trị nằm ở DPR và LPR hiện do Nga kiểm soát, và ở khu vực Dnepropetrovsk rất gần chiến tuyến. Chính ông Zelensky cũng thừa nhận, dù không nói chi tiết: 

"Một phần ở đó [các vùng lãnh thổ không do Kiev kiểm soát] thực sự có khối lượng lớn khoáng sản của chúng tôi". Hãng tin Nga TASS cho biết thêm là một số mỏ đã được người tiền nhiệm của Zelensky, Petro Poroshenko, bán cho các công ty phương Tây trước kia.

Dẫu sao, sự quan tâm của Hoa Kỳ với khoáng sản của Ukraine phản ánh mối lo ngại địa chính trị rộng hơn về cầu tăng, giá cả không ổn định, tác động từ thương chiến và lỗ hổng của chuỗi cung ứng. 

Dù Hoa Kỳ cũng có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản, quy định về môi trường, chi phí lao động cao và thị trường nước ngoài hấp dẫn hơn khiến họ thuê ngoài gần như toàn bộ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.

Điều này dẫn đến sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia thống trị sản xuất và chế biến các loại đất hiếm thiết yếu. 

Tháng 12-2024, trước khi Trump trở lại làm tổng thống, Bắc Kinh đã đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ trong mảng chip bằng cách cấm hoặc hạn chế đáng kể việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ antimon, gali, germani và than chì - 4 nguyên tố không phải là đất hiếm nhưng cũng được Washington liệt kê là "khoáng sản công nghiệp quan trọng". 

Theo Carnegie Politika, lệnh cấm khiến chi phí mua antimon của các công ty Mỹ tăng 200% và GDP Mỹ mất 3,4 tỉ đô la. Vì Trung Quốc chỉ kiểm soát 48% lượng antimon của thế giới, biện pháp này có thể coi là một lời cảnh báo. 

Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận của Hoa Kỳ với các kim loại đất hiếm mà họ kiểm soát áp đảo hơn, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều: hầu như tất cả các ngành công nghệ cao, từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu, đều sẽ gặp khó khăn và thiệt hại sẽ lên tới hàng trăm tỉ đô la.

Việc tiếp cận khoáng sản của Ukraine sẽ giúp Hoa Kỳ tránh hoặc giảm bớt sự phụ thuộc này.

Đấu tranh giành thị trường

Cuộc thương lượng Washington - Kiev về tài nguyên khoáng sản diễn ra trên nền cuộc chiến thuế quan của Trump, mà theo Viện Các chiến lược kinh tế và chính trị quốc tế Nga (RUSSTRAT), là một dạng "chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới mà cũ". 

Cụ thể, RUSSTRAT cho rằng chính sách thương mại của Trump gợi lại nước Anh thế kỷ 16-17, khi vương quốc này có nền kinh tế còn lạc hậu, phụ thuộc vào xuất khẩu len thô, trong khi tỉ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, như cách nói hiện nay, lại cực kỳ thấp. 

Trong bối cảnh đó, Anh đã chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ nghiêm ngặt: Nhà nước thu hút nhân lực có trình độ - những thợ dệt người Flemish, cấm nhập khẩu vải, ưu tiên cho hàng quốc sản, kèm theo một chiến dịch tuyên truyền "Mua hàng Anh". 

Chính sách này, cùng cuộc cách mạng công nghiệp, được cho là đã giúp Anh giành thế thống trị lĩnh vực công nghệ cao của châu Âu thời bấy giờ.

Anh tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ cao đến giữa thế kỷ 19, khi họ đã là siêu cường toàn cầu. Thuế suất trung bình với hàng nhập khẩu vẫn là 45-55%, so với 6-8% ở Hà Lan, 8-12% ở Đức và Thụy Sĩ, và khoảng 20% ở Pháp. Ngoài thuế quan, London còn cấm xây dựng nhà máy cán thép mới cho Tân thế giới, buộc Mỹ phải sản xuất sản phẩm công nghệ thấp.

Cuộc chiến thuế quan của Trump hiện nay đang phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu, kéo theo nhiều biến chuyển mới. 

Các quốc gia đang tận dụng tình hình một cách thực tế có lợi cho mình. Ngày 30-3, chỉ vài ngày trước "ngày giải phóng", khi ông Trump tuyên bố áp thuế quan với hơn 150 quốc gia, một cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã được tổ chức tại Seoul.

Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, cuộc họp nhằm mục đích "bảo vệ thương mại tự do và phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực". 

Ngay sau đó, Seoul tuyên bố cách giải thích như vậy là "có phần phóng đại", còn Tokyo phủ nhận báo cáo về các cuộc thảo luận chung là nhằm phản đối thuế quan của Mỹ.

Nhưng thực tế là hai đồng minh quan trọng nhất nhì của Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương, vốn có mối quan hệ phức tạp với nhau, đã gặp nhau lần đầu tiên sau 5 năm cùng Trung Quốc, đối thủ chiến lược của Washington. 

Thoạt nhìn, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ muốn nhập khẩu nguyên liệu bán dẫn thô từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ muốn mua chip từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng bất chấp những tuyên bố trấn an từ Seoul và Tokyo, những cuộc đàm phán như vậy là điều khó thể tưởng tượng được chỉ vài tháng trước. 

Có thể nói rằng tất cả những động thái này đều ít nhiều liên quan tới đất hiếm và nguồn cung toàn cầu, hiện đang có nguy cơ xảy ra những đảo lộn lớn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận