Trong đó phần phía tây vẫn đang do Ukraine kiểm soát đã sẵn sàng để được đưa vào phạm vi bảo trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức, còn phần phía đông đang bị phía Nga chiếm đóng sẽ được trả lại bằng con đường ngoại giao trong giai đoạn sau.
Áp lực tổng thể
Sự điều chỉnh lập trường từ áp dụng chung các điều kiện gia nhập NATO cho "toàn bộ lãnh thổ" Ukraine chuyển thành "từng phần lãnh thổ" trên thực tế vẫn dựa trên điều kiện tiên quyết về sự công nhận của NATO đối với đường biên giới quốc tế của Ukraine trước năm 2022.
Do đó có thể thấy lập trường mới nhất của ông Zelensky không đồng nghĩa với việc "từ bỏ" các lãnh thổ phía đông đã sáp nhập vào Nga, mà chỉ là sự thừa nhận khả năng lấy lại các vùng đất này hiện tại đang vượt quá khả năng của Ukraine.
Mặc dù vẫn còn giữ được các trung tâm có vị trí chiến lược như Pokrovsk (phía tây tỉnh Donetsk của Ukraine) và Sudzha (vùng Kursk của Nga) có khả năng giữ cân bằng ở cả hai mặt trận phía bắc và phía đông cho Ukraine, nhưng các viễn cảnh chiến sự đang tiếp tục ngả theo chiều hướng bất lợi cho Ukraine. Đặc biệt thành trì Pokrovsk được dự báo sẽ thất thủ vào đầu năm 2025, khi ở đây có mỏ Pokrovsk - mỏ than cốc duy nhất cần thiết cho ngành sản xuất thép của Ukraine.
Việc đóng cửa mỏ than Pokrovsk có thể khiến sản lượng thép toàn quốc của Ukraine giảm xuống còn khoảng 2-3 triệu tấn vào năm tới so với mức 7,5 triệu tấn dự kiến vào năm 2024, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng tái thiết cũng như sản xuất vũ khí của Ukraine.
Không chỉ vậy, Ukraine còn đang chịu áp lực bởi hiện tượng đào ngũ đang diễn ra ở quy mô đáng quan ngại. Theo Hãng tin AP, con số binh lính đào ngũ được phía Ukraine xác nhận đã hơn 100.000, nhưng thực tế có thể lên đến 200.000 người.
Thêm vào đó, chính quyền ông Zelensky cũng gặp áp lực ngày càng lớn về mặt dân sự. Ngoài hiện trạng thiếu hụt năng lượng do các cuộc không kích quy mô lớn của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng làm ảnh hưởng đến gần 70% sản lượng điện của Ukraine ở phía tây, Bộ Chính sách và Xã hội Ukraine còn ghi nhận đã có đến 4,9 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa ở các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát hoặc đang có chiến sự ở phía đông để tái định cư ở phía tây.
Cả hai thực trạng này đều gây ảnh hưởng lớn đến nguồn ngân sách tái thiết cũng như nhu cầu đảm bảo an ninh cấp bách của Ukraine đối với các lãnh thổ phía tây.
Tạo kết nối
Nhận thức được các áp lực nêu trên, có thể hiểu được lựa chọn của chính quyền ông Zelensky khi chủ trương tập trung đảm bảo an ninh và tái thiết ở các vùng lãnh thổ phía tây của mình và tạm thời để "vấn đề phía đông Ukraine" lại cho một mặt trận ngoại giao dài hơi hơn.
Sự điều chỉnh lập trường này cũng giúp cho Ukraine củng cố được các kết nối giúp giữ được sự ủng hộ rộng rãi với cả ba bên là Liên minh châu Âu (EU), NATO và chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã nhấn mạnh rằng việc cắt viện trợ cho Kiev là cách duy nhất để nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine trong cuộc phỏng vấn vào ngày 29-11. Do đó bằng việc chấp thuận "gác lại phía đông" để chấp thuận mở ra một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng, ông Zelensky đã góp phần giảm tải gánh nặng tài chính cho cả EU.
Đối với NATO, lập trường "gia nhập từng phần" của ông Zelensky cũng giúp kết nối Ukraine với việc gia nhập theo "mô hình Tây Đức" được NATO ủng hộ, mà còn giúp khối này thoát khỏi thế khó khi phải cân nhắc việc sáp nhập đối với một quốc gia đang có chiến tranh - trái với điều 10 trong hiệp ước thành lập NATO.
Cuối cùng là sự củng cố các kết nối đặc phái viên dự kiến của Tổng thống đắc cử Donald Trump về Ukraine Keith Kellogg. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn kênh Sky News ngày 29-11, ông Zelensky xác nhận có quen biết với ông Kellogg.
Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ cũng đang duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ông Kellogg, đặc biệt là trong khuôn khổ ngoại giao chuyên gia trong những năm gần đây. Do đó "nhân tố Kellogg" không chỉ đã có kết nối không chính thức với phía Ukraine từ trước, mà kế hoạch hòa bình Ukraine của ông Kellogg dự kiến cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến "cú hích 24 giờ" sau khi nhậm chức như tuyên bố của ông Trump.
Về mặt tích cực, kế hoạch của ông Kellogg dự kiến đánh thuế vào năng lượng nhập khẩu từ Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine, đồng thời yêu cầu Ukraine phải chấp nhận đàm phán với Nga để có thể đổi lấy những đảm bảo an ninh từ phía Mỹ.
Và có vẻ ông Zelensky đang ngả dần sang đúng các định hướng này, tập trung vào đảm bảo an ninh và tái thiết cho phía tây, trong bối cảnh chi phí giữ lại các vùng lãnh thổ phía đông đang vượt quá khả năng hiện tại của AFU.
Giải pháp giảm thiểu thiệt hại của ông Zelensky lúc này càng khiến cho "kế hoạch hòa bình 24 giờ" của ông Trump ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận