13/03/2018 16:20 GMT+7

Úc đòi chơi đúng luật quốc tế ở Biển Đông

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Úc lại lên tiếng can dự vào vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, trong đó kêu gọi phải tuân thủ luật quốc tế để giải quyết những căng thẳng trong khu vực.

Úc đòi chơi đúng luật quốc tế ở Biển Đông - Ảnh 1.

Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop có quan điểm khá cứng rắn trong quan hệ với Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Julie Bishop, trong phát biểu ngày hôm nay (13-3) kêu gọi tôn trọng vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết xung đột khu vực.

Bài phát biểu của bà trước Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc khai mạc tại Sydney vào ngày 16-3 đã bị rò rỉ trên báo Australian Financial Review.

Theo đó, bà Bishop nêu thẳng thắn rằng "Trật tự dựa luật lệ được thiết kế để điều chỉnh hành vi và sự ganh đua giữa các quốc gia và đảm bảo các nước cạnh tranh một cách công bằng và theo cách không đe dọa các nước khác hoặc gây bất ổn cho khu vực hoặc thế giới".

Luật quốc tế giúp đặt ra giới hạn để các quốc gia sử dụng quyền lực kinh tế hoặc quân sự của mình không thể áp đặt các thỏa thuận không công bằng đối với các quốc gia kém phát triển hơn"

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop

Theo Hãng tin Reuters, bài phát biểu này không chỉ tên rõ Trung Quốc nhưng rõ ràng là nhắm đến nước này bởi Trung Quốc đã lấn chiếm trái phép hầu hết các đảo, đá ở Biển Đông và thậm chí đơn phương tôn tạo và quân sự hóa các địa điểm đã chiếm đóng được.

Phát biểu mạnh mẽ của bà Bishop được đánh giá là nhằm tăng cường nỗ lực của Úc xây dựng một liên minh với các nước trong khu vực để chống lại quyết tâm lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông - nơi 1/3 lượng vận chuyển đường biển đi qua đây.

Ông Nick Bisley - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Melbourne (Úc), nhận định: "Úc đang cố gắng thuyết phục ASEAN chấp nhận quan điểm Trung Quốc là nhân tố phá vỡ quy tắc mà các bên sẽ có lợi hơn khi tuân thủ theo. Nếu ASEAN đồng tình theo chiều hướng đó, sẽ củng cố đáng kể vị thế của Úc".

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc tại Sydney từ ngày 16 đến 18-3, có sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự.

Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc có dấu hiệu căng thẳng tăng lên nhanh trong những tháng gần đây, sau những cáo buộc của Úc về việc Bắc Kinh tìm cách can dự, thao túng chính trường Úc và việc Úc muốn ngả theo Mỹ tham gia tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Washington gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh rằng "rất muốn" Úc tham gia Chiến dịch Tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trên Biển Đông.

Báo The Australian ngày 1-3 thậm chí cho rằng Bắc Kinh đang đặt Úc vào tình trạng đóng băng quan hệ ngoại giao, đình hoãn các chuyến thăm cấp bộ trưởng, hoãn chuyến thăm của Ngoại trưởng Úc và đưa ra một loạt các cuộc trao đổi cấp thấp. 

Quyết định đó được đưa ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Turnbull đến Mỹ mà Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc mô tả như là "người tiên phong chống Trung Quốc".

Úc đòi chơi đúng luật quốc tế ở Biển Đông - Ảnh 4.

Việc tàu sân bay khủng USS Carl Vinson của Mỹ cùng các tàu bảo vệ ghé thăm Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9-3 vừa qua cũng đã tạo ra những chuyển động mới trong quan hệ khu vực - Ảnh: REUTERS

"Con bài" câu giờ COC?

Trong khi đó câu chuyện của các thành viên ASEAN là một tiến bộ có được với Trung Quốc trong quyết tâm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết tranh chấp tồn tại nhiều năm qua. Nhưng cũng có chuyên gia cho rằng sự chủ động của Trung Quốc trong việc bắt tay về COC chỉ là một chiêu bài câu giờ.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh ở Munich (Đức) hôm 17-2, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng các nước thành viên ASEAN đang có cách tiếp cận "thực chất" trong vấn đề này. Bộ trưởng Ng Eng Hen nhắc lại rằng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được ASEAN và Trung Quốc ký kết hồi năm 2002, cần đến hơn 5 năm để hình thành.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) đang nỗ lực để giúp các bên liên quan đạt được những sự đồng thuận về các biện pháp mang tính thực chất, nhằm tránh những rủi ro hay tính toán sai lầm và giảm căng thẳng. 

Tháng 8-2017, các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung của COC, sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán. 

Việc thông qua dự thảo khung COC sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. 

Mỹ đánh tín hiệu trở lại Biển Đông trong năm 2018 Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về Biển Đông Trung Quốc tăng máy bay ra Biển Đông, đẩy mạnh tập trận tác chiến
TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên