Tuyệt diệu và kích động 

JESSE PETERSON 17/09/2017 20:09 GMT+7

TTCT - “Tiền bạc trên thực tế không có giá trị gì. Chúng chỉ là những tờ giấy, ta không thể ăn nó khi đói, không thể mặc nó khi lạnh, chẳng thể dùng nó để bảo vệ bản thân khỏi cơn mưa”

tt
 

 

Trật tự tưởng tượng đầy mê hoặc

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trên kênh CNN đã từng đề nghị mọi người đọc Sapiens: Lược sử về loài người của Yuval Noah Harari.

Điều này khá là thú vị vì Harari nói: “Mỹ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của chúng ta, trên thực tế Mỹ không hề tồn tại”.

Tôi rất thích cuốn sách của ông vì nhờ nó, ta mới nhận ra ta đang sống giữa hai thực tế. Thực tế đầu tiên là của thứ thật sự tồn tại, những thứ chạm được, ngửi được: cây cối, động vật, sông suối...

Thực tế thứ hai là những gì chúng ta đã tự thiết kế: cả một xã hội hư cấu. Câu chuyện hư cấu thú vị nhất có lẽ là chuyện về đồng tiền.

Harari từng nói rất hóm hỉnh về điều này: “Tiền bạc trên thực tế không có giá trị gì. Chúng chỉ là những tờ giấy, ta không thể ăn nó khi đói, không thể mặc nó khi lạnh, chẳng thể dùng nó để bảo vệ bản thân khỏi cơn mưa” (Ted Talk).

Nhưng trí tưởng tượng của con người lại trao cho nó một giá trị khác: “Một tờ này có giá trị bằng một ký thịt” và Harari kết luận trong cuốn sách:

Sự phát triển của nó không đòi hỏi những bước đột phá về công nghệ - mà hoàn toàn chỉ là cuộc cách mạng tinh thần. Nó liên quan đến việc tạo ra một thực tại liên - chủ quan chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng được chia sẻ của con người”.

Liên minh vĩ đại

Cái ngưỡng quan trọng trong tổ chức của một bầy linh trưởng là 150 (theo lý thuyết số Dunbar trong nghiên cứu xã hội học: quy mô tự nhiên tối đa của một nhóm được gắn kết bởi giao tiếp/thông tin là khoảng 150 cá thể).

Hai bầy linh trưởng khác nhau không thể hợp tác với nhau, chúng sẽ tranh đấu hoặc chọn cách tránh xa, nhưng chắc chắn không phải là liên minh.

Con người tinh khôn thì khác. Con người hiện đại giờ có thể hợp tác với hầu hết mọi người ta gặp. Ta có thể dễ dàng lên một chiếc máy bay mà không cần biết phi công là ai, không phải lo lắng về việc một gã phi công lạ mặt có giết ta hôm nay không.

Loài tinh tinh chẳng hạn thì không. Bảo nó trao tính mạng cho một người lạ mặt và nó sẽ xem bạn như kẻ tâm thần.

Loài người hợp tác với những kẻ họ không hề biết hằng ngày. Các công trình kiến trúc, nghiên cứu y học, phát minh vũ khí hạt nhân... mọi thứ đều được xây dựng trên mối quan hệ bắt nguồn từ những kẻ lạ mặt.

Và mọi thứ khá ổn thỏa lúc ban đầu, cho đến khi cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra. Con người trở thành nô lệ của nông nghiệp, ra đồng từ lúc tờ mờ sáng và chỉ được trở về vào lúc trời sập tối.

Cuộc sống nhàn nhã của người săn bắt hái lượm hoàn toàn biến mất. Và để lôi kéo người khác bước vào con đường nông nghiệp, con người càng phát minh thêm nhiều câu chuyện hư cấu.

Đầu tiên là chế độ quân chủ, rồi chế độ phong kiến, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Cuối cùng mọi thứ kết thúc bằng những đường biên giới, trở thành tay sai làm việc để nuôi bộ máy kinh tế của quốc gia. Chúng ta đã tự giam cầm bản thân ngay trong những bức tường vô hình.

Chúng ta phát minh ra thương hiệu và định giá cho những sản phẩm không xứng đáng. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm cũng thật sự cải thiện được cuộc sống và dần kéo chúng ta ra khỏi thời điểm khó khăn của nông nghiệp.

Ta thiết kế nên những quốc gia và nó lại đẻ thêm chiến tranh, phân biệt chủng tộc... Nhưng rồi Internet xuất hiện và định hướng lại suy nghĩ của tất cả mọi người, mọi thứ được toàn cầu hóa, chính nó đã kéo mọi người lại gần với nhau.

Liên minh châu Âu là một ví dụ, các công dân thuộc 28 quốc gia đó có thể đi qua lại dễ dàng mà không cần hộ chiếu...

Đọc để tiếp tục khám phá 

Nhưng dù những ý tưởng của Harari đều hướng về trí tưởng tượng và các hư cấu con người đã tạo ra, đáng ngạc nhiên là chính bản thân nó lại thiếu mất sự tưởng tượng.

Ví dụ, ông giải thích rằng chúng ta dựng nên tôn giáo để làm tiền đề cho sự hợp tác giữa con người với con người, nhưng ông không hề giải thích nguồn gốc của sự tưởng tượng đó.

Cuộc cách mạng nhận thức là khởi đầu của trí tưởng tượng, là bước chân đầu tiên trong cuộc hành trình bò ra khỏi vương quốc động vật đến với một thời đại văn minh.

Tại sao chuyện này lại xảy ra? Harari không có câu trả lời, nhưng dường như học thuyết Darwin đã được nhắc đến, rằng mọi thứ diễn ra dần dần theo thời gian.

Sau 30 triệu năm sống như loài linh trưởng, 2 triệu năm như một giống người, cuối cùng cột mốc của 70.000 năm trước, một tác nhân nào đó bỗng xuất hiện và ban cho chúng ta món quà tuyệt vời - trí tưởng tượng.

Ở điểm này, một vị giáo sư khác, Terrance McKenna, từng đưa ra giả thuyết: do di chứng của đợt phun trào siêu núi lửa tại Sumatra, Indonesia - hay còn gọi là Thảm họa Toba, khiến khí hậu thế giới thay đổi khác thường, không còn cảnh quan, môi trường cũ nữa, giống người bắt buộc phải thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, cả chuỗi thực phẩm bị thay đổi.

Môi trường mới gây nên sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ.

Khi tôi nghiên cứu ý kiến của Harari về giả thuyết trên, khá ngạc nhiên là trong một cuộc phỏng vấn online với Dan Ariely, Harari đã không hề muốn đề cập đến chủ đề này.

Giả thuyết của ông chỉ gồm sự nhàm chán là lý do cho việc thay đổi nhận thức, nhưng có lẽ Harari đã tập trung vào lý thuyết về sự “hư cấu” của ông nhiều hơn những gì mà chúng thực sự xuất hiện trong não của con người.

Nhưng bất luận nhiều điểm tôi chưa tán đồng với Harari, đây vẫn là một cuốn sách tuyệt diệu. Hãy đọc để khám phá thế giới chúng ta đang sống, đọc để cảm nhận thế giới vô hình ta luôn tin nó tồn tại.

Bên cạnh vài cuốn sách cũng đáng đọc không kém mà tôi nghĩ bạn nên thử lúc rảnh rỗi: Súng, vi trùng và thép của Jared Diamond, Trong chớp mắt của Malcolm Gladwell và Lược sử thời gian của Stephen Hawking.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận