Thủy quân lục chiến Anh diễn tập cùng đàn UAV trong PC22 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là mỗi chiếc cần một người điều khiển riêng. Trong chiến tranh tương lai, các UAV sẽ tác chiến theo đàn với hàng trăm, hàng ngàn chiếc bay đồng bộ như đàn chim trong khi chỉ cần một chuyên viên điều khiển. UAV tác chiến theo đàn không còn là chuyện khoa học viễn tưởng mà một số quốc gia đã bắt tay vào thử nghiệm.
Tầm quan trọng của đàn UAV ở chỗ có thể sử dụng chúng cho bất kỳ nhiệm vụ gì.
ZACHARY KALLENBORN
Trình diễn ngoạn mục trên sa mạc California
Trên nền trời xanh thẳm, 40 UAV bốn cánh quạt loại nhỏ bay sát bên nhau gần như không tiếng động theo đội hình. Chúng tiến về con đường đất chia đôi sa mạc rộng lớn đầy cát và bụi rậm ở bang California. Đây là nơi đối phương có thể sử dụng để tấn công các đơn vị đóng quân gần đó. Khoảng phân nửa UAV hạ cánh nhẹ nhàng giữa con đường và sẵn sàng tấn công bất cứ thứ gì tiến về phía chúng.
Mấy chục UAV nêu trên được triển khai trong cuộc diễn tập UAV tác chiến theo đàn vào ngày 9-11-2022 tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Fort Irwin trong khuôn khổ dự án Convergence 2022 (PC22) nhằm đưa các công nghệ mới vào thực hành chiến đấu. Theo trang web FlightGlobal, PC22 mô phỏng hai xung đột quy mô lớn giả định xảy ra ở châu Âu và môi trường hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai khái niệm UAV tác chiến theo đàn được thử nghiệm:
. Một là sử dụng đàn UAV 62 chiếc phong tỏa đường trong chương trình "Các chiến thuật tấn công có thể theo đàn" (OFFSET) của Mỹ. Các UAV làm nhiệm vụ trinh sát, tấn công hoặc tạo vật cản đối với máy bay địch để hỗ trợ các đơn vị mặt đất cấp thấp. Người điều khiển dùng máy tính bảng chỉ định nhiệm vụ và đội hình bay, sau đó đàn UAV tự động thực hiện.
. Hai là sử dụng đàn UAV theo từng nhóm từ 3-6 UAV do các đơn vị Úc thực hiện. Các UAV làm nhiệm vụ trinh sát và thu thập thông tin tình báo. Người điều khiển sử dụng máy tính bảng chỉ định nhiệm vụ và mục tiêu, sau đó các UAV tự điều chỉnh hoạt động như thiết kế đường bay và kịch bản tìm kiếm cụ thể.
Tại PC22, Công ty Kraus Hamdani Aerospace ở California đã trình diễn UAV K1000 hoạt động ở độ cao trên 6.000m bằng pin mặt trời gắn trên cánh nhằm đối phó với đạn tầm xa. Ông Stefan Kraus, người đồng sáng lập KHA, khẳng định chuyên viên điều khiển có thể kiểm soát đàn K1000 từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhóm đã thử nghiệm cho một chuyên viên điều khiển ở Scotland kiểm soát K1000 tại PC22 thông qua mạng vệ tinh Starlink.
Ngoài ra, quân đội Mỹ còn trình diễn dự án "Hiệu ứng phóng từ trên không" (ALE) nhằm phát triển hàng loạt UAV chi phí thấp được phóng đi từ trực thăng đang bay. Một trực thăng chở tám máy bay ALE có khả năng trinh sát, tình báo và hỗ trợ chiến thuật sát thương cho các lực lượng mặt đất. Các UAV có thể phối hợp bán tự động theo chiến thuật "bầy sói" (tấn công hàng loạt).
Trên bầu trời hạn hẹp có hàng trăm UAV hoạt động bên cạnh hỏa lực pháo binh và tên lửa chính xác, làm thế nào để không bị trúng đạn phe ta? Tại PC22 đôi lúc có tới 25 loại máy bay hoạt động trong không phận cao hơn 6.000m. Bộ chỉ huy sư đoàn kỵ binh số 1 Mỹ là nơi cung cấp quân cho PC22 phải cân nhắc liệu pháo binh hoặc vũ khí khác có nên bắn xuyên qua đàn UAV hay không. Các đơn vị tham gia PC22 đã đồng thuận rằng do các UAV được thiết kế để có thể tiêu hao dần nên cứ việc bắn xuyên qua chúng.
Israel không kích dải Gaza ngày 12-5-2021 theo hướng dẫn của đàn UAV - Ảnh: IDF
Dự án chưa từng thấy của hải quân Mỹ
Từ lâu hải quân Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm UAV tác chiến theo đàn. Tháng 4-2021, lần đầu tiên hải quân Mỹ cho một đàn UAV tấn công tàu trong cuộc diễn tập tại khu thử nghiệm Dugway ở bang Utah. Tuy nhiên, nội dung chi tiết về các dự án đàn UAV chỉ mới được hé lộ gần đây.
Qua phân tích tài liệu ngân sách của hải quân Mỹ, tạp chí MIT Technology Review (Mỹ) ngày 24-10-2022 cho biết hải quân Mỹ đã xây dựng dự án Super Swarm bao gồm nhiều kế hoạch lớn chưa từng thấy nhằm xây dựng, triển khai và kiểm soát đàn UAV hàng ngàn chiếc đáp ứng hai mục đích tấn công và phòng thủ.
Tài liệu ngân sách đưa ra nhiều ví dụ cụ thể như phóng đàn UAV từ tàu nổi, tàu ngầm, máy bay, xe cơ giới; chế tạo "tàu mẹ" để triển khai đàn UAV; sử dụng kỹ thuật in 3D để sản xuất UAV rẻ tiền dùng một lần nhằm giảm chi phí.
Nhà phân tích Zachary Kallenborn ở Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason (Mỹ) nhận xét đàn UAV có thể đáp ứng bất kỳ nhiệm vụ gì.
Chúng có thể tấn công áp đảo hệ thống phòng không, tấn công tự sát, xây dựng tuyến phòng thủ đầu tiên nhằm gây thiệt hại các hệ thống quan trọng như ăng ten radar hay pháo hạm, phá vỡ tuyến phòng thủ để mở đường cho các đợt tấn công tiếp theo bằng tên lửa, máy bay có người lái và các loại vũ khí truyền thống khác. Ưu điểm của chúng là dù nhiều chiếc bị bắn hạ cũng không sao vì mục đích chỉ nhằm gây rối và trì hoãn thời gian.
Trở ngại của đàn UAV là tầm hoạt động hạn chế. Ví dụ UAV Raytheon Coyote nặng gần 6kg được sử dụng trong dự án "Công nghệ đàn UAV chi phí thấp" (LOCUST) chỉ có thể bay 2 tiếng với tốc độ 50km/h. Do đó, tài liệu ngân sách đã nêu ra nhiều dự án.
Hàng ngàn UAV tác chiến theo đàn trong tương lai Ảnh: mindmatters.ai
Dự án "Triển khai và sử dụng các hệ thống tầm xa tự hành" (DEALRS) sử dụng hệ thống thú có túi hoặc tàu mẹ (UAV lớn chở nhiều UAV nhỏ). Dự án "Sản xuất các hệ thống tự hành quy mô lớn" (MASS) sử dụng công cụ thiết kế kỹ thuật số và in 3D để chế tạo UAV giá rẻ với thiết kế có thể điều chỉnh tùy thích.
MASS chú trọng sản xuất UAV ngay trên tàu hải quân gần chiến trường với số lượng hàng chục ngàn chiếc. Dự án "Các đội có người lái và tự hành" (MATes) giúp đàn UAV phối hợp với con người dễ dàng hơn và các UAV có thể tự hoạt động.
Nếu tất cả dự án trong dự án Super Swarm kết hợp với nhau, hải quân Mỹ sẽ có khả năng triển khai các đàn UAV khổng lồ di chuyển quãng đường dài trinh sát chi tiết trên khu vực rộng đồng thời có khả năng tìm kiếm và tấn công hàng loạt. Một đàn UAV chừng 1.000 chiếc có thể loại khỏi vòng chiến một tiểu đoàn trong một lần tấn công.
Nhà chiến lược Peter W. Singer thuộc tổ chức tư vấn New America nhận xét: "Bất kỳ ai cho rằng đàn UAV sẽ không xuất hiện trên chiến trường tương lai thì một ngày nào đó sẽ giống như những người ngày xưa đã từng lập luận tàu ngầm, xe tăng hoặc máy bay chỉ là khoa học viễn tưởng".
Israel có lẽ là quốc gia đầu tiên triển khai đàn UAV trong chiến đấu. Ngày 11-5-2021, trong chiến dịch "Người bảo vệ bức tường" nhằm trả đũa Hamas bắn hàng trăm quả đạn cối vào Israel, lực lượng phòng vệ Israel đã triển khai một đàn UAV làm nhiệm vụ thu thập tin tình báo, khoanh vùng mục tiêu, tấn công hoặc cung cấp thông tin xác định mục tiêu cho pháo binh.
Theo tạp chí Forbes, Israel đã chuyển đổi các đại đội trợ chiến pháo binh thành các đơn vị "tìm kiếm và tấn công" trang bị UAV tác chiến theo đàn do Công ty quốc phòng Elbit Systems phát triển. Hiện nay ngoài Israel và Mỹ, một số nước đã nghiên cứu UAV hoạt động theo đàn như Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận