Trong một diễn biến đáng chú ý, hôm 22-8 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp qua video với sự tham dự của các thành viên chính phủ và lãnh đạo các vùng Belgorod, Bryansk, Kursk để thảo luận về tình hình ở ba vùng biên giới giáp Ukraine này.
Nga đang cân nhắc phản ứng
Ông Putin cho biết Matxcơva sẽ hợp tác với chính quyền các địa phương, khu vực cũng như với các cơ quan an ninh để "đóng vai trò tích cực trong việc đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra".
Giao tranh ở vùng Kursk của Nga vẫn căng thẳng từ lúc Ukraine bất ngờ tập kích khu vực này. Hơn 130.000 người đã rời đi nhưng khoảng 20.000 người dân vẫn tiếp tục ở lại bất chấp mối đe dọa. Về vấn đề này, Tổng thống Putin ủng hộ việc đưa ra chế độ thanh toán tự động với số tiền 15.000 rúp (163 USD) cho những cư dân tại Kursk rời khỏi vùng chiến sự.
Tuy nhiên, theo Hãng tin AFP hôm 22-8, Điện Kremlin đang tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công tại Kursk. Cho đến nay, cách phản ứng của Điện Kremlin đối với việc lực lượng Ukraine kiểm soát một phần lãnh thổ của vùng Kursk nhìn chung vẫn khá "im ắng". Các nội dung được đề cập trên truyền hình nhà nước Nga chủ yếu tập trung vào góc độ nhân đạo: những người di tản khỏi Kursk và những tình nguyện viên giúp đỡ họ. Tại Matxcơva, cơn sốc qua đi nhanh chóng.
Các chuyên gia cho rằng Nga vẫn đang cân nhắc phản ứng. Về mặt quân sự, Nga hiện có ít lựa chọn ở vùng Kursk. "Tổng thống Putin sẽ không (ra lệnh) ném bom vùng Kursk như ông đã làm ở Bakhmut (thành phố ở đông Ukraine)", nhà phân tích Tatiana Stanovaya tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế lưu ý.
Giới chức Ukraine hy vọng chiến dịch xâm nhập bất ngờ vào vùng Kursk của Nga từ hôm 6-8 sẽ làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến và buộc Nga phải đàm phán "theo các điều khoản của riêng chúng tôi". Bà Stanovaya nói rằng không rõ các lực lượng Ukraine có thể cầm cự được trong bao lâu nhưng "có khả năng là trong nhiều tháng".
Còn ông Alexander Gabuev - giám đốc Trung tâm Á - Âu về Nga, thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế - nhận định Nga có "cơ hội" giành lại các phần lãnh thổ biên giới nhưng sẽ "mất thời gian". Ông cảnh báo: "Sớm muộn gì chúng ta cũng biết ông Putin sẽ đáp trả như thế nào" - ông Gabuev nói.
Thế lưỡng nan của Ukraine
Trong bối cảnh chiến dịch xâm nhập của Ukraine vào vùng biên giới Nga đã bước sang tuần thứ ba và có khả năng kéo dài hơn nữa, người Ukraine một mặt cổ vũ cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng mặt khác lại lo ngại về cái giá phải trả đối với miền đông Ukraine.
Cuộc tấn công này đã thổi lửa chiến tranh sang lãnh thổ Nga, đảo ngược tình thế hơn hai năm xung đột. Tuy nhiên trong lúc đó quân Nga tiếp tục giành được các phần lãnh thổ ở khu vực Donetsk thuộc miền đông Ukraine, cụ thể là quanh thành phố chiến lược Pokrovsk, khiến một số người Ukraine đặt câu hỏi tại sao Kiev lại dành nhiều nguồn lực như vậy để tấn công lãnh thổ Nga thay vì bảo vệ lãnh thổ chính mình.
Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang phải đối mặt. Ukraine đã dồn nhiều nguồn lực cho Kursk, với việc điều động quân nhân và vũ khí, trong đó có một số lữ đoàn tấn công tinh nhuệ của Ukraine và các xe chiến đấu do phương Tây cung cấp. Hôm 22-8, giữa lúc chiến sự nóng bỏng, ông Zelensky đã đến thăm vùng Sumy của Ukraine, giáp với Kursk.
Cho đến nay Nga vẫn không chuyển hướng binh sĩ rời khỏi mũi tiến công chính ở miền đông Ukraine gần thành phố Pokrovsk, buộc ông Zelensky phải đưa ra lựa chọn khó khăn: hoặc bám sát kế hoạch hiện diện và kiểm soát lãnh thổ biên giới của Nga (vốn có thể là con bài mặc cả mạnh mẽ cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai), hoặc rút quân để củng cố lực lượng bảo vệ một thành phố quan trọng bên trong Ukraine.
Tại Pokrovsk (khu vực Donetsk), người dân đã vội vã rời đi sau yêu cầu sơ tán của giới chức Ukraine, trong khi lực lượng Nga tiến nhanh về thành phố trọng yếu này. Người dân Ukraine đã bày tỏ lo lắng cho những người lính vẫn đang bảo vệ tiền tuyến ở Donetsk, khi giờ đây họ được trang bị ít đạn dược hơn vì phần lớn nguồn lực đã dành cho cuộc tấn công ở Kursk.
Báo Washington Post dẫn lời bà Raisa Makarova (77 tuổi), cảnh sát về hưu sống tại Pokrovsk: "Tôi tin rằng chúng tôi không được che chở vì các lực lượng Ukraine đang đến một nơi khác. Chúng tôi cứ nghĩ rằng chuyện như vậy sẽ không xảy ra ở Pokrovsk, cứ nghĩ rằng họ sẽ bảo vệ Pokrovsk. Tôi đoán là chúng tôi sẽ phải bỏ mạng ở đây".
Ngày 23-8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm lịch sử tới Kiev, khi ông tìm cách thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đây có thể là dịp để Ukraine thảo luận với một đối tác quốc tế quan trọng về kịch bản hòa đàm, trong đó bao gồm các mục tiêu thực sự của Kiev đối với Kursk.
Nỗi lo tại Nhà máy điện hạt nhân Kursk
Ngày 23-8, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine cố tấn công Nhà máy điện hạt nhân Kursk trong đêm, gọi đây là "hành động khủng bố hạt nhân" vài ngày trước khi tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi dự kiến đến thăm địa điểm này.
Giao tranh đang diễn ra cách nhà máy điện hạt nhân này khoảng 30km, trong lúc quân Nga nỗ lực đánh bật những binh sĩ Ukraine đang tìm cách củng cố và mở rộng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở vùng biên giới Nga. Ông Grossi đã kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh xảy ra tai nạn hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận