Han Kwang Song (phải), một trong những ngôi sao trưởng thành từ học viện bóng đá nước ngoài - Ảnh: Getty Images
Có lẽ phải đến khi ra sân mới có câu trả lời vì đội CHDCND Triều Tiên luôn là đội tuyển bí ẩn.
Đội bóng bí ẩn
Tin đồn đó xuất phát từ việc đội tuyển nữ Triều Tiên rút lui khỏi vòng loại Olympic 2020. Một số trang báo mạng của Hàn Quốc sau khi nghe thông tin này đã suy đoán đến việc đội tuyển U23 Triều Tiên cũng sẽ không tham dự Olympic Tokyo 2020. Và từ đó họ lại... suy ra U23 Triều Tiên có thể cũng sẽ bỏ luôn VCK U23 châu Á 2020 - giải đấu được xem như vòng loại Olympic Tokyo 2020.
Đây là một chuỗi suy đoán vô cùng phi lý nếu áp đặt lên các đội bóng đá khác. Nhưng với Triều Tiên, nó trở nên khá hợp lý vì hầu như chẳng ai biết thông tin về họ. Không có nhiều bài báo viết đúng sự thật về đội tuyển, về giải đấu cũng như các cầu thủ Triều Tiên.
Cuối năm 2017, Hãng tin Bleacher Report từng thực hiện một phóng sự về nền bóng đá của
Triều Tiên. Và đến nay đó vẫn được xem là phóng sự chân thực nhất, phản ánh được nhiều thông tin nhất về nền bóng đá Triều Tiên. John Andersen - HLV nước ngoài đầu tiên và cũng là duy nhất đến nay từng được bổ nhiệm dẫn dắt tuyển Triều Tiên (giai đoạn 2016-2018) - kể rằng ông đã nhận được lời mời dẫn dắt đội tuyển Triều Tiên bằng một cuộc điện thoại "bí ẩn".
Khi mới đến Triều Tiên, tôi rất ngạc nhiên. Cuộc sống ở đây rất dễ dàng khi không có nhiều xe cộ, không có sức ép từ giới truyền thông và cũng không ai nói về bóng đá.
HLV Andersen
Sự gắn kết - thứ làm nên sức mạnh
Nhiều người vẫn bày tỏ sự ngạc nhiên về sức mạnh trong quá khứ của bóng đá Triều Tiên. Dù gần như "tuyệt giao" với những nền bóng đá hùng mạnh bên ngoài, nhưng Triều Tiên lại có một gia tài bóng đá đồ sộ.
Cụ thể, Triều Tiên từng hai lần dự World Cup (1966 và 2010). Ở World Cup 1966, họ có một chuyến phiêu lưu để đời: vào đến tứ kết sau khi đánh bại Ý. Họ từng giành HCV Asiad và 2 lần giành HCB. Lý do gì khiến đội tuyển CHDCND Triều Tiên thường xuyên mạnh mẽ? Sự gắn kết có lẽ là một yếu tố quan trọng.
Trong 2 năm dẫn dắt tuyển Triều Tiên, HLV Andersen nhận được một lợi thế mà ông sẽ chẳng bao giờ có nếu dẫn dắt những đội tuyển ở phương Tây. Ở hầu hết các nền bóng đá khác, các cầu thủ tập luyện ở CLB và chỉ tập trung cùng đội tuyển một năm vài tuần lễ theo các trận đấu. Còn ở Triều Tiên, các tuyển thủ tập luyện ở nơi đội tuyển tập trung. HLV Andersen làm việc với họ 5 lần/tuần, đến cuối tuần họ được trả về để chơi cho CLB.
Những ngôi sao trên thế giới luôn gặp trở ngại về giờ giấc, sinh hoạt và sự gắn kết với đồng đội khi về chơi cho đội tuyển. Điều đó lý giải vì sao những Messi, Ronaldo thường chơi hay hơn ở CLB. Trong khi đó, tuyển Triều Tiên đã là một "CLB bao trùm tất cả". Chưa kể những cầu thủ Triều Tiên được bồi dưỡng tinh thần từ nhỏ, để khi ra sân họ cũng giống như những chiến binh ra trận.
Sa sút vì... hướng ngoại?
Là một người hâm mộ bóng đá, sự đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá dưới thời Chủ tịch Kim Jong Un là rất rõ. Các chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường tập trung vào bóng đá nhiều hơn, các trung tâm đào tạo chất lượng cao được xây dựng, đội tuyển Triều Tiên cũng mở cửa với những cầu thủ sinh ra ở nước ngoài... Đặc biệt, Triều Tiên giờ đây còn liên kết với Học viện bóng đá ISM ở Ý.
Họ gửi sang ISM nhiều cầu thủ trẻ. Và một số trong đó giờ đây bắt đầu bước vào con đường ngôi sao. Đó là tiền đạo 21 tuổi Han Kwang Song - người đang khoác áo đội trẻ Juventus. Hiện nhiều cầu thủ Triều Tiên đã bắt đầu ra nước ngoài thi đấu như Kim Song Gi (CLB Fujieda, Nhật), Pak Kwang Ryong (Polten, Áo), Ri Yong Jik (Tokyo Verdy, Nhật)...
Nhưng thật kỳ lạ, thành tích các đội tuyển của Triều Tiên lại tỉ lệ nghịch với sự hướng ngoại. Vài năm trở lại đây, không còn ai nhận ra một đội tuyển Triều Tiên hùng mạnh. Sau lần lọt vào World Cup 2010, Triều Tiên thảm bại ở liên tiếp hai đợt vòng loại các giải sau đó. Ở Asian Cup, họ cũng 3 lần liên tục dừng chân tại vòng bảng. Tại Asian Cup 2019, Triều Tiên thậm chí là đội "lót đường" khi thua đậm cả 3 trận ở bảng E.
Bóng đá trẻ của Triều Tiên cũng vậy. Sau lần lọt vào chung kết Asiad 2014, họ dừng chân ở tứ kết Asiad 2018. Ở cấp độ U19, Triều Tiên là một trong những đội giàu thành tích nhất với 3 lần vô địch, 2 lần á quân. Nhưng ở hai giải gần đây nhất họ đều dừng chân ở vòng bảng. Vì sao lại có sự sa sút đó?
Với một nền bóng đá bí ẩn như Triều Tiên, những nhận định sẽ trở thành võ đoán giống như tin đồn họ bỏ VCK U23 châu Á 2020. Nhưng vẫn có một số sự thật hiển hiện, mà đầu tiên là lợi thế của sự gắn kết. Cách đây vài năm, mọi tuyển thủ Triều Tiên đều ăn tập cùng tuyển quốc gia và chỉ trở về CLB vào cuối tuần. Nhưng với việc có nhiều ngôi sao ra nước ngoài thi đấu, truyền thống này bị phá vỡ. Với một cầu thủ quanh năm ăn tập ở nước ngoài, họ gặp khó khăn hơn trong việc tìm lại sự gắn kết với các đồng đội ở tuyển quốc gia mỗi khi về nước.
Sự bí ẩn khiến Triều Tiên vẫn luôn là một đối thủ khó đoán. Mọi yếu tố quá khứ, lịch sử trở nên vô nghĩa khi mọi người hầu như không biết nhiều về lứa cầu thủ U23 của Triều Tiên ở VCK U23 châu Á 2020. Vì vậy U23 Triều Tiên có thể là đội lót đường của bảng D, nhưng cũng có thể là mãnh hổ đáng sợ.
Sa sút trước bóng đá VN
Xét ở cấp độ đội tuyển, sự sa sút của bóng đá Triều Tiên thể hiện qua thành tích đối đầu với VN. Từ năm 2014 trở về trước, Triều Tiên từng 5 lần gặp VN và thắng 3, hòa 2. Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, Triều Tiên thua 1, hòa 2 trong 3 lần gặp lại VN. Năm 2016, tuyển VN thậm chí đè bẹp Triều Tiên với tỉ số 5-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận