Phóng to |
Bên ngoài Nhà hàng Hà Nội của anh chị Nguyễn Nhật Tiến |
Cộng đồng người Việt ở đây được đánh giá cao về những đóng góp cho nền kinh tế Ucraina, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, năng động và tính tổ chức cao. Họ có cuộc sống rất hòa nhập với người bản xứ, luôn quan tâm và am hiểu sâu sắc đời sống chính trị, văn hóa của địa phương.
Những doanh nhân người Việt
Cộng đồng người Việt tại Ucraina phần lớn xuất thân là những du học sinh sang Liên Xô vào những năm đầu 1980, sau đó là những người đi xuất khẩu lao động. Khi Liên Xô tan rã, nhiều người không có điều kiện về nước buộc phải ở lại và tìm cách kiếm sống, lập nghiệp ở xứ người. Trong số này không ít người sau nhiều năm làm việc và tích lũy đã trở nên giàu có. Có người đùa một cách đầy tự hào rằng người Việt ở Kharkov là công dân hạng nhất của Ucraina!
Đến Ucraina, đặc biệt là thành phố Kharkov - “thủ phủ” của người Việt, có lẽ ai cũng được nghe nhắc đến Tập đoàn Technocom. Đây là một doanh nghiệp hàng đầu của người Việt tại Ucraina, tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 lao động Ucraina.
Được biết, Technocom đã phát triển quy mô, đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất mì ăn liền thương hiệu MIVINA, một nhà máy sản xuất gia vị, một nhà máy in và cả một trung tâm y tế Phương Đông với tổng vốn hàng vài chục triệu USD. Các sản phẩm của Technocom có mặt khắp các siêu thị, chiếm 70 - 80% thị phần ở Ucraina và cả xuất khẩu sang Nga.
Phóng to |
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Quang trong công viên |
Tại Kiev thủ đô Ucraina có một doanh nhân người Việt khác cũng rất năng động và thành đạt là anh Nguyễn Nhật Tiến. Vợ chồng anh có nhiều cửa hàng chuyên bán đồ gia dụng, đồ gỗ trang trí nội thất, có công ty xuất nhập khẩu và đầu tư về địa ốc.
Vợ chồng anh chị Tiến còn được biết đến trong vai trò là chủ nhân của “Hà Nội quán” - một nhà hàng lớn, cao cấp duy nhất của người Việt ngay trung tâm thành phố, chuyên phục vụ cho khách hạng sang và các đoàn chính khách, với ba khu ẩm thực chính là Việt Nam, Ucraina và Nhật Bản.
Hay như anh Nguyễn Ngọc Quang, từng tốt nghiệp kỹ sư ở Liên Xô trước đây cũng rất thành công về ngành kinh doanh vận tải và du lịch, vợ anh là người Ucraina làm biên tập viên đài truyền hình Kiev.
Làng người Việt
Tại Kharcov có một ngôi làng Việt rộng khoảng 60ha, gồm các căn hộ cao tầng được xây để bán cho cộng đồng người Việt. Làng có tượng Thánh Gióng, có công viên nước và có cả khu massage phục vụ cho cư dân trong làng.
Mỗi tối cuối tuần Tập đoàn Technocom thường tổ chức lửa trại trong khu nghỉ mát cho công nhân người Việt. Người lớn ca hát, trẻ con vui đùa, nếu không có các nhân viên phục vụ và bảo vệ người bản xứ thì không ai nghĩ rằng đang ở Ucraina!
Rất dễ gặp người Việt tại Kharkov, đặc biệt là ở các chợ hoặc trung tâm thương mại. Ở chợ Barasonova - một đầu mối bán buôn rất lớn của Kharkov và cả các tỉnh lân cận - hơn phân nửa số quầy hàng do người Việt quản lý.
Văn phòng Ban quản lý có hẳn một bộ phận phiên dịch cho người Việt. Ở đấy người mua bán cũng giống như ở chợ An Đông (TP. Hồ Chí Minh), nhưng quy mô lớn hơn nhiều. Chợ lúc nào cũng nhộn nhịp, đa phần là bán hàng dệt may, giày dép… của người lớn và trẻ em.
Vào ngày thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, chợ không mở cửa ban ngày, mà họp vào lúc 12 giờ đêm. Dân bán lẻ ở các huyện quanh Kharkov và các tỉnh khác đổ về mua hàng hóa rất đông.
Thị trường cho hàng Việt Nam: Xa mà gần
Ucraina nói riêng và cả các nước thuộc Liên Xô cũ nói chung không phải là thị trường mới mẻ đối với Việt Nam. Trước đây, thông qua các kênh phân phối của người Việt tại nước sở tại, khá nhiều hàng Việt Nam được nhập khẩu vào Ucraina, mặt hàng cũng phong phú, chủ yếu là hàng dệt may, cao su, giày dép, gạo, Đông dược... Chỉ sau khi Liên Xô tan rã, việc mua bán, thanh toán phức tạp hơn khiến cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường này giảm dần đáng kể.
Một người Việt là thành viên của Ban Quản lý chợ Barasonova có vẻ lo âu cho biết, chợ của người Việt hiện nay chỉ bán toàn hàng Trung Quốc, hàng Thổ (Thổ Nhĩ Kỳ). Lý do là những hàng này giá rất thấp, chưa kể chỉ cần trả trước 10% là hàng về tới biên giới, thêm 10% nữa đã có thể mang hàng về bán, sau chừng một tháng mới phải trả hết tiền.
Một chiếc áo sơ mi bán lẻ chỉ có 3 USD (giá nhập chỉ gần 2 USD), chiếc áo jacket da chỉ có 10 USD. Thế là tiểu thương người Việt đành phải ngậm ngùi chia tay hàng Việt Nam. Được biết, trước đây lãnh đạo ngành thương mại từng có ý tưởng mở một Trung tâm thương Việt Nam ở Ucraina, ý tưởng này được cộng đồng người Việt tại Kharkov tán thành, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Thiết nghĩ đó là một việc nên làm, để hàng hóa Việt Nam có thêm cửa ngõ giao thương mới với đất nước Đông Âu hiền hòa này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận