Ông Dương Văn Tài - Ảnh: Tấn Đức |
Nghe ông nói có người không khỏi thắc mắc, hỏi rấn tới: “Chà, chuyện nghe lạ quá, lại có chỗ chuyên nhận xác chết nữa à?”. Chỉ chờ có vậy, ông liền móc bóp lấy giấy chứng nhận là người tình nguyện hiến thi hài sau khi qua đời cho y học có in hình và tên ông hẳn hoi.
Rồi ông giải thích cặn kẽ ý nghĩa, mục đích hiến thi hài. Nghe xong, người ta lại hỏi điều kiện, thủ tục hiến xác như thế nào. Ông lại mở cặp táp mang theo lấy mẫu đơn tình nguyện hiến xác cùng những thông tin cần biết được in trên tờ giấy A4 phân phát cho mọi người cùng xem.
Ông là Dương Văn Tài, 55 tuổi, đang làm việc tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp.
Khi mà việc hiến xác cho y học ở xứ bưng biền Đồng Tháp còn khá lạ lẫm thì gia đình anh Tài đã có người ký tên đồng ý hiến xác. Một người, hai người rồi nhiều người trong gia đình cùng đồng ý làm việc nghĩa đó. Bản thân tôi phải cúi đầu nể phục, không phải ai cũng dám nghĩ và dám làm như vậy đâu |
Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp) |
Cơ duyên
Cha ông Tài là một thầy thuốc có tiếng ở làng Hòa An, Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tên khai sinh của cụ là Dương Tự Tín, nhưng vì quen thấy ông tiêm thuốc cứu người nên dân làng thường gọi ông bằng cái tên trìu mến - ông Năm Tiêm.
Cả đời gắn bó với nghề y, tới lúc về già ông Năm Tiêm lại gọi các con đến trình bày ý nguyện: “Cha muốn mình vẫn có thể giúp ích cho đời, ngay cả khi đã theo ông theo bà. Vì vậy sau khi cha mất, các con hãy đưa thi hài cha đến trường y để những thầy thuốc tương lai ở đó có điều kiện nghiên cứu, học tập và thực hành chuyên môn”.
Nghe cha dặn, các con ông có bất ngờ, nhưng nghĩ tới bản tính cứu người của ông nên ai cũng ủng hộ quyết định táo bạo ấy.
Năm 2007 ông Năm Tiêm qua đời, gia quyến và đông đảo người dân Hòa An lần đầu tiên chứng kiến nghi thức đưa tiễn chưa từng có với sự tham gia của nhiều cán bộ, nhân viên đến từ Trường ĐH Y dược TP.HCM: thi hài người quá cố không được khâm liệm, nhập quan và chôn cất như truyền thống mà được đưa vào quan tài bằng kim loại chở về Trường ĐH Y dược TP.HCM nơi ông Năm Tiêm đăng ký hiến thi hài.
“Qua chuyến đưa tang cha, tôi được biết các thầy trò Trường ĐH Y dược TP.HCM rất mong muốn có thêm nhiều tiêu bản người thật để phục vụ công việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong môn giải phẫu học, sinh viên rất cần thi hài thật để trực tiếp mổ và thực tập các bài học nên tôi đã nghĩ ngay tới việc đăng ký hiến thi hài cho y học” - ông Tài kể.
Nhận giấy chứng nhận tự nguyện hiến thi hài sau khi qua đời vào năm 2008 thì bốn năm sau, ông Tài tiếp tục đăng ký và nhận chứng nhận đăng ký hiến mô, cũng với mong muốn được giúp đỡ những người có nhu cầu cấy ghép.
“Vận động được hơn 60 người”
Ông Tài tâm sự: “Bản thân mình đăng ký hiến thi hài, hiến mô đã có ý nghĩa, nhưng sẽ càng vui hơn khi vận động được nhiều người làm như mình”.
Thực hiện mong muốn đó, ông Tài đã sưu tầm mẫu đơn đăng ký hiến thi hài, hiến mô, tạng cùng nhiều tài liệu nói về ý nghĩa, nhu cầu và những điều cần biết cho người có ý định hiến sau khi qua đời. Tất cả tài liệu này được ông nhân thành nhiều bản để ở bốn nơi: nhà riêng, nhà cha mẹ ruột, bàn làm việc tại cơ quan và trong chiếc cặp luôn mang theo bên mình để khi có người cần ông cho ngay.
“Vận động mọi người hiến xác là chuyện vô cùng tế nhị và phức tạp, bởi điều đó đụng chạm đến tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan...” - ông Tài nói.
Nhưng bằng cách nói chuyện chân thành, cung cấp những thông tin cần thiết để mọi người suy nghĩ, lựa chọn và quan trọng hơn lấy câu chuyện của bản thân mình đã tham gia ra làm bằng chứng, hơn bảy năm qua ông Tài đã lần hồi vận động được hơn 60 người đăng ký hiến xác sau khi qua đời.
Trong số này có anh chị em ruột, vợ, mẹ ruột, mẹ vợ và nhiều anh chị em bên vợ. Nhiều người là bạn bè, đồng nghiệp sau khi biết câu chuyện tình nguyện hiến thi hài của gia đình ông cũng tham gia.
“Qua anh Tài tôi càng thấm ý nghĩa cao đẹp của việc hiến thi hài. Và từ đó tôi đã vận động thêm tám người trong gia đình đăng ký tham gia hiến thi hài cho y học sau khi qua đời” - ông Phạm Đình Huy, cán bộ Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh tỉnh An Giang, cho biết.
Một tình nguyện viên khác, ông Bùi Văn Thiện, 78 tuổi, ngụ xã Hòa An, TP Cao Lãnh, cũng bày tỏ: “Câu chuyện hiến xác của cha con ông Tài đã giúp tôi mạnh dạn đăng ký hiến thi hài cho y học khi quá vãng và qua việc làm này tôi mong muốn được giúp ích cho việc học tập của các cháu đang theo học ngành y, để sau này sẽ trở thành những thầy thuốc giỏi cứu người”.
Hằng ngày ngoài giờ làm việc ở ngân hàng, người đàn ông có gương mặt trầm tĩnh, luôn mẫn cán với công việc chuyên môn vẫn âm thầm làm “tuyên truyền viên” hiến thi hài cho những người quen lẫn lạ.
Lúc có điều kiện, ông lại đón xe khách đến Trường ĐH Y dược TP.HCM để thăm viếng cha ruột và hai người mẹ (mẹ ruột và mẹ vợ) - những người đã gửi thân mình lại với đời, với tâm nguyện nối dài thiện ước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận