Phát minh đo chỉ số đường huyết mới của ĐH Newcastle (Úc) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters ngày 13-7, các chuyên gia tại ĐH Newcastle (Úc) đã phát triển công nghệ trên.
Khi mắc tiểu đường, bệnh nhân thường phải kiểm tra chỉ số đường huyết bằng cách chích máu ở ngón tay nhiều lần trong ngày. Mẫu máu sẽ được đặt lên công cụ đo để xác định mức đường trong máu.
Sự bất tiện này khiến một số bệnh nhân né tránh việc lấy mẫu để giảm đau đớn.
Công nghệ mới nhất do ĐH Newcastle vận hành bằng cách đưa mẫu nước bọt chứa enzyme có khả năng phát hiện glucose lên thanh bán dẫn (transistor), từ đó đo được chỉ số đường huyết của người dùng.
Giáo sư Paul Dastoor của ĐH Newcastle, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết dụng cụ xét nghiệm này có thể sản xuất đại trà với giá rẻ vì vật liệu dẫn điện của nó là mực in.
Vị giáo sư này khẳng định phương pháp mới “mở ra khả năng kiểm tra đường huyết không đau đớn và giá rẻ”. Ông cũng hy vọng rằng điều này sẽ giúp ích nhiều hơn cho những bệnh nhân tiểu đường.
Theo ông Dastoor, các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện phương pháp mới khi đang nghiên cứu về pin.
Chính phủ Úc đã tài trợ 4,7 triệu USD cho dự án trên để thành lập cơ sở sản xuất bộ dụng cụ thử nghiệm, với điều kiện dụng cụ mới vượt qua các thử nghiệm lâm sàng.
Giáo sư Dastoor cho rằng công nghệ này cũng có thể ứng dụng cho xét nghiệm COVID-19, chất gây dị ứng, hormone và ung thư.
Theo Reuters, ĐH Newcastle đã làm việc với ĐH Harvard (Mỹ) để thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng công nghệ tương tự. Tuy nhiên, các nhà khoa học tỏ ra hào hứng về việc công nghệ này có khả năng ứng dụng trong các xét nghiệm khác.
“Tôi nghĩ rằng nó sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nghĩ về các thiết bị y tế và đặc biệt là các công cụ cảm biến vì chúng ta có thể in chúng với chi phí thấp đáng kể”, ông Dastoor nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận