Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với các binh sĩ Mỹ và Úc tại căn cứ Darwin năm 2011 - Ảnh: AFP |
Theo Reuters, trong một tuyên bố ngày 6-10, Bộ trưởng Quốc phòng Úc nhấn mạnh rằng sự hiện diện của lính Mỹ tại Darwin là “phù hợp với lợi ích chiến lược lâu dài của Úc trong việc ủng hộ sự can dự của Mỹ vào khu vực nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực”.
Trước đó, bà Payne đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Washington để thảo luận về kế hoạch tăng gấp đôi số lính thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú tại căn cứ Darwin vào năm 2020. Washington hiện đang có 1.250 binh sĩ đồn trú tại căn cứ này.
Căn cứ Darwin ở phía bắc Úc là một phần trong nỗ lực xoay trục và tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hồi tháng 8, hai nước đã từng có nhiều bất đồng xung quanh chuyện ai sẽ trả tiền cho việc duy trì căn cứ quân sự này cũng như chi phí chuyển quân tới đây.
Nhưng bây giờ mọi chuyện có vẻ như đã được giải quyết xong. Cụ thể, Washington và Canberra sẽ cùng chia nhau khoản tiền 1,52 tỉ USD cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng ở căn cứ Darwin và những chi phí liên quan trong thời gian 25 năm quân Mỹ hiện diện.
Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Úc từ chối cung cấp thêm chi tiết về các khoản chia sẻ cũng như việc khi nào và bằng cách nào sẽ tăng quân số tại căn cứ này. Phía Mỹ cũng chưa đưa ra bình luận về sự việc.
Năm 2014, Mỹ và Úc cùng ký một thỏa thuận cho phép triển khai hải quân và không quân Mỹ tới Úc đi kèm các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, những bất đồng xung quanh chuyện tiền bạc khiến kế hoạch triển khai thêm binh sĩ tới Úc đã bị trì hoãn từ năm 2017 như kế hoạch tới tận năm 2020.
Hồi tháng 3 vừa qua, hai quốc gia đã thảo luận về chi phí triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1 của Mỹ tới Darwin trong nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự ngày càng gần Biển Đông.
Trong khi đó, giới chức Úc lại muốn Washington phải chịu tất cả chi phí của căn cứ quân sự Darwin giống như cách Mỹ đang làm với các căn cứ của họ tại Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận