Nguyễn Vũ Thị Hương - cựu học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên - thi tốt nghiệp THPT được 23,5 điểm tổ hợp khối C và điểm tốt nghiệp trung bình đạt 8,46. Chưa kể Hương sở hữu học bạ đẹp với ba năm là học sinh giỏi từ lớp 10 đến 12.
Học nghề vì phí thấp
Dù vậy Hương chọn học cao đẳng và nộp hồ sơ vào Trường cao đẳng Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn ngành thiết kế đồ họa. Hương không đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Lý do chính của Hương là học phí. Hương chia sẻ kinh tế gia đình không dư giả. Mẹ đi bán vé số, cha đi phụ hồ. Hương tính toán học phí tại phần lớn trường đại học hiện nay tương đối quá sức với gia đình bạn, kể cả nhiều trường đại học công lập.
Trường cao đẳng Hương dự định theo học thu học phí 7,8 triệu đồng/học kỳ, học trong bảy học kỳ. "Trong khi lựa chọn các trường cao đẳng, mình cũng rất quan tâm đến học phí. Mình sẽ ưu tiên cân nhắc những trường công khai học phí đầy đủ, rõ ràng trên website. Nhiều trường công bố mập mờ học phí, mình sẽ bỏ qua", Hương nói.
Trong khi đó, Mai Đăng Khoa - cựu học sinh Trường THPT Ea H'leo (Đắk Lắk) - đã bắt đầu vào học chương trình cao đẳng nghề công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn từ ngày 14-7.
Khoa không chờ Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu chờ đến khi có điểm thi, kết quả ba môn trong tổ hợp đạt 22 điểm, Khoa có khả năng trúng tuyển không ít trường đại học. Tuy nhiên Khoa đã hoàn tất hồ sơ đăng ký vào trường cao đẳng từ sau Tết 2024.
Khoa nói: "Điều mình quan tâm nhất là học đúng ngành yêu thích. Mình thích ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, sau này có thể làm việc tại các garage xe. Còn bậc học nào với mình không quan trọng vì mỗi bậc học đều có một lợi thế riêng".
Muốn sớm được đi làm
Nhanh có việc làm là mối quan tâm lớn nhất của Nguyễn Thị Thu Nguyệt - cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thìn (Tiền Giang) khi chọn vào học ngành kế toán tại Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM thay vì đăng ký xét tuyển đại học năm nay.
Nguyệt là học sinh giỏi ba năm liền tại trường phổ thông cũ, cũng đủ điều kiện trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ vào ngành giáo dục tiểu học tại Trường đại học Đồng Tháp. Nhưng Nguyệt chọn học cao đẳng.
"Mình muốn được sớm đi làm. Mặc dù gia đình không phải khó khăn nhưng mình có cảm giác thích hoàn thành việc học sớm và đi làm sớm. Đi làm sớm cho mình nhiều kinh nghiệm hơn. Có việc làm sớm cũng an tâm hơn. Sau khi đi làm khoảng một thời gian, đến lúc cần thiết học lên cao mình sẽ tiếp tục học tiếp lên đại học", Nguyệt nói.
Tương tự, Nguyễn Đào Trọng Nghĩa - cựu học sinh Trường THPT Mỹ Hương (Sóc Trăng) - xem định hướng ra trường có việc làm và phát triển được sự nghiệp của mình là quan trọng nhất khi chọn ngành, chọn trường.
Nghĩa tâm sự suy nghĩ này giúp bạn rốt cuộc đứng vững trước một số ý kiến của bạn bè về chuyện vì sao mình lại học cao đẳng thay vì đại học. Nhất là khi Nghĩa thi tốt nghiệp THPT đạt 25,5 điểm ba môn tổ hợp khối C.
Nghĩa cho biết lộ trình bạn định hướng cho bản thân là học tiếng Nhật tại một trường cao đẳng có liên kết quốc tế. Sau khi hoàn thành xong chương trình, trường sẽ hỗ trợ kết nối cho Nghĩa sang Nhật làm việc. Nghĩa mong muốn có thể bắt đầu sự nghiệp của mình tại Nhật.
"Mình thấy học ở bậc học nào thì sau khi học xong cũng phải cố gắng tự mày mò học tiếp. Dù là học cao đẳng hay đại học, không thể dùng những kiến thức 3, 4 năm đó để làm việc cho mấy mươi năm sau này. Nếu đã có ý thức luôn học hỏi, luôn tiến bộ thì bạn sẽ thấy lựa chọn đại học hay cao đẳng không còn quan trọng nữa" - Nghĩa nói.
ThS Trần Công Nam - phó hiệu trưởng điều hành Trường cao đẳng Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn - chia sẻ những năm gần đây ghi nhận số lượng tăng dần các thí sinh có thành tích học tập tốt những năm cấp III hoặc có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao vào học cao đẳng.
Để thu hút thêm những thí sinh học giỏi, nhà trường triển khai các suất học bổng 50-80% học phí cho những bạn học sinh giỏi ba năm liền hoặc có điểm thi tốt nghiệp THPT cao. Năm 2024, số lượng thí sinh đăng ký nhận học bổng này vượt số lượng dự tính ban đầu của trường là 200 suất.
Ông Nam nhìn nhận biến chuyển này đến từ sự thay đổi trong nhận thức của nhiều thí sinh và phụ huynh. Trước hết, nhiều bạn muốn học nhanh, sớm ra trường đi làm. Thứ hai, một số bạn muốn tìm trường có mức học phí phù hợp hơn với bản thân.
Cuối cùng là về chuyện bằng cấp, rất nhiều bạn nhận thấy bằng cấp không còn quá quan trọng, thay vào đó nhà tuyển dụng yêu cầu nhiều hơn về kiến thức, kỹ năng của ứng viên. Đặc biệt ngày nay, các bạn rất dễ dàng có thể đi làm sau đó học liên thông lên đại học nếu có nhu cầu.
Phù hợp là lựa chọn tốt nhất
Ông Trần Hùng Phong, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, cho rằng sẽ không có lựa chọn nào tốt hơn, đại học hay cao đẳng, mà chỉ có lựa chọn phù hợp.
Ông Phong nhấn mạnh sự phù hợp trước hết là thí sinh phải hợp với ngành mà mình muốn học chứ không phải trường hay bậc học. Ngành học phải tương xứng được sở thích, sở trường của các bạn, sau đó là có nhu cầu xã hội.
Ông Phong chia sẻ thêm khi chọn trường và bậc học, thí sinh dựa vào những tiêu chí như học nhanh ra làm ngay hay học rộng, học sâu; muốn học thực hành nhiều hay thiên về hướng nghiên cứu; điều kiện kinh tế của gia đình…"Tuy nhiên suy cho cùng các bạn sẽ thể hiện được bản thân tốt nhất nếu học đúng ngành phù hợp" - ông Phong nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận