09/03/2018 09:34 GMT+7

Uber, Grab không nộp thuế đầy đủ, mời ra khỏi Việt Nam

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể muốn quản lý Uber và Grab như loại hình taxi và khẳng định rằng nếu không nộp thuế đầy đủ thì "mời ra khỏi Việt Nam".

Uber, Grab không nộp thuế đầy đủ, mời ra khỏi Việt Nam - Ảnh 1.

Tài xế xe Grab đón, trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Tôi đã nghe nhiều người nói thí điểm xe hợp đồng điện tử của chúng ta có số lượng mấy chục ngàn xe, hơn cả taxi mà số tiền nộp thuế không đáng bao nhiêu. Đợt này chúng ta sửa nghị định phải quản lý được những công ty này hoạt động phải nộp thuế đầy đủ đúng quy định pháp luật của VN. Còn nếu không xin mời ra khỏi Việt Nam. Tôi nói thẳng như thế...", Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải nói. 

Phát biểu trên của ông Thể được đưa ra tại cuộc họp bàn về Dự thảo nghị định thay thế nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô ngày 8-3.

Ông Thể cho rằng hoạt động của Uber, Grab bản chất là loại hình taxi ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, phải sửa đổi nghị định để quản lý được hoạt động của Uber, Grab như một doanh nghiệp taxi.

“Uber, Grab phải đăng ký kinh doanh vận tải, có trụ sở ở một địa phương nào đó tại VN... Nếu Uber, Grab có 100% vốn nước ngoài sẽ không được kinh doanh vận tải ở VN...

Ông Trần Quang Bình (vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ)

Ông Thể cũng chỉ ra thời gian qua thí điểm xe hợp đồng điện tử nhưng không quản lý được số lượng dẫn đến ùn tắc giao thông các đô thị lớn khi lượng xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab lên đến gần 37.000 xe, bao nhiêu người mua xe chạy Uber, Grab mắc nợ nần. 

Taxi muốn phát triển số lượng phải xin phép trong khi số lượng xe Uber, Grab không quản lý được, phát triển nhiều hơn cả taxi. 

Cơ quan quản lý không biết bao nhiêu xe Uber, Grab chạy trên đường.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết trước đây có quan điểm rất khác nhau trong việc định nghĩa xe Uber, Grab là đối tượng nào. 

Tổng cục Đường bộ nhiều lần có văn bản kiến nghị xếp xe Uber, Grab vào taxi. Nay bà Hiền tiếp tục cho rằng cần soạn lại dự thảo nghị định theo hướng đưa xe Uber, Grab vào nhóm taxi.

Uber, Grab không nộp thuế đầy đủ, mời ra khỏi Việt Nam - Ảnh 3.

Khách đi xe Uber trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Vẫn lo không quản lý nổi

Bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh hiện trong dự thảo nghị định, xe Uber, Grab chưa bị giới hạn số lượng xe. 

Nếu đưa Uber, Grab vào nhóm taxi để quản lý thì cần xử lý những vấn đề như phải đeo mào (biển hiệu taxi). 

Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng đồng hồ tính tiền như Luật giao thông đường bộ quy định mà có thể tính bằng phần mềm.

Bà Hiền nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng là xây dựng hành lang pháp lý, điều kiện hoạt động ngang bằng giữa taxi và Uber, Grab để người dân lựa chọn. Còn Uber, Grab đưa ra chương trình khuyến mãi là quyền của họ.

Sau nhiều ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: Nếu Uber không đặt trụ sở ở Việt Nam, Nghị định có buộc họ thực hiện được không? 

Ông Trần Quang Bình - vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ - dẫn dự thảo nghị định và cho rằng: Uber, Grab phải đăng ký kinh doanh vận tải, có trụ sở ở một địa phương nào đó tại VN. Nếu không, họ sẽ chỉ được chấp nhận làm doanh nghiệp bán phần mềm. Lúc đó, họ chịu sự quản lý của Bộ Công thương, Bộ Thông tin - truyền thông.

Đặc biệt, nếu Uber, Grab có 100% vốn nước ngoài sẽ không được kinh doanh vận tải ở VN bởi theo quy định, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh vận tải phải thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đơn vị vận tải tại Việt Nam với tỉ lệ góp vốn không quá 51%. 

Như vậy mới được đăng ký kinh doanh vận tải. Trường hợp Grab, Uber chỉ cung cấp công nghệ sẽ không được điều hành vận tải như hiện nay.

Ông Thể cũng đặt câu hỏi nếu quy định Uber, Grab là taxi nhưng sau đó họ biến tướng, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để hoạt động không tuân theo loại hình taxi, liệu có quản lý được không?

Trả lời, bà Trịnh Thị Hằng Nga - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT - cho rằng cần quy định cụ thể trong nghị định, dự đoán được các tình thế có thể xảy ra để quản lý.

Liên quan đến việc nhận dạng xe hợp đồng điện tử, ông Trần Bảo Ngọc - vụ trưởng Vụ Vận tải - cho biết dự thảo nghị định có quy định xe hợp đồng điện tử phải dán logo của nhà cung cấp ứng dụng...

Uber, Grab không nộp thuế đầy đủ, mời ra khỏi Việt Nam - Ảnh 4.

Tư liệu: THU DUNG - Đồ họa: N.KH.

Quyết "siết" việc quản lý

Kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng cả xã hội đang trông chờ Nghị định 86 sửa đổi bởi nghị định này ra đời sẽ kết thúc thí điểm xe hợp đồng điện tử.

Ông Thể giao ban soạn thảo nghị định tổng hợp ý kiến cuộc họp, nắm thêm dư luận, các đơn vị liên quan để điều chỉnh dự thảo với tinh thần tăng cường quản lý các đơn vị như Uber, Grab hoạt động theo đúng pháp luật...

Đồng thời, ông Thể yêu cầu xe hợp đồng điện tử phải thực hiện chế độ với người lao động. Trường hợp rủi ro với người lao động, người lao động gây hậu quả với xã hội, Uber và Grab cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên