08/06/2021 06:45 GMT+7

Tuyệt đối không tắm nước lạnh ngay sau khi luyện tập thể thao

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Tập thể thao luôn được khuyến khích đối với mọi lứa tuổi nhằm tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, việc luyện tập sai cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, thậm chí còn gây tử vong.

Tuyệt đối không tắm nước lạnh ngay sau khi luyện tập thể thao - Ảnh 1.

Mỗi người cần biết tình trạng sức khỏe của bản thân để lựa chọn môn thể thao và cường độ tập luyện thích hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất khi tập luyện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày nay, việc tập luyện thể thao được quan tâm nhiều hơn, từ người trẻ cho đến người già, không chỉ vì lợi ích sức khỏe mà còn để cải thiện vóc dáng và cân nặng cơ thể. Việc mọi người "đua" nhau vận động là điều tích cực. Nhưng chính vì "noi" theo người khác mà không hiểu rõ cơ thể mình, rất nhiều người đã luyện tập thể thao sai cách.

Lợi thành hại

Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, có thể dễ dàng quan sát tại các công viên lúc sáng sớm hay chiều muộn rất đông người dân đến để luyện tập thể thao. Từ các bài tập nhẹ như dưỡng sinh, chạy bộ cho đến các bài tập nặng hơn như xà đơn, xà kép... Còn tại khu vực trung tâm TP.HCM, chỉ cách 1-2km lại có một phòng gym, lượng người đến tập phần lớn là người trẻ họ chủ yếu là sinh viên, dân văn phòng...

Thành phố đang áp dụng các lệnh giãn cách, nhưng nhiều người dân vẫn giữ thói quen luyện tập thể thao, đây là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ý thức thôi chưa đủ, hầu như nhiều người chỉ đang tập luyện theo bản năng và chạy theo số đông.

Phải hiểu rõ bản thân mình

Từ năm nhất đại học, đã làm mẫu ảnh cho các cửa hàng thời trang nên bạn Nguyễn Quốc Việt (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV) luôn biết chăm chút cho ngoại hình của mình.

"Mình hay lên các hội nhóm thể hình trên Facebook để tham khảo chế độ tập của người khác, từ đó áp dụng, mỗi ngày sẽ tập các bài nặng hơn để siết cơ nhanh hơn, cũng không dám bỏ buổi nào dù có mệt", Việt chia sẻ.

Hơn nữa, nhiều loại hình thể thao mạo hiểm ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn, nhất là hình thức trekking, leo núi... Chưa biết được ngưỡng sức khỏe của bản thân có phù hợp hay không, nhiều người vẫn vô tư vác balô mà đi. Gần đây nhất, ngày 24-5, một nam phượt thủ 45 tuổi đã đột tử khi đang chinh phục núi Chứa Chan, Đồng Nai.

Việc tập luyện càng nhiều thì năng lượng tiêu hao càng nhiều, càng nhanh xuống ký, nhanh đẹp, nhanh khỏe, đó là suy nghĩ sai lầm của rất nhiều người hiện nay. BS Nguyễn Hoài Nam - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết không phải tập luyện thể thao nhiều là sẽ tốt cho sức khỏe, bởi sức khỏe mỗi người đều có một ngưỡng nhất định.

"Sẽ rất dễ bị đột quỵ nếu tập thể thao với cường độ vượt quá ngưỡng cho phép của cơ thể. Khi cường độ tập luyện cao thì huyết áp và nhịp thở cũng tăng lên, rất dễ gây ra tình trạng vỡ tĩnh động mạch, vỡ các mạch máu não dẫn đến tai biến mạch máu não hay nói cách khác là đột quỵ", BS Nam nói.

Ngoài ra với các loại hình thể thao đường dài như chạy bộ, leo núi... khi ép bản thân vận động quá sức khiến tim đập nhanh, cơ tim sẽ cần oxy nhiều hơn, mạch vành sẽ hẹp dần, không đủ cấp máu cho cơ tim, có thể gây ra suy tim cấp và tử vong - BS Nam cho biết thêm.

Mặc dù tỉ lệ cứu sống người bị đột quỵ ở Việt Nam hiện nay khoảng 40-50% nếu phát hiện kịp thời, tuy nhiên những biến chứng về sau cũng vô cùng nặng nề như liệt nửa người hoặc một phần cơ thể, ảnh hưởng rất nhiều đến trí não.

Những lưu ý khi tập thể thao

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong. Con số vô cùng lớn cũng là hồi chuông cảnh báo đến mọi người. Để việc tập thể thao thật sự mang đến lợi ích cho sức khỏe, trước hết ta cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân.

Theo BS Nguyễn Hoài Nam, người dân nên đi kiểm tra sức khỏe tim mạch để đánh giá tình trạng của cơ tim, từ đó mới chọn ra cho mình các bài tập và cường độ luyện tập phù hợp. Cần loại bỏ ngay suy nghĩ tập càng nhiều càng tốt, cần thiết nên tham khảo ý kiến của huấn luyện viên thể thao, không tập theo bất kỳ chế độ của người khác, bởi cơ thể mỗi người mỗi khác nhau. Đặc biệt khi vào hè, nhiệt lượng trong cơ thể tỏa ra nhiều hơn cộng với nhiệt lượng khi tập thể thao, khiến các mao mạch dưới da giãn nở ra nhiều.

"Tuyệt đối không được tắm ngay với nước lạnh sau khi luyện tập thể thao", ông Nam nhấn mạnh. Trong khi các mao mạch đang giãn nở để tỏa nhiệt, cơ thể gặp nước lạnh, mạch máu bên ngoài tự động co lại, làm cho huyết áp tăng lên, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, trong quá trình luyện tập thể thao, cần bổ sung nước cho cơ thể, uống theo từng ngụm và chia đều thời gian uống. Việc lựa chọn không gian thoáng mát, có cây xanh để tập cũng giúp tăng hiệu quả rèn luyện sức khỏe.

Ngày 6-5, Bộ Y tế chính thức ra mắt chuyên trang thông tin điện tử về bệnh đột quỵ, với tên miền http://dotquy.kcb.vn/ liên kết trực tiếp vào trang thông tin điện tử của Cục Quản lý khám chữa bệnh. Trang có đầy đủ nội dung từ đóng góp chuyên môn của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành nhằm cung cấp cho người dân các kiến thức chính xác, hữu ích, dễ hiểu về cách phòng, chống, điều trị bệnh đột quỵ.

Tập thể thao không bao giờ là muộn Tập thể thao không bao giờ là muộn

TTO - Nói đến thể thao, nhiều người bạn già của tôi than vãn: hơn 60 rồi, có tuổi rồi lo ăn uống an dưỡng vui vầy cùng con cháu; tập thể dục còn không đủ sức chứ nói gì đến thể thao; mà thể thao thì cầu lông, bóng bàn cũng là quá rồi.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên