Mãi đến năm 1970, phác đồ điều trị lao mới thành công nhờ phối hợp 3 - 4 loại thuốc tấn công dồn dập và kéo dài từ 9 tháng đến 1 năm.
Vi khuẩn "đi" vào cơ thể ra sao?
Chúng ở trong đờm, trong họng người bệnh. Ta ăn chung, uống chung, ngủ chung, chúng " bay, nhảy" từ người này sang người kia, sinh sống và phát triển. Ta ra đường gặp những kẻ khạc nhổ lung tung, vi khuẩn gặp trời nắng cũng chẳng chết, cứ "ngang nhiên" nằm đó. Xe chạy, gió thổi, bụi bay tứ tung, ai đi đường chả được "khuyến mãi" món bụi, chúng chạy vào mũi, vào miệng, và chạy luôn vào phổi. Một số sẽ "định cư dài hạn" nơi đây, số khác muốn tìm "miền đất mới" sẽ theo đường bạch huyết mà "di cư" ra hạch trung thất, hạch nách, hạch cổ, hạch dưới xương đòn. Số khác theo đường máu mà lên não, xuống thận, bộ phận sinh dục, chạy vào xương, thanh quản, màng phổi, màng bụng… nơi nào cũng là "miền đất hứa" của dòng họ "Cốc"!
Bởi thế khi phát minh ra tia X, người ta tưởng chụp hình phổi là "tóm" được chúng, sau lại thấy khó nếu chúng "chạy" luôn chứ không "đăng ký hộ khẩu" ở đây, triệu chứng tùm lum, các bác sĩ cũng bị nhầm với bệnh khác.
Thế nào là đã dính "Cốc"?
Bệnh lao nguy hiểm như vậy, nhưng triệu chứng lại rất nghèo nàn và dễ nhầm với các bệnh khác. Bạn có thể thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân từ từ. Ở đời có khối bệnh như vậy, nên nhiều người tìm cách vô “nước biển”, mua thuốc bổ về uống để hi vọng khỏe trở lại. Ngày xưa, người ta nói "ho lao" tức là đã lao thì phải có "ho", nhưng thời nay hơn 30% số người "lao mà không ho". Có người ho khan, đa số ho khạc đờm và "vô tư" thải vi khuẩn "Cốc" xuống đất, vào không khí để cộng đồng "hứng".
Một số ho và khạc đờm có chút máu. Bà con mình đi tiệm mua thuốc ho về uống bởi trong cuộc đời ai chả từng bị ho. Chiều chiều họ thấy ớn lạnh, sốt nhẹ và bữa tối ăn uống kém, đêm khó ngủ. Nhiều người không đi khám, lại nốc thuốc hạ sốt. Uống xong, ra mồ hôi, cũng thấy sốt giảm, có điều khó ngủ thì còn nguyên, và ngày càng rõ rệt hơn.
Nếu bạn bị lao màng phổi thì sẽ thấy đau ngực, ho nhiều mỗi khi nằm xuống giường, khó thở tăng lên tỉ lệ thuận với nước màng phổi. Người nào khàn tiếng kéo dài, uống kháng sinh thông thường không đỡ, cẩn thận bạn đã bị lao thanh quản. Có người nhức đầu, nôn vọt, cổ cứng lại lờ đờ lúc tỉnh lúc mê vào viện được rút nước não tủy. Nước não tủy có màu vàng chanh thường là lao màng não. Có người bị sưng khớp, đau không đi được, chọc dịch khớp xét nghiệm lại thấy cả đám "Cốc" nằm trong đó sinh sống. Người khác đau bụng, tiêu chảy, bụng chướng, gõ thấy có nước, coi chừng đã bị lao màng bụng. Nếu sờ thấy hạch cổ, hạch dưới đòn, hạch mềm, lổn nhổn, chỉ cần chọc kim vào, lấy ra một chút là chẩn đoán ngay lao hạch...
Làm sao biết chắc là bị lao, với biểu hiện lung tung như thế? Khi nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm đờm tìm "Cốc". Vi khuẩn này thoắt ẩn, thoắt hiện, nên phải làm 3 lần mới hi vọng "túm cổ" được nó. Có thể dùng phản ứng IDR bằng cách dùng "Cốc" chết tiêm trong da rồi chờ 72 giờ. Nếu xuất hiện quầng đỏ đường kính > 15 mm thì tức là đã nhiễm lao. Nếu nghi lao phổi thì chụp X quang sẽ nhìn thấy tổn thương. Kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay là dùng phản ứng khuếch đại chuỗi (PCR) nhằm phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn trong cơ thể.
Phòng bệnh thế nào?
Vi khuẩn lao sống lâu trong không khí, lại dễ lây lan, nên việc phòng bệnh trở thành khâu quan trọng nhất. Trẻ ra đời trong 24 giờ cần tiêm ngừa BCG để giúp trẻ đề kháng với "Cốc" trong bệnh viện, trong không khí. Người nhiễm lao phải ăn chén bát riêng, và tuyệt đối không khạc nhổ bừa bãi. Khi được chẩn đoán là nhiễm lao, cần điều trị triệt để, uống thuốc đúng, uống đủ, đề phòng vi khuẩn "Cốc" kháng thuốc lây sang gia đình và cộng đồng. Một chuyện thuộc loại "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" là thái độ của người bệnh đối với bệnh lao. Người có tiền bèn đến phòng mạch tư tự mua thuốc uống. Người không tiền đành "thí mạng" tới đâu thì tới. Kết quả là cộng đồng lãnh đủ những con "Cốc" ở quán ăn vỉa hè, bụi bặm, không khí, và bát đĩa, ly tách. Những người bán hàng ăn đều chưa được khám sức khỏe kiểm tra bệnh lây nhiễm, người có vi khuẩn lao, người bị phong (cùi)… vừa bốc đồ ăn cho bạn vừa trò chuyện, mời chào. Nước miếng, hơi thở, chén bát rửa theo nguyên lý "tráng, lau" sẽ là "nhà cung cấp" cho bạn đủ loại vi khuẩn trong đó có những cô cậu "Cốc". Những người cơ thể suy yếu, hệ thống miễn dịch đang ở thời kỳ "hết hơi" sẽ dễ dàng bị "Cốc" tấn công, chiếm lĩnh và tàn phá. Vì thế, muốn tuyệt tình hẳn với bọn "Cốc" không gì hơn là phải tự xác lập hàng rào phòng vệ cho chính mình bằng tiêm ngừa và tự nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách giữ gìn sức khỏe, đừng để cơ thể tiêu tốn "vốn liếng" ngay cả với những bệnh lặt vặt như cảm cúm chẳng hạn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận