Công Phượng (số 10) thi đấu nổi bật trước Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Qua những trận đã đấu, Nhật Bản cho thấy họ là đội bóng mạnh và có trình độ cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, trong bóng đá, chúng ta không thể biết trước được điều gì. Tôi cùng toàn đội sẽ chiến đấu để giành điểm trong trận này.
Tiền đạo Công Phượng
Năm 2016, Công Phượng đến CLB Mito Hollyhock (giải hạng nhì Nhật Bản) theo bản hợp đồng cho mượn từ CLB Hoàng Anh Gia Lai với thời hạn một năm. Nhưng ở chuyến xuất ngoại đầu tiên này, Công Phượng chỉ được thi đấu 80 phút suốt cả mùa giải.
Ký ức Asian Cup 2019
Dù vậy, những trải nghiệm ở Nhật cũng giúp ích cho Công Phượng trong sự phát triển chuyên môn sau đó. Thậm chí, nó còn là động lực để anh thi đấu tốt hơn trong những lần đối đầu với tuyển Nhật. Ở trận tứ kết Asian Cup 2019 (tuyển VN thua Nhật 0-1), thi đấu ở vị trí tiền đạo cắm, Công Phượng rất tự tin đi bóng dù phải đối mặt với trung vệ Yoshida dạn dày kinh nghiệm chinh chiến ở Giải ngoại hạng Anh dưới màu áo CLB Southampton (hiện anh đang chơi ở CLB Sampdoria, Ý). Trong đó, không dưới hai lần Công Phượng cầm bóng đột phá từ giữa sân làm chao đảo hàng phòng ngự Nhật Bản.
Đó chính là điều HLV Park Hang Seo muốn nhìn thấy một lần nữa ở Công Phượng trong trận gặp Nhật Bản sắp tới. Nói vậy bởi Công Phượng là cầu thủ có khả năng gây đột biến cao khi đối mặt với những hàng thủ đẳng cấp châu lục. Điều này giúp đội tuyển VN có nhiều hy vọng trong việc tìm kiếm điểm số đầu tiên ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Dùng Công Phượng thế nào?
Với 17 cầu thủ đang chinh chiến ở châu Âu, Nhật Bản là đối thủ rất mạnh. Nhưng đó cũng là vấn đề của tuyển Nhật, bởi họ chỉ có thể tập trung theo lịch FIFA Day nên có ít thời gian tập luyện cùng nhau nhằm giúp lối chơi gắn kết hơn. Hai thất bại 0-1 trước Saudi Arabia, Oman cùng hai trận thắng vất vả trước Trung Quốc 1-0 và Úc 2-1 là ví dụ rõ nét.
Trong khi đó, 4 trận thua vừa qua ở vòng loại thứ 3, ngoại trừ trận Úc thì tuyển VN đã ghi bàn vào lưới Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman. Vì vậy, chủ nhà VN vẫn có khả năng ghi bàn và kiếm điểm trước Nhật Bản. Vấn đề là ngoài việc gia cố hàng thủ, ông Park cần bố trí nhân sự phù hợp để tiếp tục phát huy khả năng tấn công của đội tuyển VN.
Do bận việc gia đình, Công Phượng chỉ góp mặt trong hai trận gặp Trung Quốc và Oman. Ở trận thua Trung Quốc 2-3, vào sân ở phút 84, Công Phượng là người khởi đầu pha tổ chức tấn công trung lộ để Quang Hải chọc khe cho Tiến Linh ghi bàn gỡ 2-2 ở phút 90.
Còn ở trận thua Oman 1-3, Công Phượng đá chính và thi đấu khá tốt. Theo thống kê, anh có 30 lần chạm bóng, 17/21 tình huống đi bóng qua người thành công (đạt tỉ lệ 81%), chuyền xa chính xác 3/3 lần, tham gia hỗ trợ đánh chặn 6 lần và có 8 lần mất bóng. Dấu ấn rõ nhất của Công Phượng là hai tình huống chuyền bóng đặt đồng đội vào cơ hội dứt điểm thuận lợi cùng cú sút xa bật cột dọc đáng tiếc ở phút 89 trước khi rời sân nhường chỗ cho Phan Văn Đức.
Với phong độ hiện tại, Công Phượng nhiều khả năng sẽ được ông Park tiếp tục trao cơ hội đá chính, thay Phan Văn Đức, ở vị trí tiền đạo trái trong sơ đồ chiến thuật 3-4-3. Nhưng có thể ông Park sẽ bố trí anh đá hộ công sau tiền đạo Tiến Linh. Cho dù đá chính hay dự bị, Công Phượng vẫn là người được chờ đợi sẽ tỏa sáng trong trận gặp Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận