Sự thua thiệt về thể hình của Văn Toàn trước hậu vệ Úc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong khoảng 25 phút cuối của hai trận cầu nói trên, đội tuyển Việt Nam đã mang lại sự hứng khởi cho người hâm mộ với lối chơi tấn công sắc sảo, bật tường nhóm ăn ý và luôn tấn công với số đông cầu thủ.
Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra sau những khoảnh khắc đầy hứng khởi đó: Tuyển Việt Nam có nên chọn lối chơi đôi công như vậy với các trận còn lại của bảng B hay không? Và đây là câu trả lời từ giới chuyên môn:
* Khó bởi thiệt thòi về thể hình
HLV Trần Minh Chiến: "Trước khi đưa ra câu trả lời là nên hay không nên đôi công, tôi xin được kể câu chuyện như sau. Nhân chuyến đi tập huấn tại Đức trước thềm vòng chung kết World Cup U20 năm 2017, đội tuyển trẻ Việt Nam có chuyến tham quan Trung tâm y học TDTT của nước chủ nhà.
Tại trung tâm này, các tuyển thủ Việt Nam được xét nghiệm các bài tập chuyên sâu về thể lực. Từ kết quả thu nhận được thông qua các phép tính hiện đại, chuyên gia của trung tâm này bất ngờ khi các thông số cho thấy cầu thủ Việt Nam không hề kém cầu thủ trẻ Đức.
Thậm chí nhiều em còn trội hơn hẳn đồng nghiệp của Đức. Tuy nhiên, đó chính là thông số về sức bền thể lực. Bóng đá là môn thể thao mang tính đối kháng cao, thường xuyên diễn ra những va chạm quyết liệt.
Trong những lần va chạm ấy, bất lợi luôn đến với các cầu thủ thấp bé nhẹ cân. Nếu cầu thủ to cao, chạy 2 bước sẽ đoạt được bóng thì cầu thủ Việt Nam phải mất tới 3 bước chạy, đồng thời phải tung hết sức.
Từ từ, những bất lợi ấy sẽ đưa đến sự sút giảm thể lực nghiêm trọng với những cầu thủ nhỏ con. Đó là lý do tại sao Việt Nam không thể chơi đôi công trước các đội bóng nhỉnh hơn mình về đẳng cấp, trình độ cùng thể hình to cao.
Do vậy, buộc chúng ta phải đá phòng thủ phản công với những tính toán hợp lý, chờ đúng thời điểm để tạo ra yếu tố bất ngờ nhằm ghi bàn vào lưới đối phương…".
Pha dứt điểm của Hà Đức Chinh vào cuối trận khi đội Úc chủ động đá chùng xuống để bảo toàn chiến thắng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Cần lối đá hiệu quả để chiến thắng
Cựu tuyển thủ Nguyễn Tuấn Phong: "Việt Nam chỉ có thể đá đôi công với các nước trong khu vực Đông Nam Á do có thể hình tương đương. Hoặc trong trường hợp được chơi trên sân nhà trước các đội bóng có trình độ ngang hay nhỉnh hơn mình một chút.
Là HLV, ai cũng muốn chơi đôi công để cống hiến trận cầu đẹp mắt. Nhưng chơi đôi công với đối thủ mạnh hơn về mọi mặt, chúng ta sẽ bị "vỡ trận" và có thể nhận nhiều bàn thua. Vì vậy, chơi đôi công với đội mạnh là lối đá mạo hiểm.
Không kiểm soát bóng tốt; biết cách gây áp lực liên tục khiến đối thủ lúng túng và sơ suất để tận dụng cơ hội ghi bàn; khi mất bóng phải biết cách vây ráp, tranh chấp mạnh mẽ để lấy lại quyền kiểm soát... Không đáp ứng các yếu tố đặt ra như vậy, chúng ta không thể đá đôi công khi đối phương mạnh hơn hẳn.
Lối đá phòng ngự phản công có chủ đích của tuyển Việt Nam đang thật sự tạo ra nhiều khó khăn cho đối phương như lời thừa nhận của HLV Arnold (Úc) sau chiến thắng tối 7-9. Tôi cho rằng đó chính là dấu ấn, là thành công đáng nhắc tới của Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 chứ không phải đi tìm câu trả lời về việc đội tuyển Việt Nam nên đá đôi công".
* Đừng ngộ nhận thực lực với sự bùng nổ
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: "Cần phải nhìn nhận thực tế rằng Việt Nam là đội yếu nhất về mọi mặt so với 5 đối thủ còn lại của bảng B. Đã yếu và lại kém về thể hình thì khó có thể áp dụng lối chơi tấn công đẹp mắt theo kiểu "ăn thua đủ" với các đối thủ hùng mạnh.
Về 25 phút cuối bùng nổ trước chủ nhà Saudi Arabua rồi đội khách Úc, chúng ta cần phải có cái nhìn thực tế vào bối cảnh lúc đó. Những lần thay người trong hiệp 2 ở hai trận này giúp cho lối chơi của Việt Nam khởi sắc hơn với những pha đi bóng lắt léo của Hồng Duy, Văn Toàn, Đức Chinh.
Bên cạnh đó là những pha dàn xếp tấn công mạch lạc, gây không ít lúng túng cho đối phương. Đó là lúc mà chủ nhà Saudi Arabia chủ động chơi chùng xuống để dưỡng sức, tránh chấn thương với lợi thế dẫn trước 3-1 và Việt Nam chỉ còn 10 người.
Họ đá chậm và bố trí đội hình thấp giúp chúng ta có khoảng trống và thời gian kiểm soát bóng nhiều hơn. Nhưng để tìm ra khe hở, lọt vào vòng cấm địa của họ là rất khó. Tối 7-9, cũng từ những lần thay người hợp lý, tuyển Việt Nam thi đấu tưng bừng trước Úc.
Nhiều người ngộ nhận khi cho rằng chúng ta đủ sức chơi đôi công sòng phẳng với đội khách. Giới chuyên môn chúng tôi không cho là vậy, bởi nhìn vào cục diện lúc bấy giờ, tuyển Việt Nam đang bị dẫn trước 0-1. Đồng thời, Úc có sự tôn trọng nhất định với chủ nhà trước những ngón phản công sắc bén, từng gây nghiêng ngửa cầu môn của họ trong hiệp 1.
Do vậy, HLV Arnold yêu cầu các tuyển thủ Úc đá chậm, bố trí khá nhiều nhân sự ở trung tuyến để đánh chặn. Thoạt nhìn thì có vẻ như Úc lép vế, xuống sức. Nhưng thật ra, họ chủ động hoàn toàn trong việc bảo vệ tỉ số mong manh trên sân Mỹ Đình để duy trì ngôi nhất bảng B.
Kém đối thủ toàn diện, Việt Nam chỉ còn cách đá phòng ngự phản công. Việc phân phối sức hợp lý, cộng với việc thay đổi nhân sự giúp tuyển Việt Nam như chiếc lò xo được nén chặt và bung ra có hiệu quả vào đúng thời điểm, tạo nên sự bùng nổ thú vị cho người hâm mộ nhà mà thôi".
FPT Play và Truyền hình FPT là đơn vị sở hữu trọn vẹn bản quyền phát sóng 60 trận đấu thuộc khuôn khổ AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar, trong đó có 10 trận tuyển Việt Nam góp mặt. Khán giả có thể theo dõi trực tiếp trọn vẹn toàn bộ giải đấu tại:
· App FPT Play: https://fptplay.vn/ung-dung/download
· YouTube:https://www.youtube.com/playlist?list=PL19gf5ZottsromUH6DXSiWV9v9xuCLDEn
· Website: fptplay.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận