Người phụ nữ nhận thực phẩm cứu trợ của tổ chức Forgotten Harvest tại TP Warren, bang Michigan ngày 21-12 - Ảnh: Reuters
Giới chính trị gia tiếp tục đem lại cho chúng tôi những hi vọng hão. Họ đã không còn gần gũi với người dân nữa rồi. Ở Mỹ nghèo đói thì thật khổ sở. Chả ai thèm lắng nghe bạn.
Cô Jo Marie Hernandez (bà mẹ đơn thân với con gái 4 tuổi nói trên báo USA Today)
Tôi làm nghề tài xế xe tải đường dài và may thay công việc của tôi không bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch COVID-19. Thậm chí có thể nói công việc còn nhiều hơn do nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn giữa các bang, nếu tôi chấp nhận "liều mạng" làm việc trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.
Tôi vẫn nghĩ mình quá may mắn khi hàng chục triệu người Mỹ đang dần lâm vào cảnh khốn khó. Từ kiểu suy nghĩ "dịch sẽ qua mau", giờ người Mỹ đã phải nhìn nhận dịch sẽ kéo dài và đang tàn phá cuộc sống của chính họ.
Nhiều gia đình đã đói ăn khi lao động chính trong nhà thất nghiệp dài hạn và chưa thấy được tia sáng cuối đường hầm. Nhiều doanh nghiệp phải đối diện nguy cơ phá sản thường trực. Ai cũng hiểu chấp nhận phá sản là chấp nhận trắng tay, là phải ra đường nếu nhà cửa còn đang mua trả góp.
Hồi năm 2016, một gia đình người Mỹ có thu nhập trước thuế 98.018 USD sẽ có khoản nợ trung bình 92.000 USD, chưa tính khoản vay mua nhà. Như vậy là nợ đã tăng đến 32% so với năm 2004, tức sau thời kỳ lạm phát. Khoản nợ trung bình (chưa tính khoản vay mua nhà) của các gia đình có thu nhập trước thuế từ 52.655 USD đến 98.018 USD cũng lên đến 33.378 USD (tăng khoảng 33%, tính từ năm 2004 đến 2016).
Trước đại dịch, tổng nợ tiêu dùng của người dân Mỹ là 4.200 tỉ USD, không bao gồm khoản vay mua nhà, theo Ngân hàng Dự trữ liên bang New York. Nếu bao gồm cả nợ mua nhà, con số tổng sẽ lên đến 14.200 tỉ USD.
Quả thật, nợ vốn không phải vấn đề quá lớn trước khi đại dịch xâm nhập nước Mỹ. Thị trường việc làm đang bùng nổ dưới trào ông Trump và thu nhập trung bình đang tăng lên cho phép các hộ gia đình theo kịp những khoản trả nợ. Trong bối cảnh đầy lạc quan đó, ai cũng nhìn thấy cuộc sống màu hồng nên mạnh tay chi xài.
Dịch COVID-19 tác động tới gần như tất cả ngành nghề và các khoản trợ cấp thất nghiệp dù đã được điều chỉnh tăng thêm vẫn không thể bù đắp thiệt hại cho những người lao động từng có thu nhập cao, đặc biệt là ở những thành phố đắt đỏ.
Chưa bao giờ thấy cảnh người Mỹ phải trông mong vào những khoản trợ cấp từ chính phủ hoặc bang. Nhưng giờ đây, cảnh dòng người xếp hàng dài trước những điểm phát thực phẩm miễn phí (hoạt động với mật độ cũng dày hơn) đã trở thành chuyện quá quen thuộc.
Chính vì vậy giờ mới có chuyện nhiều người trông ngóng Tổng thống Trump đặt bút ký vào gói kích thích để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp. Ông chưa ký bởi cho rằng phải giúp cho những người thất nghiệp ở Mỹ đến 2.000 USD thì mới đáng, chứ 600 USD như đề xuất của hai viện thì như muối bỏ biển. Ông có cách lập luận của ông: bớt tiền từ các khoản không cần thiết khác để dành cho người dân đang gặp khó khăn.
Có những người cho rằng "kiểu làm khó nhau" hiện nay của giới chính trị chóp bu chẳng khác mặc cả trên thân phận của hàng triệu người Mỹ. Cũng có người trách móc tổng thống ung dung đi nghỉ lễ, đánh golf khi người thất nghiệp hết hạn nhận tiền khi bước sang ngày 27-12, dù ông cũng đã lên Twitter biện minh mình "vẫn làm việc tích cực" trong những ngày lễ dịp Giáng sinh.
Bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định sẽ triệu tập Hạ viện vào ngày 28-12 để thông qua yêu cầu của ông Trump điều chỉnh mức tiền lên 2.000 USD trong một phiên họp thường kỳ. Nhưng đã có những dự báo sự điều chỉnh đó nếu được thông qua ở Hạ viện (do đảng Dân chủ kiểm soát) thì cũng sẽ khó vượt qua được "ải" Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Hai đảng lại đang tranh cãi, đổ lỗi cho nhau trong khi hàng triệu người Mỹ, có con số ước tính khoảng 13 - 14 triệu, đang trông chờ vào khoản tiền trợ cấp của chính phủ. Nếu quyết định không được thông qua sớm thì hàng triệu người Mỹ có thể không đủ tiền trả tiền thuê nhà và có thể bị đuổi ra đường trong mùa đông giá lạnh.
Một người bạn tôi có bằng luật và gần 20 năm hành nghề, từng sống ở mức trung lưu mà giờ đây phải tâm sự: "Tôi tuyệt vọng vì không thể kiếm sống". Dịch giã đã khiến các vụ kiện tụng ít đi, cô lâm vào cảnh thất nghiệp triền miên. Cô cho biết trợ cấp thất nghiệp có giúp ích phần nào nhưng gia đình cô đang cạn kiệt dần tiền tiết kiệm và không thể thanh toán đủ 9.000 USD tiền trả nợ hằng tháng, bao gồm cả khoản vay mua nhà.
Tôi chưa từng chứng kiến một nước Mỹ run rẩy trong giá lạnh mùa đông đến thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận