"Hoàn toàn không có", ông Richard Marles trả lời ngắn gọn ngày 19-3. Trước đó ông được hỏi liệu có phải Úc đã hứa hỗ trợ Mỹ nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan, để đổi lại việc nhận các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Washington hay không.
Trung Quốc xem đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất khi cần thiết.
Hôm 13-3, Mỹ, Anh và Úc - ba nước thuộc cơ chế AUKUS - đã công bố chi tiết thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân cho Úc.
Theo đó, Úc có quyền mua tối đa năm tàu ngầm lớp Virginia từ Mỹ; Anh và Úc sẽ cùng nhận lớp tàu ngầm mới có tên SSN-AUKUS được đóng mới dựa trên công nghệ của Washington và thiết kế của London.
Chính phủ Úc xem dự án tàu ngầm trị giá 368 tỉ đô la Úc này là một việc cần phải làm để đối phó lại ảnh hưởng và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC ngày 19-3, Bộ trưởng Richard Marles nhấn mạnh không có sự đổi chác hay nghĩa vụ "có đi có lại" gì giữa Úc với Mỹ liên quan dự án tàu ngầm.
Trung Quốc đã phản đối thỏa thuận của nhóm AUKUS, lập luận rằng điều này vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Mỹ, Anh và Úc là các bên tham gia.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Úc cũng đang nỗ lực đưa quan hệ với Trung Quốc trở lại bình thường sau nhiều năm căng thẳng.
Dự kiến Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell sẽ sớm đến thăm Bắc Kinh. Khi được hỏi về tác động của thỏa thuận tàu ngầm đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, ông Don Farrell tin rằng nó sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực.
Ông nhắc lại cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc cách đây vài tuần, nhấn mạnh đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đang tan băng.
"Chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng mọi việc chúng tôi làm đều vì lợi ích quốc gia", ông Don Farrell giãi bày với Đài Sky News ngày 19-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận