*Trung ương hỗ trợ Khánh Hòa 30 tỉ đồng và 500 tấn gạo* Lạnh lại về Nam trung bộ, lũ khẩn cấp ở miền Trung* Xuất hiện vùng áp thấp
Văn bản của UBND tỉnh Phú Yên nêu rõ: qua kiểm tra thực tế nhận thấy Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ trước khi cho hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với cường độ lớn, có thời điểm trên 6.000m3/giây, đã không báo cáo cho UBND tỉnh, rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành di dời dân. Như vậy công ty đã vi phạm điều 12 của quy trình vận hành liên hồ chứa theo quyết định 1775/QĐ-TTg ngày 23-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Phóng to |
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ có lúc lên đến hơn 6.000m3/giây trong ngày 2-11 - Ảnh: NGỌC CHUNG |
“Để đảm bảo kỷ cương quản lý nhà nước tại địa phương, UBND tỉnh Phú Yên nghiêm khắc yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ có biện pháp chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành theo quy định của Thủ tướng Chính phủ” - văn bản của UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 2-11 ba thủy điện trên lưu vực sông Ba là Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng đã xả lũ xuống hạ lưu với lưu lượng lớn, có lúc hơn 8.300m3/giây, khiến lũ lên nhanh ở các huyện, thành phố ven sông Ba. Đêm 2-11, khi các thủy điện xả lũ đồng thời với lúc thủy triều dâng cao đã gây ngập nhiều tuyến đường nội thành TP Tuy Hòa.
Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định: thêm 3 người chết
* Lúc 10 giờ ngày 3-11, lực lượng cứu hộ cứu nạn địa phương và gia đình đã tìm thấy thi thể của anh Trần Minh Dương (21 tuổi, ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, Phú Yên) bị nước lũ cuốn trôi tối 2-11.
Như vậy, từ đầu tháng 11 đến nay, ở tỉnh Phú Yên đã có 4 người chết, 1 người mất tích vì mưa lũ.
Đến sáng nay, tại tỉnh Phú Yên, lũ đã rút bớt so với tối 2-11. Theo thông báo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có 2.080 ngôi nhà bị ngập, ba nhà sập hoàn toàn, năm nhà bị hư hỏng, xiêu vẹo; 850ha lúa, hơn 1.000ha mía, 370ha sắn bị ngập trong nước lũ.
Theo thông báo lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, chiều và đêm 2-11, lũ trên các sông ở Phú Yên đã đạt đỉnh và đều trên mức báo động 3. Hiện nước lũ các sông đang xuống chậm, nhưng duy trì ở mức cao và có thể lên lại.
* Nha Trang: phát hiện một xác chết do lũ cuốn: Hơn 15g chiều 3-11, bà con thôn Cù Lao Trung 1 (P. Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) phát hiện một thi thể trôi gần chiếc ghe một ngư dân. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Văn Quế (sinh 1953, trú thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) bị nước lũ cuốn trôi ngày 31-10.
Vào thời điểm trên, ông Quế cùng hai con là Nguyễn Văn Thảo (sinh 1984) và Nguyễn Văn Tâm (sinh 1974) bơi ghe chở gạo qua Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương) thăm con gái. Ghe gần tới bờ thì bị sóng mạnh đánh lật, hai người con cố gắng dìu ông vào bờ nhưng không được.
* Bình Định: một em bé 3 tuổi bị thiệt mạng vì lũ: Khoảng 17g30 ngày 3-11, trong lúc vui đùa với các bạn, em Mai Thị Thúy Hằng (3 tuổi, con anh Mai Đình Vinh ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định) không may té xuống mương nước trước sân nhà. Do nước lũ đang dâng cao nên việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Đến 18g cùng ngày thi thể em Hằng mới được tìm thấy và được gia đình nhận về an táng.
Đây là nạn nhân đầu tiên bị thiệt mạng do đợt lũ lụt kể từ ngày 1-11 đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Sáng 3-11, tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục có mưa, một số tuyến đường trong TP Nha Trang vẫn có hiện tượng nước dâng chậm. Ông Nguyễn Ngọc Hoa - chánh văn phòng UBND huyện Khánh Vĩnh - cho biết sau một ngày nỗ lực điều động 20 cán bộ, chiến sĩ cùng với 5 ô tô vượt qua các đoạn ách tắc, đến đêm 2-11, toàn bộ hành khách mắc kẹt tại đường Khánh Lê - Lâm Đồng (đường huyết mạch từ huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đi tỉnh Lâm Đồng) đã được đưa về nơi an toàn. Ông Hoa cho biết thêm một số hành khách ở lại xã Khánh Lê để đợi các chủ xe, còn khoảng 15 hành khách được đưa về nhà khách của UBND huyện Khánh Vĩnh để nghỉ ngơi. Sáng nay 3-11, UBND huyện Khánh Vĩnh đã bố trí xe đưa toàn bộ hành khách xuống Nha Trang để đón xe về nhà. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 20 tài xế và chủ xe vẫn không chịu về thị trấn Khánh Vĩnh, vì họ còn ở lại trông xe và hàng hóa. UBND huyện đã bố trí người tiếp tế lương thực và nước uống cho họ. Tàu Hong Kong gặp nạn tại Nha Trang tiếp tục hành trình Chiều 3-11, bộ đội biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang (Khánh Hoà) đã làm thủ tục xuất cảnh cho ba thuyền viên cùng thuyền buồm Koull Baby, mang số hiệu HKG 1978, quốc tịch Hong Kong được đồn biên phòng 388 cứu ngày 30-10. Theo lịch trình, tàu Koull Baby xuất phát từ cảng Hong Kong ngày 25-10, cập cảng Port Klang (Malaysia) để tham gia cuộc đua thuyền buồm Malaysia - Thái Lan tổ chức. Ngày 27-10, tàu vào vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam thì bị bị hỏng hệ thống điện, máy định vị, máy vô tuyến điện. Tàu đã bắn 8 pháo hiệu cứu nạn nhưng không có tàu nào phát hiện và cứu giúp. Thuyền trưởng quyết định lợi dụng sức gió cho tàu trôi dạt vào vùng biển Nha Trang. Ngày 30-10, nhận được tín hiệu cấp cứu, tàu hải đội 2 biên phòng kéo vào neo ở cảng của hải đội. Sau khi giúp sửa chữa xong hư hỏng cho chiếc thuyền buồM, đồn biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang đã hoàn tất thủ tục để thuyền tiếp tục chuyến hành trình đến Malaysia. |
* Sáng 3-11, ông Nhâm Xuân Sỹ, phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, cho biết chiều và tối nay (3-11), mực nước trên các sông ở tỉnh Quảng Ngãi sẽ lên ở mức báo động 2, có khả năng vượt báo động 2, cần đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, lũ lớn vùng hạ lưu và ngập úng ở vùng trũng.
Hiện nay, thời tiết ở Quảng Ngãi đang diễn biến phức tạp, lũ lớn có thể đổ về bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhiều người dân ven sông Trà Khúc vẫn mạo hiểm lội ra sông vớt củi.
Phóng to |
Mực nước trên các sông Quảng Ngãi chiều và tối nay (3-11) có khả năng vượt mức báo động 2 gây ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng - Ảnh: Phạm Xuân |
Phóng to |
Người dân ven sông Trà Khúc ra sông vớt củi - Ảnh: Phạm Xuân |
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên trong đêm qua và sáng nay 3-11, trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Lượng mưa đo được từ ngày 1-11 đến 7g sáng 3-11 phổ biến khoảng 150 mm - 250mm. Mực nước tại các sông trong tỉnh đang lên nhanh. Trong đó, Sông Kôn tại Thạnh Hòa đo được 7m 59, dưới mức báo động 3 và nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương trong tỉnh.
Nước lũ đã chia cắt nhiều đoạn trên tuyến tỉnh lộ DT 640 nối từ trung tâm huyện lỵ Tuy Phước về các xã Khu Đông, như Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (huyện Phù Cát). Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã cũng chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu từ 1 - 1,5m. Người dân phải dùng đò hoặc xe vận tải để trung chuyển.
Nước lũ đã làm tuyến xe buýt từ Qui Nhơn đi huyện Phù Cát bị tê liệt hoàn toàn.
Hàng ngàn công nhân ở các xã khu Đông (huyện Tuy Phước) đang làm việc tại khu công nghiệp Phú Tài (Qui Nhơn) không thể đến nơi làm việc và gần 30.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện Tuy Phước phải nghỉ học trong sáng 3-11.
Theo trung tâm khí tượng tượng thủy văn Bình Định, trong 3 ngày tới trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có các đợt mưa vừa, mưa to đến rất to và mực nước các sông tiếp tục dâng cao.
Đến chiều tối 3-11, mực nước các sông lớn ở Bình Định vẫn tiếp tục dao động ở mức cao. Trong đó, sông Lại Giang và sông Hà Thanh dao động dưới báo động cấp 1. Sông Kôn tại Thạnh Hòa đến chiều tối nay ở mức 7,56m, trên báo động 2 0,56m và có khả năng lên trên mức báo động 3.
Tỉnh Bình Định cũng có phương án sẵn sàng di dời dân ở các vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước lớn, từ sáng 3-11 tỉnh Bình Định đã tiến hành xả lũ tại hồ chứa nước Núi Một với lưu lượng 34,3m3/giây và Hồ Định Bình với lưu lượng 437m3/giây.
* Tại Quảng Bình, hai trận lũ lớn trong tháng 10 vừa qua đã làm ngập hầu hết 7/7 huyện thị của tỉnh, khiến các nguồn nước sông và trên 108.400 giếng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, nguồn nước giếng và nước sông ở lưu vực các sông Gianh, Nhật Lệ, Roòn, Dinh, Kiến Giang, Lý Hòa... đều bị ô nhiễm chất hữu cơ và coliform.
Đặc biệt là tại sông Kiến Giang và Nhật Lệ hàm lượng sắt tăng từ 9,3-14 lần so với trước lũ lụt, coliform tăng 17,3-62,56 lần và amoni tăng 13,5-14 lần. Tại sông Gianh, lượng chất rắn lơ lửng tăng 4-9,5 lần, amoni tăng 3,8-25 lần.
Ông Phan Xuân Hào, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Bình, cho biết: “Với mức ô nhiễm như vậy thì sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng nhiều là đương nhiên. Tỉnh đang huy động bà con dọn dẹp và xử lý môi trường, đặc biệt là khử trùng giếng nước sinh hoạt bằng Cloramin B... Kinh phí cho công tác này dự kiến khoảng 9 tỉ đồng, nhưng hiện tỉnh mới được hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường VN 1 tỉ đồng”.
* Quảng Trị: tê liệt đường nối Cửa Việt - Cửa Tùng do triều cường: Nhiều ngày nay, tuyến đường du lịch (còn gọi là đường quốc phòng) nối liền hai khu du lịch lớn của tỉnh Quảng Trị là Cửa Việt và Cửa Tùng đã bị tê liệt hoàn toàn do triều cường.
Phóng to |
Đoạn đường qua thôn Cang Gián, xã Trung Giang bị ngập sâu hơn nửa mét khiến xe cộ phải vượt qua bằng cách nhờ xe bò kéo - Ảnh: Quốc Nam (ảnh chụp chiều 3-11) |
Nghiêm trọng nhất là đoạn qua thôn Cang Gián (xã Trung Giang, Gio Linh), nước biển dâng cao hơn các đoạn cầu tràn trên đường liên tục một tuần qua đã làm việc đi lại của hàng ngàn người dân nơi đây gặp rất nhiều trở ngại.
Đến ngày 3-11, có những đoạn tràn nước vẫn còn sâu hơn 1m. Nhiều người dân quanh khu vực phải mở dịch vụ trung chuyển người và xe qua đoạn đường này bằng xe bò kéo tay. Những người dân ở đây cho biết tình trạng triều cường tương tự đã xảy ra nhiều năm trước, nhưng chưa khi nào nước dâng lên cao như năm nay.
Ông Dương Đức Quý, chủ tịch UBND xã Trung Giang, cho biết chủ yếu các đoạn bị ngập nước trên tuyến đường là do khi làm đường đã thiết kế cầu tràn quá thấp, nên nước biển dễ dàng dâng lên gây ngập. UBND xã đã huy động cả trăm nhân công ra đổ đất làm bờ bao ngăn nước biển dâng mấy ngày qua, nhưng triều dâng thì bờ bao không chống nổi.
Lạnh lại về Nam trung bộ, lũ khẩn cấp ở miền Trung Theo đài khí tượng Thủy văn Nam Bộ, sáng 3-11 trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa hình thành một vùng áp thấp. Hồi 7g, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam - Khánh Hòa. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng Tây. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, ở khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 - 10 và có mưa dông mạnh. Biển động rất mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.
* Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã có tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, dự báo trong đêm 3-11 bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác (ngoài Bắc bộ và Bắc Trung bộ) là Trung và Nam Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc bộ không mưa, trời rét, các tỉnh bắc Trung bộ có mưa vài nơi, gió đông bắc trong đất liền mạnh, ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Trung tâm cũng cảnh báo lũ do ảnh hưởng mưa của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, ngày 3-11 lũ các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai đã lên lại; các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và Kon Tum, Đăk Lăk cũng lên. Đợt lũ này có thể kéo dài 2 - 3 ngày; trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn, đỉnh lũ có thể lên mức báo động cấp 2-3, nhiều nơi lên trên mức báo động 3; các sông ở Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk lên mức báo động 1-2, có nơi trên mức báo động 2. Đây là một đợt mưa, lũ lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng nên không ngoại trừ khả năng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối ở các tỉnh trên. TP.HCM: thủy triều cao đột biến có thể gây ngập Trái với quy luật tự nhiên, trong những ngày đầu tháng là thời kỳ triều kém và triều trung bình thì trong những ngày đầu tháng 11, thủy triều đã tăng đột biến khác thường (từ ngày 29-10 đến nay mực nước thủy triều dâng cao và duy trì ở mức cao). Lúc 2g30 ngày 3-11, nước triều lên đến mức trên báo động cấp 3, mực nước đỉnh lên đến 1,52m. Theo dự báo thủy triều 5 ngày của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ thì do ảnh hưởng của không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường làm cho mực nước đỉnh triều của trạm Phú An, Nhà Bè, Thủ Dầu Một dâng cao và duy trì ở mức cao liên tục. Trong những ngày tới thủy triều luôn ở mức báo động cấp III. Ngày 4-11, tram Phú An (sông Sài Gòn) thủy triều lúc 3 giờ 30 mực nước đỉnh ở mức 1,48m, đến 4 giờ 30 sáng ngày 5-11 và 6 giờ ngày 6-11 thủy triều chỉ hạ nhẹ còn 1,47 và 1,46m, nhưng đến 6 giờ ngày 7-11 thủy triều lại tăng lại đến mức 1,49m. Phía trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đỉnh triều ở mức tăng giảm không theo quy luật từ 1,46m trong ngày 4-11, đến ngày 5 và 6-11 thủy triều hạ nhẹ về mức 1,44-1,45m, những đến ngày 7-11 đỉnh triều lại tăng lên mức 1,47. Có nguy cơ xảy ra ngập nặng tại TP.HCM nếu thời điểm triều cường lên kết hợp mưa lớn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM đã đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi, triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là việc vận hành đóng, mở các cống và van ngăn triều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận