21/03/2022 09:43 GMT+7

Úc ban hành luật chống thông tin sai lệch, xuyên tạc

TTXVN
TTXVN

TTO - Chính phủ liên bang Úc cam kết ban hành luật mới để giúp giảm sự lan truyền các nội dung có hại trên mạng xã hội, thúc đẩy các công ty công nghệ lớn chống lại làn sóng thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.

Úc ban hành luật chống thông tin sai lệch, xuyên tạc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher

Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher của Úc cho biết cơ quan giám sát truyền thông nước này sẽ được trao nhiều quyền quản lý hơn đối với các công ty công nghệ không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ quy tắc tự nguyện về thực hành chống thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.

Theo bộ quy tắc trên, thông tin sai lệch (misinformation) được định nghĩa là thông tin sai hoặc gây hiểu lầm có khả năng gây hại, trong khi thông tin xuyên tạc (dissinformation) là thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm được phát tán có chủ đích qua thư rác.

Các quy định mới, dự kiến sẽ được trình Quốc hội Úc vào cuối năm nay, sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đánh giá hiệu quả của việc tự kiểm soát thông tin và giúp chính phủ liên bang quyết định có cần ban hành một quy tắc bắt buộc để giải quyết vấn đề này hay không.

Bộ trưởng Fletcher cho biết: "Các nền tảng kỹ thuật số phải chịu trách nhiệm về những gì có trên trang web của họ và phải hành động khi nội dung có hại hoặc sai lệch xuất hiện". 

Báo cáo mới đây của Cơ quan Truyền thông và các phương tiện thông tin Úc (ACMA) cho thấy 82% người dân nước này đã nhận phải thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 trong 18 tháng qua.

Theo dự thảo các quy định mới, ACMA sẽ được phép thu thập thông tin và yêu cầu các nền tảng công nghệ như Meta (Facebook), Google và Twitter cung cấp thông tin để có thể xử lý các khiếu nại liên quan đến nội dung có hại. 

ACMA cũng sẽ có thể đăng ký và thực thi các quy tắc hoặc tiêu chuẩn ngành mới, nếu thấy các nỗ lực tự nguyện từ phía các công ty công nghệ là chưa đủ. 

Kế hoạch xây dựng luật được chính phủ liên bang Úc đưa ra 1 năm sau khi nhóm vận động hành lang của lĩnh vực công nghệ, DIGI, đưa ra bộ quy tắc tự nguyện về thực hành chống thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc. 

Các thành viên của DIGI là Facebook, Google, Twitter, Microsoft và TikTok đã đăng ký tham gia bộ quy tắc này, cam kết sẽ thông báo cho người dùng biết các biện pháp đã được áp dụng để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch trên các dịch vụ của họ và thực hiện báo cáo minh bạch hằng năm về những nỗ lực của họ.

Để triển khai hiệu quả các quy tắc tự nguyện, tháng 10-2021, DIGI đã thành lập một hội đồng độc lập có chức năng giám sát việc tuân thủ và xử lý các khiếu nại về các "vi phạm nghiêm trọng". 

DIGI cũng chỉ định một chuyên gia độc lập để kiểm tra các báo cáo minh bạch hằng năm. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tự kiểm soát, các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok và Twitter vẫn tràn ngập nội dung có hại về đại dịch COVID-19 và gần đây là về cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Sunita Bose, giám đốc điều hành của DIGI, cam kết nhóm sẽ hợp tác với chính phủ để cải thiện các biện pháp nhằm giải quyết thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.

Chủ tịch ACMA Nerida O’Loughlin cho biết, trong những tháng tới, cơ quan của bà sẽ tập trung vào việc kiểm tra xem các thỏa thuận tự kiểm soát có hiệu quả hay không và có cần thực hiện thêm những hành động khác để giải quyết các tác hại đối với người sử dụng các dịch vụ mạng xã hội ở Úc.

Nhà Trắng nổi giận vì trang chuyên chính trị đưa tin giả về đề nghị của Ukraine Nhà Trắng nổi giận vì trang chuyên chính trị đưa tin giả về đề nghị của Ukraine

TTO - Trang Axios (Mỹ) cho biết quan chức an ninh Ukraine Oleksiy Danilov gửi thư đề nghị Mỹ "vượt ra ngoài phạm vi viện trợ quân sự truyền thống... để hỗ trợ kháng chiến lâu dài ở Ukraine". Nhưng bức thư này không chắc là có thật.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên