23/04/2018 11:33 GMT+7

UBND TP.HCM và dinh Thượng Thơ: Sao 'người đi kẻ ở'?

TT
TT

TTO - Phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP, cùng số phận của tòa dinh Thượng Thơ nhận được nhiều ý kiến về câu chuyện bảo tồn kiến trúc xưa trong lòng một đô thị đang thay da đổi thịt.

Video về ý tưởng thiết kế tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM

2 tòa nhà lịch sử: người đi - kẻ ở

Là người dân Sài Gòn, chúng tôi vui khi chính quyền lấy ý kiến của người dân trong việc muốn sửa sang các công thự và các kiến trúc, cảnh quan tiêu biểu của thành phố. 

Tuy nhiên chúng tôi nhận ra chính nơi đây trong năm 2015 đã có một triển lãm tương tự nhưng với nhiều phương án thiết kế, chứ không phải một phương án như hiện giờ.

Ở phương án thiết kế năm 2018, tòa nhà cổ ở số 59-61 Lý Tự Trọng - hình chữ U, nằm phía sau UBND TP (86 Lê Thánh Tôn - tòa nhà sẽ được giữ lại) - bị biến mất. Thời Pháp đây là Sở Nội vụ Nam Kỳ, người dân xưa còn gọi là .

Ngày nay, tòa nhà sau bao thăng trầm chắc hẳn đã xuống cấp nhưng dáng vẻ vẫn còn nguyên vẹn. Nếu có dịp ngắm nhìn nó từ trên cao hay phía trước mặt, chúng ta càng nhận ra vẻ đẹp yêu kiều của nó.

Vậy tại sao dinh Thượng Thơ, ngoài chức năng trụ sở hành chính, không thể dùng một phần hoặc toàn phần làm bảo tàng về lịch sử hành chính đô thị?

Từ năm 1996, thành phố chủ trương phải bảo tồn kiến trúc cảnh quan mang tính lịch sử của thành phố và thông qua danh sách 108 công trình cần bảo tồn. 

Tuy nhiên sau 22 năm, nhiều công trình trong danh sách vẫn trong tình hình "xếp hàng" chờ công nhận di tích văn hóa lịch sử.

Hơn thế nữa, ngoài danh sách này, chắn chắn còn nhiều công trình khác xứng đáng nhưng với cách "xếp hàng" như trên thì nhiều công trình đã "bay lên trời" vì không có pháp lý bảo vệ.

UBND TP.HCM và dinh Thượng Thơ: Sao người đi kẻ ở? - Ảnh 2.

Phòng triển lãm phương án thiết kế mở rộng trụ sở UBND TP.HCM - Ảnh: P.T.

Một băn khoăn không nhỏ khác là phương án thiết kế mới dự kiến bố trí 8 cơ quan nhà nước với khoảng 1.700 người làm việc.

Dù phương án giao thông sẽ được cải tạo "tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại" nhưng không khó nhận thấy khu vực xung quanh UBND TP đang phải "tải nặng" một loạt khách sạn, nhà hàng, cao ốc...

Việc đưa thêm các trụ sở vào đây, dĩ nhiên sẽ làm gia tăng nhiều hơn lượng người và xe lui tới, không tránh khỏi nguy cơ gia tăng ùn tắc, kẹt xe.

Trong khi đó, từ cuối năm 2016, UBND TP đã đề xuất ngưng xây dựng trung tâm hành chính tập trung vì không hiệu quả. 

Thay vào đó, sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử một cửa. Gần đây, thành phố đã thông qua đề án "thành phố thông minh" - đây không chỉ là công cụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là phương tiện cải cách hành chính.

Hiện ngân sách thành phố và trung ương đều nên ưu tiên cho các công trình thiết yếu và hiệu quả khác, thay cho việc xây dựng các công sở đồ sộ. Về lâu dài, khi có nhu cầu cao và đủ kinh phí, thành phố cũng không nên đặt trung tâm hành chính ở khu trung tâm đô thị cũ.

Nói thêm về điều này, từ lâu nhiều chuyên gia đã đề nghị lấy Thủ Thiêm làm trung tâm mới của thành phố. Còn khu vực quận 1 với hơn hai thế kỷ xây dựng sẽ tiếp tục là khu vực thương mại và bảo tồn văn hóa - lịch sử.

Nhiều kiến trúc cảnh quan hay đẹp khác có thể được chuyển sang làm bảo tàng, khu sinh hoạt văn hóa, tiếp khách có giá trị lớn về cả kinh tế và văn hóa. Một thành phố thông minh cần có cách ứng xử thông minh và nhân văn đối với di sản của tiền nhân để lại!

Tác giả PHÚC TIẾN

Nếu còn ý kiến trái chiều,  cần cân nhắc kỹ - Ảnh 2.

Dinh Thượng Thơ cũ (nay là trụ sở Sở Thông tin truyền thông và Sở Công thương TP.HCM) - Ảnh: XUÂN HƯNG

Dấu ấn Sài Gòn xưa không có lỗi... 

Sài Gòn là một đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây với những công trình công sở, tôn giáo, thiết chế văn hóa như tòa nhà Thị chính, Bưu điện, nhà thờ Đức Bà (Vương cung thánh đường), dinh Norodom, dinh Thống đốc, Nhà hát lớn, Bảo tàng, Thảo cầm viên...

Những đường phố ở trung tâm thành phố và khu biệt thự gần đó... Ngoài ra còn một số công trình khác có giá trị về lịch sử, kiến trúc, cần được bảo tồn nhưng đến nay chưa được "xếp hạng" - đó là do chính sách và công tác quản lý di sản văn hóa chậm trễ.

Trên tuyến đường xưa nhất của thành phố là đường Đồng Khởi - cảnh quan nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát lớn đã bị những công trình hiện đại lấn át. Thương xá Tax, đường Nguyễn Huệ và bùng binh cây liễu không còn nữa.

Nay đến lượt công trình UBND TP lại bị chắn bởi một công trình hiện đại khác, đồng thời kiến trúc dinh Thượng Thơ xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 sẽ bị phả hủy!

Tôi e rằng những ý kiến đánh giá công trình này không có gì đặc sắc để bảo tồn, hoặc quan niệm "công trình cổ phải nhường chỗ cho phát triển" là sự "báo trước" một ngày nào đó cả TP.HCM sẽ không còn một dấu vết lịch sử - văn hóa nào của Sài Gòn trăm năm!

Muốn giữ gìn đặc trưng văn hóa Sài Gòn - TP.HCM cần phải bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ những địa điểm công trình và cảnh quan quan trọng "vùng ký ức", ngược lại, hủy hoại hay làm biến dạng nó sẽ làm tổn thương và xóa bỏ "hồn đô thị".

Chính vì vậy, năm 2014 thành phố đã ban hành "chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM", trong đó xác định "bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là vấn đề thiết yếu trong việc quản lý, phát triển đô thị, đặc biệt đối với TP.HCM có quá trình phát triển qua nhiều thời kỳ với những đặc điểm đa dạng về kiến trúc đô thị"; 

Đồng thời nêu rõ mục tiêu của chương trình nhằm xác định các yêu cầu, đối tượng và quan điểm định hướng trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố.

Như vậy, vấn đề bảo vệ di sản văn hóa thực chất là việc ban hành chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị.

Nhưng chính quyền đang thực hiện nhiều dự án "phát triển" đồng thời là phá hủy di sản văn hóa, xóa bỏ lịch sử hiện hữu bằng "vật chất" ở ngay vũng lõi của đô thị Sài Gòn, đó là việc đánh đổi văn hóa, lịch sử, ký ức cộng đồng lấy một sự "hiện đại" vô hồn, không bản sắc và sự nhân văn!

Có thể ứng xử với Sài Gòn như vậy được sao?

TS NGUYỄN THỊ HẬU (phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN)

Giữ lại tòa nhà chữ U rất tốn kém

Việc dựng mới trụ sở HĐND - UBND TP.HCM trên lô phố Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi mà vướng tòa chữ U sẽ rất khó thiết kế, khó xây và nó sẽ làm cho công trình trụ sở của HĐND - UBND TP.HCM không hoàn chỉnh.

Trước đây, có phương án đề xuất giữ lại tòa nhà chữ U này nhưng phải dùng công nghệ mới rất phức tạp và tốn kém.

Muốn bảo tồn thì làm gì cũng được, nhưng việc phải bàn là chúng ta có nên đổi lại một giá quá tốn kém vậy không!

KTS NGUYỄN TẤN VẠN (chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế tòa nhà trụ sở HĐND - UBND TP.HCM)

Trụ sở UBND TP.HCM và số phận dinh Thượng Thơ: ý kiến trái chiều

TTO - Những ngày qua thị dân Sài Gòn không quên dành sự quan tâm quanh phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP, cũng như số phận của tòa nhà dinh Thượng Thơ.

TT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên