Hiện ở trung tâm từ thiện Quỳnh Hoa còn dạy nghề cho 35 em nhỏ khuyết tật. Từ mái nhà này, đã có hơn 500 em nhỏ được U Hoa dưỡng nuôi, dạy nghề - Ảnh: HÀ THANH
Bởi thấy U hay cười, đói cũng cười, no cũng cười mà mới đầu người ta bảo U... dở hơi, nhưng chính nụ cười hiền hậu giúp U giữ được tâm hồn thảnh thơi, đẹp như hoa nở giữa đời thường.
Vì các em không cần mãi những món quà
Những đứa trẻ ở trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (nay là HTX sản xuất kinh doanh giấy cuộn Quỳnh Hoa) gọi bà Đoàn Thị Hoa là U, là mẹ. Sắp sửa bước sang tuổi 60, một bên chân vừa phải phẫu thuật khiến U chỉ bước được những bước chậm rãi.
Ngôi nhà của U Hoa lọt thỏm giữa khoảnh sân xanh rợp bóng cây tươi mát. Từ mái nhà này, hơn 500 đứa trẻ đã trưởng thành. U nói luôn tin ông trời "se duyên" gửi những đứa trẻ đến với mái nhà của mình, còn U cũng "se duyên" cho 23 cặp đôi khuyết tật từ mái nhà của trung tâm.
U nhớ câu chuyện gần 15 năm trước: một lần cùng đoàn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đi tặng quà cho các em nhỏ cơ nhỡ, đến trung tâm nọ nhìn thấy một em nhỏ đang ngồi trầm tư mà không lên nhận quà.
U bước đến hỏi thăm, em giãi bày: "Chúng con rất cảm ơn các cô các chú, nhưng con mong muốn làm sao người khuyết tật chúng con có một cái nghề để nuôi sống bản thân".
Trở về sau chuyến đi đó, mong ước giản dị của em nhỏ cứ đeo đuổi trong tâm trí của người phụ nữ ấy. U bàn với chồng: "Hay có chỗ đất đang trồng cây, em xây nhà cho các cháu khuyết tật xung quanh được học nghề?".
Mới đầu ông Nguyễn Hữu Tấn, chồng của U, cùng các con phản đối bởi nuôi một đứa trẻ khuyết tật vốn đã vất vả huống chi là dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Nhưng rồi trước quyết tâm của vợ, gia đình đồng tâm nhất trí dựng lên 3 gian nhà nhỏ, xây thêm một gian nhà làm phòng sinh hoạt chung, dạy nghề cho các em nhỏ khuyết tật.
Ngày khánh thành gian nhà mới, 15 đứa trẻ khuyết tật được gửi gắm đến mái nhà của U Hoa, hầu hết các em bị khuyết tật vận động, khiếm thính, bị thiểu năng về trí tuệ. Ngày mới đến với U, có những đứa trẻ còn không thể làm tốt vệ sinh cá nhân, có em bị khuyết tật vận động nặng phải nhờ đến xe lăn.
Tình thương yêu, sự kiên trì nhẫn nại của U Hoa đã đến cùng những đứa trẻ qua những "bài học" từng nết ăn nết ở, từ những việc bình thường nhất như dạy chúng cách đánh răng, rửa mặt, gấp chăn màn, quét sân, quét nhà đúng cách.
Giờ đây đến thăm trung tâm, những đứa trẻ lễ phép biết chào hỏi người xung quanh, dù ở đó có những em nhỏ phải khó khăn lắm mới phát âm được tròn vành rõ chữ.
"Cho đi mà không nhận lại, là cái duyên gắn bó với các con. Vất vả thật đấy nhưng nhìn thấy những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư, có em nhỏ từ miền Nam xa xôi cũng tìm đến ở với mình, mình tự nhủ sao không cố gắng để các em dựa vào?", U Hoa tâm niệm.
Hạnh phúc không khuyết
Bắt đầu từ 10 chiếc máy khâu đầu tiên, U dạy những đứa trẻ khuyết tật nhẹ kiên trì theo đuổi nghề may. Nhưng với những đứa trẻ khuyết tật nặng hơn, chúng chẳng thể nào ngồi được trước cái máy khâu.
U nhớ, cũng may ngày ấy ở trong xóm có nghề làm vàng mã nên nhờ hàng xóm mang nghề này đến dạy cho các con. Thấy U mở trung tâm từ thiện, các cô giáo ở xung quanh cũng xin đến giúp đỡ trung tâm, cô thì nhận dạy may, người nhận dạy cho các em học nghề thủ công.
Thế nhưng dạy nghề vốn đã khó, dạy cho các em khuyết tật càng khó khăn gấp bội vì dạy trước quên sau. Vậy là phải thay đổi kế hoạch và bắt đầu từ năm 2009, U mang về cho những đứa trẻ ở trung tâm thử sức với nghề thủ công giấy cuộn, may mắn phù hợp cho nhiều dạng tật khác nhau.
"Những đứa trẻ mang cả tâm hồn vô tư, hồn nhiên vào bức tranh, bưu thiếp, vào sản phẩm thủ công do chính tay các em làm ra. Mọi người đến thăm trung tâm đều rất thích thú với những sản phẩm của các em nên mua về làm quà, nay sản phẩm còn được bày bán tại các khu du lịch, phố cổ", U Hoa bộc bạch.
24 tuổi, Hải bị thiểu năng trí tuệ, nói chuyện là trở ngại lớn nhất với chàng trai này. Thế nhưng ngồi trước những cuộn giấy đầy sắc màu, đôi tay của cậu thuần thục đưa mũi kim luồn vào sợi giấy nhỏ xíu, cẩn thận lấy hồ nước kết dính chúng lại với nhau.
"Ở đây mẹ dạy quấn hạt, làm con giống", Hải khó khăn lắm mới nói được một câu trọn vẹn nhưng nhìn thấy nụ cười đôn hậu của người phụ nữ mà em gọi là mẹ, Hải cố gắng phát âm rõ ràng hơn: "Mẹ Hoa hay tốt bụng, hay quan tâm em, hay quý em".
Ngồi cạnh Hải, chị Nguyễn Lan Phương (31 tuổi) miệt mài gấp giấy, thỉnh thoảng chị ngó nghiêng sang hướng dẫn cho các em nhỏ hơn. Phương bị khuyết tật vận động, đôi lúc bước đi còn ngã sõng soài nhưng đi được như bây giờ là cả một chặng đường dài kiên trì tập phục hồi chức năng.
Cứ như thế suốt 14 năm qua, lớp lớp đàn con trưởng thành từ mái nhà của U Hoa. Với mỗi dạng tật khác nhau, U tìm tòi xem nghề nào phù hợp và kiên trì hướng dẫn để ai cũng học được, biết được một cái nghề, để sau này nếu rời xa mái nhà của U, những đứa trẻ có thể biết tự lập, nuôi sống được bản thân.
U khoe ngoài nghề gấp giấy cuộn, các em ở trung tâm còn biết thêm nghề mây tre đan, có em còn đang được học thêm máy tính để xin vào làm cho một công ty.
Hiện tại dù trung tâm đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19, hàng hóa không xuất bán được cho các khu du lịch hay phố cổ như trước nhưng U nói cứ làm việc thiện thì ắt hẳn ông trời không phụ lòng.
Hôm trước có người đến trung tâm xin được hỗ trợ gạo hằng tháng cho các em nhỏ, hôm rồi một người phụ nữ đến muốn xin lắp thêm cho các em một máy điều hòa vì thời tiết quá nóng bức, nhưng có tận 5 phòng ngủ cho các em nên U gợi ý cho chị chuyển sang mua thiết bị máy tính cho các em học photoshop.
Hạnh phúc nhất đời
Suốt những năm tháng qua, ông Nguyễn Hữu Tấn luôn tin tưởng, đồng hành với những quyết định của U Hoa. "Thế gian được vợ lẫn chồng", cả hai vợ chồng tuổi đã cao nhưng chẳng chịu nghỉ ngơi, mỗi ngày vẫn cần mẫn chăm sóc, dạy nghề cho các em nhỏ.
"Nghiệp của bà phải đi theo công việc này nên tôi chỉ biết đồng hành cùng vợ. Cuộc sống của các con vốn vất vả rồi, chúng tôi mong mỏi làm sao dạy cho các em biết một cái nghề, tự lập được trong cuộc sống. Giờ mà mấy đứa về tết, nghỉ lễ là vợ chồng lại ngẩn ngơ, thấy thiếu thiếu gì đó", ông Tấn tâm tình.
Nghe chồng nói, U Hoa chỉ nở nụ cười lương thiện: "Nuôi dưỡng các em trưởng thành đến ngày hôm nay là điều hạnh phúc nhất đời rồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận