hong độ sa sút của những ngôi sao như Griezmann (7) khiến tuyển Pháp khó lòng chơi tốt - Ảnh: AFP
Người hâm mộ "gà trống" (biệt danh của tuyển Pháp) không bao giờ quên chính đội tuyển con cưng của họ đã mở đầu một truyền thống kỳ lạ: các nhà đương kim vô địch World Cup luôn sa sút không phanh sau khi bước lên đỉnh cao thế giới.
Suốt 20 năm qua, điều đó đã lần lượt đúng với Pháp (vô địch World Cup 1998), Ý (2006), Tây Ban Nha (2010) và Đức (2014) - những đội bóng bị loại ngay ở kỳ World Cup mà họ tham dự với tư cách đương kim vô địch. Với những gì đang diễn ra ở tuyển Pháp lúc này, người ta có lý do để lo lắng họ sẽ lại sa vào truyền thống đáng buồn do chính mình khởi xướng.
Ba ngày trước chuyến làm khách đến Bồ Đào Nha, tuyển Pháp bất ngờ thất thủ 0-2 ngay trên sân nhà trước Phần Lan - một đại diện dự Euro 2020. Đó là trận thua thứ ba trong vòng 2 năm kể từ sau World Cup 2018. Thành tích đó không quá tệ, đặc biệt là khi họ cũng giành được đến 16 trận thắng. Nhưng phần lớn những trận thắng của Pháp là trước các đối thủ làng nhàng như Albania hay Moldova.
Nếu chỉ tính các đối thủ tầm khá trở lên, dù Pháp đánh bại được Đức, Croatia, Thụy Điển và Ukraine nhưng họ cũng lần lượt bị Iceland, Bồ Đào Nha cầm hòa hay thất bại trước Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan. Thành tích thi đấu thật ra không khiến HLV Deschamps phải lo nghĩ nhiều bằng phong độ của các trụ cột.
Thật vậy, những người hùng làm nên chiến tích trên đất Nga 2 năm trước đang không còn là chính mình thời gian gần đây. Ở hàng thủ, bộ đôi trung vệ Samuel Umtiti - Raphael Varane là những ví dụ điển hình. Trong khi Umtiti vật lộn với những chấn thương và hầu như mất tích khỏi làng bóng đá đỉnh cao một năm qua thì Varane cũng sa sút phong độ ở Real Madrid.
Ở tuyến giữa, Paul Pogba thực sự khiến HLV Deschamps phải đau đầu vì phong độ kém cỏi so với các đàn em. Blaise Matuidi hay N’Golo Kante cũng không còn là những "cỗ máy" đầy sức chiến đấu như 2 năm trước. Nhưng không ai sa sút thảm hại bằng Antoine Griezmann - người dường như đánh mất khả năng săn bàn kể từ khi chuyển sang Barca.
Tuyển Pháp không hề lâm vào cảnh khủng hoảng lực lượng khi sở hữu một thế hệ cầu thủ có lẽ là hùng mạnh nhất, đông đảo tài năng nhất từ trước đến nay. Trong tay HLV Deschamps hiện tại là hàng chục ngôi sao trẻ trải dài các tuyến như Marcus Thuram, Houssen Aouar, Tanguy Ndombele, Dayot Upamecano... Dù đây là dàn cầu thủ đủ sức đá chính ở bất kỳ đội tuyển nào khác, nhưng họ thậm chí chưa giành nổi suất dự bị ở tuyển Pháp.
Hai năm trước, người hâm mộ cũng không thể tin được một tuyển Đức đầy rẫy ngôi sao sáng và trẻ trung như thế lại có thể sụp đổ ở World Cup 2018. Nguyên nhân chính đến từ sự sa sút của các trụ cột trong chức vô địch World Cup 2014 như Thomas Muller, Mats Hummels, Jerome Boateng, Mario Gotze, Mesut Ozil... Lứa trẻ tuy đông và tài năng nhưng dường như chỉ làm đội ngũ thêm rối loạn.
Mối lo với tuyển Pháp lúc này cũng vậy khi tầm ảnh hưởng của những cầu thủ đàn anh như Griezmann, Pogba vẫn rất lớn, và sự sa sút của họ khiến cả tập thể bị vạ lây.
Chốt danh sách 24 đội dự VCK Euro
Rạng sáng 13-11 (giờ VN) đã diễn ra lượt trận play-off để xác định 4 cái tên cuối cùng giành vé dự VCK Euro 2020 (nhưng được dời sang năm 2021). Kết quả, Scotland, Hungary, Slovakia và Bắc Macedonia là những đội bóng giành chiến thắng.
Hungary và Slovakia có lần thứ hai liên tiếp tham dự Euro. Còn với Scotland, lần gần nhất họ dự một giải đấu lớn là World Cup 1998, riêng Euro là vào năm 1996. Bắc Macedonia thậm chí lần đầu tiên trong lịch sử giành vé đến một sân chơi lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận