Sau khi bị thương lúc đang đánh bắt ở đảo Bom Bay, anh Lý hiện nằm điều trị tại nhà - Ảnh: Trần Mai |
Nhiều ngư dân đã phải bán tàu hoặc bị chủ nậu thu tàu chỉ vì Trung Quốc liên tục quấy phá không thể đánh bắt được.
Bán tàu vì... Trung Quốc
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Phú (29 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hì hục dùng búa “vá” lại mạn và đuôi tàu bị nứt toác do va chạm với tàu Trung Quốc áp sát cách đây tám ngày.
Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi trong nắng sớm, ngư dân Phú nói: “Tàu Trung Quốc to và bằng sắt thép, mình tàu gỗ lại nhỏ, họ rượt đuổi, áp sát nhanh quá mình tránh không kịp nên chỗ nào va chạm trực tiếp là thành tàu “nhão” hết”.
Cạnh đó, tàu cá QNg 90045 của ngư dân Võ Bá Nha (30 tuổi, xã Bình Châu) cũng đang chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra khơi.
Anh Nha bảo tàu anh một năm trước cũng bị tàu Trung Quốc truy đuổi, ném đá, cabin với mạn tàu bể hết, tu sửa mất gần 300 triệu đồng.
Anh bảo muốn bám biển lâu dài phải làm tàu mới chứ tàu này chỉ cần va chạm thêm một lần nữa là tan tành giữa biển ngay.
Không may mắn như những ngư dân vẫn còn tàu để đi biển, nhiều ngư dân sau những chuyến biển đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc liên tục rượt đuổi đã trở về với sản lượng quá thấp bị lỗ nặng, thậm chí trắng tay đành phải bán tàu.
Một số ngư dân khác bị chủ nậu thu tàu bởi không có hải sản để bán, trong khi tàu cá mà chủ nậu đầu tư hư hỏng nặng máy móc và thân tàu bởi liên tục vòng tránh tàu Trung Quốc có tốc độ cao.
Ngư dân Lê Tân (51 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) từng có con tàu công suất 400 CV chuyên quần thảo Hoàng Sa một thời, giờ đang phải bó gối ở nhà. Tháng 1-2015, chiếc tàu QNg 96372 của ông đã bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản.
Sau phiên biển trắng tay ấy, ngư dân Tân đi đến quyết định phải bán tàu để trả nợ còn thiếu khi vay mượn chủ nậu mua tàu và tổn phí những chuyến ra khơi dài ngày.
“Đi hơn 20 ngày mà trở về chỉ với 2, 3 tấn hải sản, còn phần lớn thời gian phải chạy tránh tàu Trung Quốc lấy gì không lỗ sở hụi” - ông Tân chua chát nói rồi bảo rằng vì vậy ông phải cắn răng bán tàu và hằng ngày ra cầu cảng nhìn tàu cá của mình đã chuyển nhượng cho người khác đang chuẩn bị ra khơi.
Ngư dân phải lên bờ tưới hành tỏi
Chiếc tàu cá QNg 96291 của ngư dân Trần Văn Định (41 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn) giờ đang neo tại cảng Sa Kỳ bởi chủ nậu đã lấy tàu.
Anh Định cho biết nhớ biển quá nên sắp tới anh sẽ theo một tàu cá của ngư dân trong nghiệp đoàn để ra khơi, còn hiện tại vẫn phải ở nhà làm nông dân tưới nước hành tỏi.
Hỏi về chiếc tàu, anh Định gần như không muốn nhắc tới, bởi với người đàn ông hơn 20 năm ăn sóng nằm gió này, chưa bao giờ anh nghĩ một ngày sẽ bị chủ nậu lấy tàu chỉ vì đánh bắt không hiệu quả.
Đã bốn tháng từ ngày bị thu tàu, ai hỏi nguyên nhân anh Định cũng chỉ trả lời vỏn vẹn “do Trung Quốc”.
Những phiên biển trở về phải vay mượn khắp nơi đóng tổn phí tiếp tục trở lại Hoàng Sa giờ đã trở thành nỗi ám ảnh với anh.
Anh bảo năm năm trước việc đánh bắt ở Hoàng Sa rất dễ dàng, tàu Trung Quốc tuy có quần thảo nhưng không có chuyện rượt đuổi, kèm cặp cướp tài sản, thậm chí đánh đập ngư dân như mấy năm gần đây.
Cạnh chiếc tàu đang neo ở cảng Sa Kỳ của anh Định là hai chiếc tàu QNg 96077 của ngư dân Nguyễn Đông (54 tuổi) và 96338 của ngư dân Bùi Giống (40 tuổi).
Cả hai từng là đoàn viên của Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, nhưng giờ cái tên đoàn viên nghiệp đoàn bỗng trở nên xa vời. Giống như anh Định, ông Đông và anh Giống cũng bị chủ nậu thu tàu vì liên tục thua lỗ.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, xót xa: “Nhìn thấy đoàn viên phải bán tàu, rồi bị chủ nậu thu tàu liên tục trong thời gian qua tôi đau lòng lắm. Sự ngang ngược của Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa trong mấy năm qua đã đẩy đoàn viên trong nghiệp đoàn nghề cá vào cảnh khốn cùng”.
Máy dò cá, máy định vị bị Trung Quốc cướp sạch, anh Phú phải vay mượn tiền lắp lại - Ảnh: TR.M. |
Gia đình ly tán
Những câu chuyện đau lòng đã xảy ra với ngư dân ở Lý Sơn có thể sẽ nối dài khi trong vòng 10 ngày qua đã có bốn tàu cá của đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu bị Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa.
Chúng tôi tìm đến căn nhà nằm giữa lưng chừng dốc đá ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu.
Người thân của ngư dân Nguyễn Văn Tẩn đang rất lo lắng sau khi nghe thông tin tàu cá QNg 95431 đã bị tàu Trung Quốc áp sát lấy đi toàn bộ hải sản và ngư cụ trên tàu.
Bà Ninh - vợ ông Tẩn - thở dài cho biết vào tháng 3, tàu cá của gia đình khi đang đánh bắt ở đảo Xà Cừ bị chết máy đã bị Trung Quốc cướp phá tài sản. Lần này, nghe thông tin tàu lại gặp nạn, bà Ninh gần như chết lặng.
Cách nhà bà Ninh chừng 300m về hướng biển, ngư dân Cao Xuân Lý (42 tuổi) đang nằm tĩnh dưỡng do bị vòi rồng Trung Quốc phun trúng vào ngực ngất lịm dưới sàn tàu khi đang đánh bắt hải sản gần đảo Bom Bay sáng 7-6.
Cái nóng hầm hập phủ xuống căn nhà rộng chừng 24m2 trơ gạch. Gia đình anh Lý vì quá khó khăn mà ly tán, hai con trai của anh phải ra TP Việt Trì (Phú Thọ) mưu sinh.
Sau hơn 10 ngày, mọi hoạt động của anh Lý vẫn rất khó khăn, việc uống thuốc phải nhờ vợ giúp đỡ. Đôi mắt của người ngư dân đã 18 năm bám biển Hoàng Sa mưu sinh bỗng trở nên xa xăm. “Mỗi phiên biển hai vợ chồng phải tiện tặn sống qua ngày. Phiên biển này không chỉ trắng tay mà còn tổn hại đến sức khỏe. Chẳng biết sắp tới có đi biển được nữa không” - anh Lý nói.
Cùng chung chuyến biển với anh Lý, ngư dân Bùi Tấn Đoàn (23 tuổi) bị gãy chân, các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y C17 (Đà Nẵng) chẩn đoán phải ít nhất một năm nữa Đoàn mới phục hồi hoàn toàn để trở lại biển khơi. Nhìn đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi quấn mẹ đòi sữa, Đoàn lại nhìn xuống cái chân bó bột của mình như người vô hồn rồi anh buột miệng: “Bỗng dưng bị Trung Quốc cướp mất nồi cơm”.
Vẫn phải ra khơi Bao đời nay, với ngư dân Bình Châu, quần đảo Hoàng Sa quả thật là nguồn sinh sống không thể nào để mất đi. Nơi ấy nhiều người chồng, người cha chấp nhận những hiểm nguy để mơ về ngày mai tươi sáng hơn cho con mình. Ngư dân Đinh Văn Thu (40 tuổi, xã Bình Châu) bị tai nạn trong lúc lặn biển vào tháng 10-2014, đôi chân co quắp đi lại hết sức khó khăn nhưng vẫn gắng theo tàu QNg 90657 ra Hoàng Sa bởi hai đứa con đang tuổi ăn học cần đến tiền, trong khi người vợ làm thuê thời vụ chỉ kiếm được 40.000-50.000 đồng mỗi ngày. Thế mà chuyến biển vừa rồi anh trở về tay trắng, tiền vay mượn đóng tổn phí chưa trả được. Mấy ngày qua, hai vợ chồng phải vá lưới thuê kiếm tiền sinh sống. Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết Hoàng Sa là ngư trường truyền thống bao đời của ngư dân Việt Nam nói chung và đoàn viên trong nghiệp đoàn nói riêng. Việc Trung Quốc truy đuổi, cướp phá tài sản, tấn công ngư dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của đoàn viên nghiệp đoàn. “Dù Trung Quốc có hành động ngang ngược như thế nào thì ngư dân Bình Châu vẫn sẽ tiếp tục vươn ra Hoàng Sa vừa đánh bắt phát triển kinh tế gia đình vừa góp phần bảo vệ vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Tổ quốc” - ông Hùng khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận