Ở độ tuổi 63, ông Nguyễn Kỳ Trung ở Hà Nội đã dành 1/4 quãng thời gian này để “làm bạn” với một chiếc Suzuki Wagon đời 2003. Với ông, chiếc Wagon này có nhiều ý nghĩa đặc biệt khi từng vào Nam, ra Bắc, vượt qua rất nhiều cung đường hiểm trở. Chiếc xe như một người bạn thân thiết của ông Trung trên khắp nẻo đường.
Ông Trung là một thành viên lão làng trong câu lạc bộ Suzuki Wagon ở Việt Nam. Ông tham gia từ những ngày đầu thành lập. Khi mà đã có nhiều thành viên trong câu lạc bộ dần nói lời chia tay để chuyển sang những dòng xe khác thì ông Trung nằm trong số ít vẫn tiếp tục gắn bó với chiếc Wagon của mình cho đến thời điểm hiện tại.
Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ ông Trung cùng một số thành viên Suzuki Wagon Club để trò chuyện và tìm hiểu về lý do vì sao vị chủ xe Wagon lại yêu dòng xe này đến thế.
* Chào ông. Có lẽ ít có ai gắn bó với một chiếc xe trong hơn 15 năm như ông. Cơ duyên nào đưa ông đến với dòng xe Wagon này và vì sao ông vẫn không đổi xe trong suốt thời gian qua?
- Mình có bằng lái xe hạng C từ năm 1991. Chiếc xe đầu tiên mà mình sử dụng là xe tải.
Sau khi đổi sang xe con, mình có mua một chiếc Hyundai Getz rồi nhanh chóng cho “giải tán” vì không thích. Để nói cụ thể lý do không thích thì mình không biết giải thích thế nào, chỉ đơn giản là thấy không ưng.
Bán xong chiếc Hyundai Getz, mình mua chiếc Mitsubishi Jolie và chiếc Suzuki Wagon. Sau này mình cho các cháu trong Nam chiếc Jolie, còn chiếc Wagon mình vẫn sử dụng đến giờ.
Sở dĩ mình chọn chiếc Wagon là bởi xe có cấu tạo đa dạng, dễ sử dụng và quan trọng nhất là đa dụng. Đi chiếc xe này thấy cao ráo, thoáng đãng, xe nhỏ nhưng không gian bên trong rất rộng rãi. Mình ngồi thử nhiều xe cùng phân khúc nhỏ hiện nay thì thấy rất tù túng và rất bí.
Khi mới mua xe chẳng bao giờ nghĩ được là mình sẽ gắn bó lâu như thế. Thế mà đến giờ là hơn 15 năm rồi, mình vẫn thích và yêu quý chiếc Wagon. Một phần vì chiếc xe vẫn còn quá thực dụng và dễ sử dụng ở thời điểm này, phần khác vì tình cảm anh em trong câu lạc bộ Suzuki Wagon níu giữ chân mình lại.
* Một số người trong câu lạc bộ nhận xét ông là một thành viên lớn tuổi nhưng rất nhiệt tình trong những chuyến đi xa. Trong hơn 15 năm qua, ông đã sử dụng chiếc Wagon như thế nào?
- Ngoài sử dụng xe để phục vụ gia đình hằng ngày, mình còn đi khắp đất nước Việt Nam bằng chiếc Wagon này rồi. Tất cả 63 tỉnh thành bây giờ chưa có nơi nào là mình chưa đi qua. Trong đó, cũng nhiều chuyến đi là cùng các thành viên của câu lạc bộ Suzuki Wagon.
Tất cả các con đèo nổi tiếng mà người ta vẫn nói ấy, bao gồm cả tứ đại đỉnh đèo, mình đều đi qua hết rồi. Từ trong Nam trở ra đây thì có đèo Bảo Lộc, đèo Khánh Lê, đến miền Trung có đèo An Khê, đèo Mang Yang, rồi đến Vi Ô Lắc, đèo Lò Xò xong vòng ra ngoài Bắc này thì coi như tất cả các con đèo ở Tây Bắc mình đều cầm lái chiếc Wagon qua rồi. Không phải đi một lần, mà mình đi rất nhiều lần rồi. Mà đường ngày xưa chưa được đẹp và thuận tiện như bây giờ đâu.
Đi lên miền núi, mình còn mò mẫm đường vào các con bản sâu bên trong. Có những con đường nhỏ, gập ghềnh, có đường thì bùn lầy lội, bọn mình đều đi hết.
* Cung đường nào khó nhất mà ông từng đi qua và chuyến đi nào đáng nhớ nhất với ông, thưa ông?
- Về những chuyến đi đường hiểm trở thì mình còn nhớ đoạn con đường Hạnh Phúc, bắt đầu từ dốc Bắc Sum (Hà Giang) trở đi. Mình lên đó từ hồi đầu năm 2011. Đường uốn lượn quanh co, khi đó không có hộ lan bảo vệ, ít xe đi lắm.
Lúc đấy phần lớn chỉ có các xe gầm cao 2 cầu đi thôi. Chuyến đó mình lái chiếc Wagon lên tận đỉnh Lũng Cú. Đường sá nay thì đã đẹp rồi, không như xưa nữa.
Rồi những lúc mình vào những nơi mà xe không còn thể đi nổi nữa, phải nhờ xe trâu kéo, như chuyến đi đến đền Ông Hoàng Bảy (Bảo Hà, Lào Cai) chẳng hạn.
Từ Yên Bái đi vào đền “khoai” vô cùng, nhất là vào những ngày mưa, đường bùn lầy lội. Đường thứ hai từ Phố Ràng vào có 10 - 12km thôi nhưng cũng rất xấu.
Sở dĩ đường xấu là bởi trong đó có mỏ khoáng sản, xe khai thác đi lại liên tục. Thời đó để đi được đến đền phải mất ròng rã vài ba ngày chứ không nhàn như đi cao tốc bây giờ.
Đường khó thì nhiều lắm, mình không thể nhớ hết được. Khó nhất có lẽ là những cung đường đi vào trong bản. Đường không quá dài, chỉ vài km thôi nhưng xấu lắm, ít người dám đi ô tô vào.
* Làm thế nào để ông có thể lái một chiếc xe có động cơ nhỏ lại lâu năm như Wagon đi xuyên Việt, đi leo đèo, leo núi hiểm trở như vậy? Thông thường, mọi người có xu hướng chọn xe máy khỏe, gầm cao hay 2 cầu để đến được những nơi như ông vừa kể.
- Nếu đua tốc độ thì chiếc Wagon này không thể bằng các xe hiện đại cùng phân khúc bây giờ được. Nhưng nếu nói về khả năng leo đèo thì chiếc xe này chẳng hề thua kém đâu.
Có lần mình đi Hoàng Su Phì (Hà Giang) cùng anh em câu lạc bộ Suzuki Wagon vào năm 2019. Chuyến đó phải gần 20 chiếc Wagon đi với nhau. Thời điểm đó là mùa mưa, đường nhựa nhưng trơn trượt lắm vì bùn chảy xuống. Hỏi trước người dân bản địa thì họ bảo thấy thông xe, có xe đi qua rồi, nhưng người dân ở đó chỉ biết là ô tô thôi chứ không biết là xe gì. Thế là anh em mới tự tin đi tiếp.
Lúc đi từ Hoàng Su Phì sang Bảo Hà thì gặp một con dốc, đến nơi thì thấy một chiếc Ford Transit với một chiếc Ford Everest đang dừng lại ở chân dốc, người thì ra ngoài dùng cây cuốn vào bánh xe để đỡ trượt.
Bọn mình đi thăm dò thì thấy dốc cao, trơn và khó đi thật. Dốc chỉ có 100m thôi nhưng dính đúng đoạn cua nên các xe không lấy đà để lên được.
Bọn mình nghiên cứu tình hình thì cho rằng có khả năng vượt qua được nên bảo hai xe Transit và Everest lùi xuống để đoàn bọn mình gần 20 xe thử qua trước. Trong câu lạc bộ có những tài “cứng”, lái tốt, nhiều kinh nghiệm. Hai chiếc Wagon vượt qua con dốc mà không gặp quá khó khăn, thế rồi cả đoàn đều vượt qua được hết.
Không có bí kíp gì phức tạp cả, chủ yếu từ kỹ năng lái và phải hiểu chiếc xe của mình. Ví dụ như xe cầu trước như Wagon thì bắt buộc phải lắc lái liên tục để bánh gạt bùn ra, tạo độ bám với mặt đường nhựa bên dưới. Còn với xe cầu sau như Everest thì phải giữ thẳng tay lái để bánh trước rẽ bùn tạo vệt đường giúp bánh sau bám được vào. Bọn mình hướng dẫn tài xế xe Transit và Everest rồi sau đó hai xe đều vượt qua được dễ dàng.
Một lợi thế nữa của Wagon khi đi đèo là xe rất nhẹ. Người ta hay nói “Suzuki vừa đi vừa đẩy”. Xe nhẹ mà, nên nếu không đi được thì xuống đẩy thêm là được.
* Chạy xuyên Việt nhiều lần, lại qua nhiều cung đường khó như vậy, đã bao giờ chiếc Wagon bị “nằm đường” chưa, thưa ông?
- Chưa bao giờ xe Wagon của mình bị hỏng giữa đường cả. Quan trọng nhất là mình phải hiểu chiếc xe, có kỹ năng lái xe, trước khi đi phải kiểm tra kỹ xe, đặc biệt các hệ thống làm mát.
* Thị trường xe bây giờ có rất nhiều mẫu mã với trang bị hiện đại. Gần đây, có bao giờ ông nghĩ rằng mình sẽ đổi sang chiếc xe khác chưa?
- Người đi và mua xe Wagon bây giờ thường thuộc ba kiểu chính. Thứ nhất là để bổ túc tay lái, thứ hai là để phù hợp với công việc (vì xe rất rộng rãi, thực dụng, chở hàng được, bền mà giá rẻ), còn thứ ba là “chơi” xe vì đam mê. Mình hiện tại thuộc típ thứ ba. Mình sẽ không chọn đổi xe mà mình nâng cấp chính chiếc xe yêu quý của mình.
Đã chơi xe thì trang bị cho xe nhiều thứ lắm. Mình thích trên xe có thứ gì, mình có thể dễ dàng độ thêm. Ví dụ như chiếc xe của mình có ghế da chỉnh điện của Lexus, màn hình giải trí Android, loa độ thêm, đèn cũng độ projector để tăng khả năng chiếu sáng.
Chiếc Wagon ban đầu khi được nhập về Việt Nam gần như bị bỏ hết trang bị, chẳng còn gì cả. Lý do thì mình cho rằng là để giảm giá thành, cạnh tranh với Daewoo Matiz thời đó.
May mắn là thị trường Trung Quốc đi xe này, nên mình tận dụng được nhiều đồ chính hãng để nâng cấp thêm cho xe. Tay lái nguyên bản không có trợ lực thì mình đổi sang loại trợ lực điện. Đèn nguyên bản là halogen thì mình đổi sang bi-xenon. Đồng hồ bản Trung Quốc cũng đẹp và hiển thị nhiều thông số hơn. Tất cả đều là hàng chính hãng Suzuki và có sẵn cho đến tận thời điểm này.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ. Chúc ông tiếp tục có thêm những hành trình du xuân vui và ý nghĩa cùng người bạn đồng hành Suzuki Wagon trong dịp Tết này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận