Đầu tháng 5-2023, Ahn In Soon và Kim Miae - hai phụ nữ U50 người Hàn Quốc, hiện đang sống tại TP.HCM - đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp ngành Việt Nam học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Đề tài So sánh văn hóa uống trà giữa Việt Nam và Hàn Quốc của bà Ahn và So sánh trang phục truyền thống giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhìn từ áo dài và hanbok của bà Kim đều được đánh giá cao về chất lượng và được cho điểm số xuất sắc, lần lượt là 9,6/10 và 9,1/10.
Công phu
ThS Nguyễn Hiếu Tín - trưởng bộ môn du lịch Trường ĐH Tôn Đức Thắng, người hướng dẫn hai đề tài trên - chia sẻ trong buổi bảo vệ khóa luận, hầu hết các thành viên hội đồng đều rất khâm phục sự công phu mà những sinh viên nước ngoài "đứng tuổi" này đã đặt để vào công trình của mình. Cả hai đều tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú ở cả tiếng Hàn và tiếng Việt.
Ông Tín lấy ví dụ khóa luận về nghệ thuật uống trà dài 80 trang, số đầu sách tham khảo cũng gần 80. Vốn là một giáo viên chuyên ngành dinh dưỡng, bà còn phân tích rất sâu sắc về những đặc điểm về sức khỏe trong cách uống trà của người Việt và Hàn.
"Nhiều thành viên trong hội đồng còn cho rằng xét về chất lượng, khóa luận có thể tương đương ở bậc thạc sĩ" - ông Tín nói.
Những lời tán dương ấy là "quả ngọt" xứng đáng với những nỗ lực mà bà Ahn và bà Kim đã bỏ ra trong suốt bốn tháng thực hiện đề tài.
Bà Ahn cho biết đã phải "săn lùng" nguồn tài liệu ở rất nhiều nơi, từ các thư viện trường đại học Việt Nam đến thư viện quốc gia Hàn Quốc. Nhiều sách bà phải đặt mua ở nước ngoài và chuyển về Việt Nam đọc đi đọc lại mới chắt lọc được một số ý tưởng cho bài viết.
20 người học, chỉ 6 người "trụ" lại
Hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đồng nghĩa bà Kim và bà Ahn sắp sửa trở thành những tân cử nhân ngành Việt Nam học sau bốn năm học tập. Bà Kim cho biết sau khi lập gia đình ở Hà Nội, bà có tham gia một vài khóa học Việt ngữ ở trung tâm.
Khi chuyển vào TP.HCM sinh sống, bà quyết tâm tạo sức bật cho khả năng sử dụng tiếng Việt bằng cách tham gia vào chương trình bậc cử nhân ngành Việt Nam học.
"Động lực của tôi là đứa con. Hiện con tôi đang học ở trường phổ thông bằng tiếng Việt, và tôi rất muốn có thể trò chuyện tiếng Việt với con" - bà Kim nói.
Còn với bà Ahn, động lực nghe có vẻ thật "lý tưởng". Đến Việt Nam sinh sống từ tám năm trước, bà muốn tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của người Việt. Bà kể khoảng 20 năm trước, bà từng có thời gian sống ở Nhật, và cũng đã bị một "sức mạnh vô hình" thôi thúc phải học tiếng và tìm hiểu về văn hóa xứ phù tang.
Có lẽ vì thế mà suốt chương trình học ở Việt Nam, bà rất yêu thích những học phần về lịch sử, văn hóa. Bà thường mượn thêm những đầu sách về văn hóa Việt Nam để về nhà "nghiền ngẫm".
Bà Ahn và bà Kim là hai trong số sáu sinh viên nước ngoài có thể "trụ" lại và chuẩn bị tốt nghiệp ngành Việt Nam. Khóa của bà có khoảng 20 sinh viên nước ngoài nhưng đã "rơi rụng" dần.
Sẽ làm giáo viên
Sau khi có bằng cử nhân, bà Ahn đang nghĩ đến việc sẽ mở một lớp học nấu ăn những món truyền thống của Hàn Quốc cho người Việt ở TP.HCM. Với vốn tiếng Việt biết được, bà sẽ dễ dàng truyền tải nội dung đến các học viên hơn.
Tương tự, bà Kim cũng lên kế hoạch sẽ thực hiện một dự án dạy tiếng Việt cho người Hàn Quốc. Sống tại "khu phố người Hàn" ở Phú Mỹ Hưng, bà Kim cho biết nhu cầu học tiếng Việt là có tuy nhiên hiện các lớp do người Hàn mở ra vẫn chưa nhiều.
TS Nguyễn Thị Thu Trang - phụ trách ngành Việt Nam học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết trước dịch COVID-19, ngành học tạo được sức hút cho nhiều bạn trẻ ở các nước muốn tìm hiểu về tiếng Việt và Việt Nam đến học tập. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, số lượng sinh viên quốc tế đến Việt Nam học bị tác động khá nhiều. Đến nay, số lượng tuyển chưa thể trở về bằng như thời điểm trước đại dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận