Phóng to |
Trục vớt chiếc xe Fortuner bị trôi khi đi cứu trợ lũ lụt tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) - Ảnh tư liệu |
Đó là một trong những ý kiến chia sẻ kinh nghiệm lái xe qua vùng ngập lụt của bạn đọc sau lời mời của Tuổi Trẻ Online: đăng ngày 2-10.
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng và mời bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến tham gia.
Những thao tác lái xe cần lưu ý
Về nguyên tắc thì không được cho xe đi qua các đoạn đường tràn ngập. Kể cả những đoạn đường được cho là tốt và phẳng nhưng rất có thể trước đó, nước chảy xiết đã tạo nên ổ voi, ổ trâu hoặc hố tử thần mà mắt thường không thể nhìn thấy qua làn nước.
Thông thường, ở những điểm tràn ngập đó, lực lượng chức năng có bố trí người hướng dẫn, canh gác hoặc cấm đường. Người lái xe phải tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của họ.
Trong trường hợp tối cần thiết, quá cấp bách bắt buộc phải đi qua vì lý do cứu người, trốn lũ... Người lái xe cần làm những thao tác sau đây:
1- Đỗ xe vào nơi cao ráo, kéo phanh tay và dùng vật cứng chèn các bánh xe lại.
2- Xuống xe, dùng mắt thường quan sát kỹ đoạn đường bị tràn ngâp, ước lượng tốc độ dòng chảy, độ dài đoạn bị tràn ngập, quan sát xem trên dòng chảy có thể có các vật thể lớn bị cuốn trôi hay không. Tuyệt đối không cho xe qua khi thấy nước chảy xiết, đoạn bị tràn, ngập quá dài hoặc trên dòng chảy có nhiều vật thể bị cuốn trôi.
3- Cần phải dò đường trước khi cho xe qua, kể cả trong trường hợp nước không chảy hoặc chảy không mạnh. Khi dò đường, cần cột dây cáp cứu hộ hoặc dây thừng vào người, sau đó buộc đầu kia vào một vật bám chắc trên đất. Nếu có hai người thì một người dò đường, người còn lại phải cảnh giới và ghìm giữ đầu dây.
4- Khi dò đường, cần dùng một cây gậy sắt hoặc tre, gỗ... để thăm dò phía trước và cả hai bên theo vị trí dự kiến bánh xe sẽ lăn lên. Nếu phát hiện thấy đường hẹp, nền đường đã mềm hoặc hóa bùn, có ổ gà, hố... trên đoạn đường bị tràn ngập thì không được cho xe qua. Nếu trên đoạn bị tràn ngập có chỗ sâu quá quá chiều cao khoảng sáng gầm xe thì cũng không được đi qua. Trong khi dò đường, cần lấy cành cây làm cọc tiêu đánh dấu làn biên hai bên đoạn đường cần đi qua.
5- Trước khi cho xe qua, cần lấy dây thừng hoặc cáp cứu hộ chắc chắn, buộc chặt vào chỗ chắc nhất trên thân xe, đầu còn lại cột chặt vào gốc cây, tảng đá to hoặc một vật bám chắc trên mặt đất. Độ dài của dây phải dài hơn đoạn đường bị tràn ngập. Sau khi đi qua, phải cắt bỏ sợi dây đó.
6- Khi cho xe qua, phải dùng số 1, đi từ từ, thận trọng và giữ ga hợp lý, không được để bị chết máy. Nếu xe có hai cầu trở lên thì phải cài tất cả các cầu.
Người trên xe phải luôn trong tư thế sẵn sàng thoát hiểm nếu xe bị lật. Nếu có áo phao thì phải mặc vào. Nếu không có thì nên kiếm các vật nhẹ, xốp đủ lớn, thậm chí là cây chuối và buộc chặt vào người bằng một đoạn dây.
7- Nếu xe có cầu tời, cần sang bên kia đoạn đường bị tràn ngập để nối tời ở đầu xe vào một gốc cây, đá, cột điện hoặc bất cứ vật gì khó di chuyển khỏi mặt đất. Kết hợp sự chuyển động của các bánh chủ đọng và sức kéo của tời để đưa xe qua.
8- Tất cả các xe du lịch sử dụng hộp số tự động không được đi qua các đoạn đường bị tràn ngập ngay cả khi biết chắc rằng đoạn đường đó ngập nông, bằng phẳng và không có hố hay ổ gà.
Coi chừng ảo giác
Nếu mực nước cao hơn sàn xe thì có khả nãng xe nhẹ đi nên có thể bị nước cuốn đi. Nếu mực nước dưới sàn thì sức nặng còn nguyên, không dễ gì bị cuốn được. Trường hợp sau coi chừng bị ảo giác.
Có lần tôi lái xe qua con đường bị ngập chừng ba, bốn tấc nước, dòng nước chảy khá mạnh. Khi chạy qua, tôi nhìn dòng nước chảy, đang đi ngon bỗng phụ xe la to bảo dừng, xe đang hướng xuống ruộng. Đánh lái, sửa xe ngay ngắn xong tiếp tục đi, khoảng năm, sáu mét thôi thì phụ xe lại kêu y như lần trước. Tôi xuống xe thì quả thật xe đang hướng đầu về phía hướng nước chảy. Đúng là ảo giác vì trên xe tôi vẫn thấy xe đi thẳng.
Sau đó, tôi cho phụ xe đi trước đầu xe và tôi cứ nhìn theo anh ta và đi một mạch qua bên kia mà không dừng lần nào vì lệch đầu xe nữa. Nếu các tài xế lái xe mình bị cắm đầu xuống, trước khi bị trôi thì đúng là bị ảo giác rồi.
Xe thông thường không được băng ngang dòng nước lớn
Không có kinh nghiệm nào trong việc này bởi vì khi xe băng qua vùng ngập và nhất là khi có dòng chảy xiết. Do xe không chạy nhanh được nên nước không thể thoát dưới gầm xe, lực nước tính cho diện tích mặt hông của xe rất lớn, đẩy lật xe và trôi xe dễ dàng. Nói chung là xe thông thường không được phép băng ngang dòng nước lớn.
Phải biết thông tin đầy đủ
Đi qua đoạn nước đang xiết ngang là vấn đề sống còn. Trước hết phải biết nhiều thông tin về độ sâu, nơi sâu nhất và chắc chắn đoạn này chưa bị lở khúc giữa. Đoạn bị lở thường thấy nước chảy thấp và xiết hơn, chắc chắn không nên qua nữa.
Nếu một người không thể đi trước thăm dò vì nước xiết hoặc quá sâu cũng không nên đi tiếp. Trong tình thế bắt buộc phải băng qua, ngoài việc tăng tải cho xe, ta nên mở tất cả các cửa cho nước tràn qua sàn (nếu có), chứ không riêng hạ kính. Với các trường hợp đang băng ngang thấy xe bị xô, lập tức bẻ lái theo hướng ngược dòng, việc đi tiếp được hay không (bị trôi) sẽ phụ thuộc vào sau đó nước tiếp tục lên hay xuống.
Tôi từng vượt nước ngang, nhưng không quá xiết và quá sâu, để có nhiều kinh nghiệm hơn có lẽ sẽ không có ý kiến này (!) Tốt nhất cho việc đi cứu hộ trong mưa bão, ta nhờ xe đặc chủng của quân đội.
Trước một đoạn đường bị ngập thì phải cho người biết lơi lội thăm dò đường trước. Có những đoạn đường quen thuộc nhưng phải đề phòng vì trong khi ngập nước có đoạn đường quá trình ngập bị lũ cuốn trôi, người đi xe dễ bị sụp kiểu này.
Cân nhắc cẩn thận trước khi vượt đoạn nước ngập
Kinh nghiệm của tôi là nếu thấy nước ngập quá biển số của xe phía trước là tìm chỗ cao, tắt máy, đóng cửa và tìm chỗ trú mưa, trừ phi bạn đang lái xe thiết giáp lội nước ...
Trước tiên hãy cân nhắc xem có nên vượt qua đoạn đường có lũ hoặc nước đang dâng cao hay không? Nếu buộc lòng phải đi (như trường hợp cứu trợ bão lụt) thì nên lựa chọn phương tiện. Ví dụ các loại xe đặc chủng của công an, quân sự hoặc xe càng "hở" càng tốt (có thể hạ tất cả kính xe để nước tràn qua cửa, không biến xe thành vật trôi bồng bềnh, "hổng chân").
Cần kết hợp với việc để lên xe những loại đá, gạch, bao cát... để đằm xe.
Khi qua những vùng xung yếu, những người trên xe luôn sẵn sàng tâm thế thoát ra khỏi xe một cách nhanh nhất với những vật cứu sinh có sẵn.
Lái xe đi qua vùng lũ, nhất là nơi có dòng chảy ngang thân xe rất nguy hiểm. Cần khảo sát kỹ trước khi quyết định có cho xe đi qua hay không. Theo tôi:
1. Nếu mực nước tại một điểm bất kỳ bằng hoặc cao hơn sàn xe thì không nên mạo hiểm lái xe đi qua.
2. Trong trường hợp xác định có thể đi được thì trước khi đi hãy hạ hết các cửa kính xuống và mở sẵn chốt cửa để nếu không may xe bị trôi, nước sẽ tràn được vào trong xe và người ở trong xe có cơ hội thoát ra khỏi xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận