TP.HCM cần được đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất cũng như giáo dục và đào tạo nhiều hơn nữa để trở thành trung tâm tài chính khu vực - Ảnh: N.BÌNH
Mới đây, UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.
Cụ thể, UBND TP cho rằng TP.HCM có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, năng suất lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tài chính..., việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam.
Việc này cũng sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế. Sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ.
Bên cạnh đó, với lợi thế của TP hiện nay là đầu tàu phát triển kinh tế, trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu năng động của cả nước thì định hướng trong ngắn hạn, trung tâm tài chính sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia với các hoạt động đa dạng, có tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều hàng hóa, phát triển các loại thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ theo chuẩn quốc tế.
Trong trung hạn, định hướng phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn. Và trong dài hạn, kỳ vọng TP sẽ thu hút được nhiều nguồn cung cầu về sản phẩm tài chính, phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả khu vực và toàn cầu.
Đồng thời, UBND TP cho rằng việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập; góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ trung tâm tài chính phát triển của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận