Khách hàng sử dụng xe Uber tại TP.HCM - Ảnh: TL
Ngày 20-12, Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết coi các dịch vụ trung gian sử dụng ứng dụng di động, có thu phí, để kết nối giữa các tài xế không chuyên có phương tiện di chuyển cá nhân và những người có nhu cầu đi lại trong thành phố, về bản chất phải được coi là có liên quan đến một dịch vụ vận tải và được phân loại là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải’ dưới hệ thống pháp luật Châu Âu".
Điều đó có nghĩa là công ty Uber là kinh doanh dịch vụ vận tải như một hãng taxi, chứ không còn là một công ty công nghệ như hãng này trước nay vẫn nhấn mạnh.
Phản ứng trước phán quyết này, ngày 22-12, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Giám đốc Chính sách của Uber Việt Nam, cho rằng phán quyết trên chỉ áp dụng cho dịch vụ cung cấp cho các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải, chỉ sử dụng xe chạy Uber trong thời gian dư thừa công suất.
Trong khi đó, những xe sử dụng ứng dụng Uber tại Việt Nam phải là phương tiện hợp đồng, thuộc loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng.
Theo đó, chỉ các doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép kinh doanh vận tải mới được sử dụng ứng dụng Uber.
Chính vì thế, đại diện Uber Việt Nam cho rằng loại hình dịch vụ cung cấp bởi các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải, được đề cập trong phán quyết ở Châu Âu không nằm trong khuôn khổ Đề án Thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam khởi xướng.
Đề án thí điểm này sau hai năm thực hiện sẽ hết hạn trong khoảng hơn một tuần tới, và hiện tại, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đang xem xét mô hình của Uber-Grab là xe ứng dụng hợp đồng điện tử hay là kinh doanh vận tải như taxi.
Đại diện Uber Việt Nam cũng cho rằng mặc dù hãng xe này triển khai cùng một công nghệ trên khắp thế giới, các quy định về Uber nói riêng và quản lý dịch vụ chia sẻ phương tiện nói chung có nhiều khác biệt tại mỗi quốc gia.
Theo đó, phía Uber Việt Nam cho rằng mỗi chính phủ và cơ quan quản lý có một khung pháp lý riêng và hãng luôn tuân thủ.
Hiện nay, tại Việt Nam cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong gọi tên chính xác cho hoạt động của Grab hay Uber để có những ứng xử phù hợp.
Bản thân những người trong cuộc cũng thừa nhận thị trường này đang được bơm tiền rất mạnh từ các nhà đầu tư và ngốn rất nhiều tiền chứ không chỉ đơn giản là chuyện công nghệ.
Đây là một mô hình kinh doanh và công nghệ chỉ là một phần giúp các nhà điều hành đạt được mục tiêu kinh doanh.
Theo Quyết định số 24, hiện có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử.
Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải đã được nhận đề xuất đề án của 7 công ty nhưng chưa được chấp thuận do chưa có ý kiến của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận