Diễn viên Kyle MacLachlan (phải) và Nae trong phim (2017) - Ảnh: IMDb
Với rất nhiều người yêu điện ảnh Mỹ, những thanh thiếu niên lớn lên trong cuối thập niên 1980 và thập niên 1990, những người sau này sẽ trở thành đạo diễn, biên kịch, nhà phê bình, Twin Peaks có thể coi là loạt phim truyền hình "gối đầu giường" của họ.
Trailer phim Twin Peaks: The Return
Sử thi của ngoại ô u tối
Trước thời đại của Amazon và Neflix, các đạo diễn điện ảnh ít khi lấn sân sang lĩnh vực truyền hình.
Thế nhưng David Lynch chọn tái xuất với Twin Peaks: The Return trong lần trở lại kể từ phim nhựa Inland Empire (2006). Dàn diễn viên trong nguyên tác gần 30 năm trước cũng trở lại đoàn tụ với ông trong vũ trụ đầy màu sắc huyền thoại lạ lùng tạo ra bởi David Lynch.
David Lynch giống như hai tác giả truyện ngắn xuất sắc của Mỹ trong thế kỷ 20, Raymond Carver và John Cheever.
Chất liệu sáng tác của họ đều là nỗi buồn, sự hoang mang lo sợ, niềm chán chường, nỗi trống rỗng cô đơn tột đỉnh siêu hình, ẩn giấu trong những căn nhà vuông vức, những thảm cỏ cắt tỉa đều tăm tắp, những hàng rào quét sơn trắng tinh của vùng ngoại ô bất cứ đâu trên nước Mỹ.
Twin Peaks bắt đầu với một cái xác chết. Một thị trấn ngái ngủ, yên hòa, quanh năm phủ sương bỗng bị đảo lộn bởi thi thể cô hoa khôi trường trung học bọc trong túi nilông, trôi dạt vào bờ một tinh mơ biển lạnh.
Trong suốt phần đầu tiên của Twin Peaks, Laura Palmer chỉ xuất hiện qua tấm ảnh cô tươi cười rạng rỡ, chiếc vương miện hoa khôi sáng lấp lánh trên mái tóc vàng rực. Xuyên suốt thời gian và không gian thực và siêu thực trong phim, cũng đầy ám ảnh như tấm hình đó là câu hỏi "Ai đã giết Laura Palmer?".
Cảnh phim Twin Peaks: The Return
Công nghệ ma quỷ và sự tàn phá tinh thần
Giống như thế giới của Carver và Cheever, vùng ngoại ô của Twin Peaks chứa đầy hiểm họa. Điệp viên FBI Dale Cooper tới thị trấn Twin Peaks để điều tra vụ án mạng, thu thập thông tin.
Trong quá trình giao tiếp với những người có liên quan, thăm dò, phát hiện ra những xung đột, bí mật đen tối của những người dân bình thường, Cooper nhận thấy những mối đe dọa còn kỳ quái, nguy hiểm và đáng sợ hơn.
Bức ảnh của Laura Palmer tượng trưng cho một lý tưởng về tính Mỹ. Nhân vật Laura Palmer là hiện thân của sự tốt đẹp, hi vọng mà thực chất chỉ là vẻ bề ngoài hấp dẫn, lời hứa suông, sự tự huyễn hoặc tập thể của cộng đồng người dân Twin Peaks.
David Lynch nhận thức quá rõ khía cạnh lộn xộn trong cuộc sống vùng ngoại ô nước Mỹ, thế nhưng các tác phẩm của ông vẫn luôn mang cả màu sắc u hoài, suy sụp, mất mát, dù không đau đớn và thống khổ, trước viễn cảnh cái ác, điều man rợ, những thứ kỳ quặc và bệnh hoạn cuối cùng có thể sẽ chiến thắng. Hoặc tệ hơn, là nhập nhằng với chính nghĩa.
Cảnh phim Twin Peaks: The Return
David Lynch là một bậc thầy về tác động của những yếu tố vô thức trong điện ảnh. Twin Peaks luôn có những luồng điện rẹt rẹt chạy qua, những thứ ánh sáng chập chờn, một kiểu áp lực nhiễu động nửa thực nửa hư để tạo căng thẳng, vẻ như các nguồn năng lượng ngoại cảm, các thế lực siêu nhiên đang giao thoa, tương lai và quá khứ, thiện và ác, những thứ trong tầm mắt và những thứ bị che đậy.
Đây còn là cách Lynch thể hiện quan điểm hậu hiện đại khắt khe về vai trò của công nghệ trong đời sống con người. Giống như cư dân của Twin Peaks, người ta chấp nhận sự tàn phá tinh thần tàn nhẫn của những thứ công nghệ ma quỷ bằng một cảm giác tội lỗi hời hợt và tê liệt không thể cứu rỗi.
Bằng ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn được giải phóng khỏi mọi khuôn khổ, với đủ mọi yếu tố huyền bí, trớ trêu, kinh dị, ủy mị sướt mướt, khôi hài, chân thành, bạo lực, không thể đoán trước, bộ phim là một giấc mơ trong cơn sốt.
Trong tất cả các tác phẩm của mình, David Lynch đều thể hiện nỗi ám ảnh với bản chất dễ biến động của cái tôi cá nhân.
Về cơ bản là một câu chuyện về án mạng, giải mã bí ẩn, cuộc chiến giữa thiện và ác song thế giới của Twin Peaks không tồn tại một quy chuẩn nhất định để các nhân vật có thể bấu víu vào, và khán giả như bị cuốn vào một ma trận không cho phép họ xao lãng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận