24/03/2014 12:05 GMT+7

"Tuyệt tình ca" và những bà mẹ độc đáo

NGỌC LIÊN
NGỌC LIÊN

TT - Nói đến nghệ sĩ Hồng Nga là nói đến những vai phụ, vai nhỏ. Rồi các vai già, trong nghề gọi là vai mụ. Con đường dẫn bà đến những vai đó đầu tiên là vì không đủ sắc vóc để đóng đào đẹp, đào mùi...

lAff4Da0.jpg
Nghệ sĩ Hồng Nga năm 24 tuổi - Ảnh nhân vật cung cấp

Bà nhớ như in lần đầu tiên đi ca ở quán Lệ Liễu, ca những bài của nhạc sĩ Bảy Bá như Con gái của mẹ, Lan và Điệp, rồi ca Khốc hoàng thiên, Nam ai, Nam xuân... với vẻ tự tin. Nhiều nghệ sĩ thành danh lúc đó đã vuốt đầu khen bà ca hay, làn hơi trong, giòn, sáng nhưng lại “tối thui” trên sân khấu. Nếu một cô đào chánh phải như thiên nga thì cô bé ngày ấy đúng bóc là vịt ròm xấu xí.

Vậy mà có lần bà được đóng vai quận chúa. Lên sân khấu run răng đánh lập cập mà khán giả cũng vỗ tay. Nhưng cha nuôi của bà - nhạc sĩ Tám Đen, người đã đào tạo bà một cách bài bản từ năm 13 tuổi - đã khuyên bà một điều mà bà dùng suốt một đời: “Đừng sợ. Không đẹp không có nghĩa là không hay. Ra sân khấu, con hãy nhìn vào một khuôn mặt nhân hậu nhất, cứ nhìn họ, diễn vì họ, như tâm sự với họ hết lòng mình. Đừng để ý xung quanh”. Lời khuyên mầu nhiệm đó đã khiến bà không còn run sợ nữa, mà ngược lại rất tự tin để đi theo con đường không bằng phẳng của riêng mình trên con đường nghệ thuật.

Hồng Nga nói: “Những bài vọng cổ của nghệ sĩ Út Trà Ôn qua radio đã cứu lấy cuộc đời cơ cực của tuổi thơ tôi. Con bé gánh nước mướn đã tự cho mình cái quyền bước chân vào thử thách”.

Cô đào trẻ lấy “một biển nước mắt”

...Phải chăng ngay từ đầu khí chất của bà đã vừa non trẻ vừa già dặn, nên cha nuôi bà từ lúc dạy bà những bài ca đầu tiên đã nói hơi hướng của bà phù hợp với tâm sự của những cô đào vô phước. Nghĩa là buồn bã và chắc chắn lấy nước mắt người xem khi bị hành hạ. Nhận xét này của ông trùng khớp với nhiều người. Soạn giả Hoa Phượng - người thầy tinh thần của nhiều nghệ sĩ tài danh, người được xem là có “con mắt thần” nhìn thấu tâm tư họ - đã lần đầu viết cho bà một vai khai thác trọn nét bi thương nơi cô đào trẻ.

Ông nói: “Số cô lăng nhăng, nhưng cô quả. Tình duyên dầm dề, nhưng lại là một đứa con gái chung thủy, chung tình...”. Bà nhận vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt tình ca, lên sàn tập khi 18 tuổi, vừa sinh con gái đầu lòng chỉ mới 17 ngày. Hoa Phượng nói thêm: “Tôi cho cô vai diễn này, nó sẽ theo cô suốt đời!”. Quả thật, vai diễn rất giống số phận của bà.

Sự thấu hiểu sâu sắc của ông đã giúp bà có một vai diễn để đời. Ông đi vào những ngõ ngách tâm hồn của một phụ nữ bất hạnh trong tình duyên, liệu ông có biết rằng ông cũng đang khơi dậy một mạch nguồn bất tận.

Vai diễn xuất hiện ở màn cuối đã khiến ông Cò (nghệ sĩ Út Trà Ôn) bật lên nỗi ray rứt sau 20 năm gặp lại vợ con. Hồng Nga đã thể hiện quá thật những nỗi trách móc, hờn ghen mà cam chịu dịu dàng nên càng bi cảm. Lời ca chan chứa: “Nhưng chồng của tôi lại quá đỗi bạc tình, về với vợ lớn rồi, không trở lại thăm mẹ con tôi... Mình còn nhớ không, ngày xưa thấy tôi cực khổ, mình thường ví tôi với loài chim dương nga... Nhưng mình ơi, trách thì trách vậy nhưng lòng tôi một mực với mình. Tôi vẫn thương, tôi vẫn yêu mình trong suốt mấy chục năm dài...”.

Những người cùng thời với Hồng Nga kể lại cô giáo Lan thuở ấy đã lấy được “cả biển nước mắt”. Họ đã chứng kiến cảnh... đàn ông trong rạp khóc nức lên mỗi khi Hồng Nga nâng bàn tay người chồng cất tiếng: “Mình... mình còn sống đây sao mình”. Ngay từ dạo đó, người ta đã thấy chữ “tình” trong nét diễn, giọng ca của bà mênh mang u uẩn dù tuổi còn trẻ, đầu còn xanh. Và vai diễn thành công bởi lẽ “Người diễn vì tình mà diễn. Người xem vì tình mà đau”.

Cố mẫu - vai diễn không thể thay thế

Những năm 1980, nghệ sĩ Hồng Nga vào vai cố mẫu - thái hoàng thái hậu của triều Đinh, mẹ của vua Đinh Tiên Hoàng trong vở Thái hậu Dương Vân Nga, đã được nhiều người trong giới đánh giá là một vai diễn không thể thay thế. Hồng Nga đã sáng tạo một nhân vật đầy hấp lực, độc đáo, không hề theo khuôn mẫu. Bà hoàng ở đây không chỉ cao sang. Cái chính là bà rất quyền uy. Quyền uy này thể hiện rất rõ và rất hợp lý. Bởi lúc đó vua Đinh Tiên Hoàng vừa mới mất, ấu quân còn nhỏ tuổi. Cứ trong trường hợp đó thì người đứng đầu triều đình sẽ là những bà hoàng. Ở đây là cố mẫu và thái hậu Dương Vân Nga. Hồng Nga đã thể hiện rất có nét hình tượng bậc mẫu nghi thiên hạ trong mối tương quan với vận mệnh non sông đang thời nghiêng ngả. Bà rất cương quyết, đanh thép và kiên cường. Bà thể hiện một lòng yêu nước không lay chuyển.

Tuy nhiên, nét độc đáo nhất của nhân vật nằm ở chỗ khác. Đó chính là ở những khoảnh khắc rất “mẹ chồng” của cố mẫu với “nàng dâu” Dương Vân Nga. Là một phụ nữ, bà hiểu rõ nỗi lòng của con dâu. Bà cũng thương nàng góa bụa, con trai bị bắt cóc, áp lực của đất nước, của vương triều nhà chồng đè nặng trên vai. Phải nói Hồng Nga thật sắc sảo, khi để bà cố mẫu cũng vì là đàn bà mà lo sợ cảnh giác cho những khoảnh khắc “đàn bà” của con dâu. Bà sợ nàng yếu lòng. Cũng vì thế, bà mẹ chồng trở nên cay nghiệt. Cộng với quyền lực, bà trở nên đáng sợ. Khi bà nghe nói rằng Dương Vân Nga sẽ trao long bào cho Lê Hoàn, bà đã bật lên một cơn thịnh nộ. Con trai vừa mất, người mẹ tự đặt vào tay mình bổn phận giữ gìn cơ nghiệp họ Đinh. Và cơn giận dữ đầy uy lực đã khiến nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai thái hậu Dương Vân Nga sợ hãi cúi đầu. Lớp đối đáp giữa hai bà hoàng trở thành một lớp rất hay.

Nhưng người mẹ trong bà vẫn rõ là người mẹ, cho dẫu là mẹ chồng. Nghiệt ngã bao nhiêu thì lúc vỡ ra cũng ngọt ngào lắng đọng bấy nhiêu. Lúc hiểu rõ lòng con dâu, Hồng Nga và Bạch Tuyết đã có một lớp diễn cảm động của hai mẹ con, hai người đang nắm trong tay vận mệnh đất nước, cũng là hai người đàn bà đau khổ yếu mềm, đều góa bụa và đều đau nỗi mất con.

Người mẹ độc đáo trong Tình nghệ sĩ

Thập niên 1990, Hồng Nga đóng một vai người mẹ rất hay trong vở Tình nghệ sĩ. Nhiều bạn diễn lúc ấy nói diễn như vậy gọi là “quá siêu”. “Siêu” với cái ở trong vai diễn, ở ngoài vai diễn và cả những gì không nói được bằng lời, chỉ có thể cảm nhận.

Hồng Nga buồn mà vẫn “lanh”, hay nói cách khác là đau thương mà ham sống hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện càng rõ qua tháng năm. Đôi mắt của người mẹ luống tuổi và gian truân, nơi Hồng Nga vẫn ánh lên cái ranh mãnh của kẻ luôn biết nắm bắt thời cơ, đã tóm gọn được trong tay trái tim nhà thơ Dạ Sầu (Thành Hội đóng). Nó cũng âm thầm say đắm, bất chấp khuôn mặt và vóc dáng già nua, vẫn sáng lên ánh sáng của người đàn bà còn biết yêu, còn giấu kín một mảnh nhỏ của tâm hồn thiếu nữ.

Với Tình nghệ sĩ, hình ảnh người mẹ của Hồng Nga nghiêm khắc và bao dung. Nhưng ngộ nghĩnh và sống động hơn là bà chẳng cần bận tâm xây dựng một khuôn mẫu “mẹ hiền”. Cứ hễ “mẹ” là phải “hiền” sao? Hồng Nga đã đi qua cả sự hồn nhiên, bà tự tin đến mức phóng khoáng. Lý giải rất thật rất đời: “Có bao nhiêu người đàn bà thì có bấy nhiêu bà mẹ, hà tất ai giống ai. Hơn nữa, có bao nhiêu cảnh đời thì bấy nhiêu cảnh mẹ với trăm đường truân chuyên làm mẹ. Mẹ mà có phải xù lông xù cánh như con gà mái cũng là lẽ tất nhiên”. Cảm nhận về nhân vật đầy bản năng, với vốn liếng cả cuộc đời từng trải đã khiến người mẹ của Hồng Nga bỗng bừng lên sức sống, cuồn cuộn niềm đau. Nỗi đau xát lòng xát dạ, đau gấp mấy lần con gái khi con bị ruồng bỏ dối lừa. Đứa con chỉ đau một lần vấp ngã, người mẹ đau sự bất lực một đời...

Ít thấy ai diễn thật như Hồng Nga - cũng chắc rằng hiếm ai diễn kỹ thuật như Hồng Nga. Trong từng tích tắc, giữa những lớp diễn, có những khi bà chủ động cứa vào sự thương cảm của người xem những vết thật sắc sảo, thật đúng lúc. Bà tính toán thật kỹ, để một câu vọng cổ buông ra như một tấm lưới khiến khán giả không thoát được. Những lớp kịch có Hồng Nga, tiết tấu không giãn, không chùng, như đã được đo đếm từng li. Kỹ thuật đến thế mà không chân thành là hỏng. Vậy thì, bà đã luôn rất chân thành...

ISTu7dPX.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Hồng Nga (phải) trong một lớp diễn với nghệ sĩ Lệ Thủy trong live show Nụ cười và nước mắt - Ảnh: M.C.

Gửi phận mình vào tiếng khóc

Một vai diễn nữa cũng in đậm dấu ấn - lần này trong chính Hồng Nga trước rồi sau nữa mới đến khán giả. Đó là lần Hồng Nga được má Bảy Nam (NSND Bảy Nam) giao đóng vai mẹ của cô Diệu - vai của má trong trích đoạn Lá sầu riêng, chương trình Những cánh chim không mỏi tại nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Má Bảy nói với Hồng Nga: “Hồi đầu má diễn vai này đâu có hay như con. Nhưng mỗi ngày lại thêm tình cảm, tới lúc nó ngấm vào máu. Riết rồi đã hơn 40 năm. Giờ đây má trao lại cho con... nhưng con diễn đừng có khóc nhiều quá, phải chừa cho khán giả khóc nữa’’. Hồng Nga kể: “Má Bảy Nam đâu biết tôi đã gửi chính thân phận mình vào nước mắt. Hồi nhỏ tôi không biết sinh nhật là gì, cũng chưa từng có cái đám cưới. Nên khi diễn cảnh bà mẹ đưa đôi bông mù u cho Diệu và nói: “Con cất đi, cất làm kỷ niệm. Kỷ niệm của bà ngoại cho má, giờ má cho lại con... Tội nghiệp con gái tôi không có cái đám cưới như chị em bạn” thì tôi khóc mùi...”.

Kỳ sau: Người mẹ tìm con

NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên