Đây là một trong những lý do các nước phát triển muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế "xanh".
Ngày 16-4, Úc và Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một hội nghị tập trung vào kinh tế xanh khi Thượng nghị sĩ Jenny McAllister, trợ lý bộ trưởng Úc phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, cùng phái đoàn doanh nghiệp Úc đến TP.HCM.
Úc hướng về Đông Nam Á
Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh kinh tế xanh năm 2024 quy tụ hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách của Úc và Việt Nam. Cuộc gặp lần này xoay quanh cách thức hai nước thúc đẩy cơ hội hợp tác trong thương mại và đầu tư kinh tế xanh.
"Chúng tôi nhận thấy một xu hướng đáng kể từ việc các nhà đầu tư muốn chuyển tiền vào năng lượng sạch cũng như những dự án có mức carbon thấp.
Điều này tạo ra một cuộc đua tới vị trí dẫn đầu, nơi chúng ta có cơ hội kết nối nhiều mục tiêu chung" - bà Anna Skarbek, tổng giám đốc Tổ chức Climateworks Centre, trả lời Tuổi Trẻ khi tham dự hội nghị trên.
Bà khẳng định trong cuộc đua tiến tới phát thải ròng bằng 0, Úc cũng đồng thời thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam và Đông Nam Á.
Việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam và Đông Nam Á là một phần trong chiến lược đa dạng hóa thị trường hợp tác của Úc. Theo ông Leigh Howard, giám đốc điều hành Công ty Asialink Business, các doanh nghiệp Úc ngày càng nhìn nhận Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, là khu vực quan trọng và năng động cho mục tiêu đa dạng hóa thị trường của Úc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Leigh Howard lưu ý Đông Nam Á đang đóng vai trò quan trọng với thương mại của Úc, chiếm hơn 12% tổng xuất khẩu của nước này. Ngoài ra, đây cũng là khu vực có thị trường lớn và phát triển nhanh nhờ thu nhập tăng, đô thị hóa rộng rãi và tầng lớp trung lưu phát triển.
"Các công ty Úc có thể khám phá cơ hội này để mở rộng hoạt động và đa dạng hóa doanh thu. Các mối quan hệ chính trị ngày càng phát triển, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do và Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 được công bố gần đây, tạo ra lộ trình và niềm tin cho các dự án kinh doanh mới", ông Howard nói.
Gắn kết lợi ích Việt - Úc
Phát triển kinh tế theo hướng "xanh" cũng là trọng tâm của Việt Nam, với nỗ lực bắt kịp xu hướng thế giới cũng như thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu. Ông Howard khẳng định việc nhấn mạnh vào nền kinh tế xanh ở Việt Nam phù hợp với xu hướng toàn cầu, đồng thời mang đến cơ hội hợp tác giữa Úc và Việt Nam trong một số lĩnh vực chính.
"Thứ nhất, nó mở ra con đường trao đổi kiến thức và chuyển giao công nghệ, tận dụng chuyên môn của Úc về năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý môi trường, từ đó hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang hướng bền vững.
Nó cũng tạo cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Úc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cuối cùng là đóng góp vào việc phát triển kỹ năng và lực lượng lao động, vốn là cơ hội Úc có đủ điều kiện để đóng vai trò dẫn đầu", ông phân tích thêm.
Về tổng thể, hiện nay phía Úc nhìn nhận nhu cầu chuyển đổi xanh ở Việt Nam đang rất lớn, và đây cũng là thời cơ để doanh nghiệp Úc đầu tư. Theo bà Skarbek, mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam tương tự các nước như Úc, song Việt Nam là một nước đang phát triển nên sẽ cần nhiều sự hỗ trợ quốc tế hơn.
Theo đánh giá của phía Úc, nếu không áp dụng các biện pháp hiệu quả, biến đổi khí hậu với nhiệt độ tăng lên 1,5oC có thể dẫn tới thiệt hại 4,5% GDP cho Việt Nam trong 10 năm tới.
Một thách thức khác cho hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Úc là môi trường chính sách chưa tương đồng, cũng như vẫn còn một số khác biệt về văn hóa và thực tiễn kinh doanh.
"Để tối ưu hóa kết quả thương mại, các doanh nghiệp phải nâng cao hiểu biết và năng lực của mình để điều hướng các cơ hội một cách thành thạo. Bằng cách đầu tư, thảo luận về kiến thức và "cách thức kinh doanh" với nhau, họ sẽ có thể tận dụng được tiềm năng hợp tác to lớn giữa Úc và Việt Nam", ông Howard nói với Tuổi Trẻ.
Vượt qua thách thức
Giáo sư John Thwaites, chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Trung tâm Climateworks, cựu phó thủ hiến bang Victoria (Úc), cho rằng một trong các thách thức của chuyển đổi xanh liên quan tới môi trường chính sách phù hợp, cũng như liệu lực lượng lao động của hai bên có kỹ năng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hay không.
"Chúng ta cần xem xét các ưu đãi thị trường áp dụng trên toàn khu vực để đảm bảo các doanh nghiệp và nhà tài trợ sẽ đầu tư. Lực lượng kinh doanh và tài chính sẽ không đầu tư trừ khi có lý do để làm vậy, cũng như chắc chắn về việc đó là một liên doanh có lợi nhuận", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận