Đề thi môn ngữ văn năm nay cũng giống hai năm trước, được gắn theo chủ đề riêng và vẫn giữ cấu trúc ba câu với kết cấu điểm như những năm trước. Đề thi được khen có độ mở cao, sáng tạo, lạ nhưng bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến quan ngại về ngữ liệu, cách trình bày, độ mở của đề.
Mở nhưng đừng mở quá
Là giáo viên môn ngữ văn dạy ôn thi cho học sinh lớp 9 tại TP.HCM, thầy H. cho biết sau khi học sinh đi thi về, thầy nhận được nhiều phản hồi của học sinh. "Nhiều em nói các em không hiểu một số yêu cầu của đề. Khách quan, tôi cũng thấy hình thức của đề văn năm nay hơi rườm rà, ngữ liệu dài dù đề mở và dành nhiều đất cho các em tự do thể hiện".
Thầy H. thừa nhận đề ngữ văn kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM lâu nay được khen là sáng tạo, hay trong cách ra đề và thường được nhiều nơi học hỏi, tham khảo. Tuy nhiên, đề văn năm nay hơi "lạ" và có độ mở quá nhiều.
"Mặc dù sở đã có định hướng ra đề, ôn thi, cấu trúc đề quen thuộc nhưng ngữ liệu mới ở câu 1 và câu 3 không dẫn giải cụ thể về một tác phẩm nào như năm nay là bất ngờ với thí sinh. Tôi cho rằng câu 3 năm nay vẫn nên để như đề thi năm ngoái sẽ hợp lý hơn. Một câu nên có một tác phẩm cụ thể, một câu nên để mở cho các em chọn lựa, như vậy sẽ tốt hơn. Đề mở nhưng đừng quá "mở" như năm nay thì sẽ trọn vẹn hơn" - thầy giáo này nhận xét.
Không nên tự viết ngữ liệu
Khá đề cao định hướng ra đề, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét: "Ngữ liệu của đề thi lớp 10 năm nay vừa có cái tích cực nhưng cũng có những hạn chế của nó".
Theo thầy Khôi, khi chúng ta xác định một chủ đề để ra đề thi thì sẽ khó tìm ngữ liệu để đáp ứng điều đó. Ví dụ, trong đề văn này là "Những suy nghĩ cất lên thành lời..." thì kiếm văn bản phục vụ cho chủ đề này là không dễ. Người ra đề đã chủ động viết một văn bản phục vụ cho chủ đề đó là đúng về nguyên tắc.
Nhưng trong yêu cầu về lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu, cần đáp ứng các tiêu chí như tính chuẩn mực, tính chính thống và nguồn gốc rõ ràng. Áp các tiêu chí này cho đề thi năm nay thì có thể thấy người ra đề đã vi phạm về nguyên tắc lựa chọn ngữ liệu.
Nếu yếu tố này được khuyến khích thì sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên sẽ tự viết rất nhiều và không chịu tìm kiếm nữa. Bởi khả năng giáo viên tự viết sẽ dễ hơn rất nhiều. Như vậy nó cổ xúy cho việc làm không hay.
Thầy Khôi còn cho rằng câu nghị luận văn học trong câu 3 cả ở đề 1 và đề 2 lạc sang chủ đề khác. Một cái là chủ đề yêu nước, một cái là chủ đề về gia đình. Dù người ra đề có giải thích thế nào thì chúng ta cũng phải nói rằng hai chủ đề đó không phải là chủ đề lớn đã được viết trên toàn bộ đề văn "Những suy nghĩ cất lên thành lời...". Đó là những chủ đề riêng mà người ra đề cố tình gán ghép khiên cưỡng vào đề thi.
nghị luận văn họcNên bớt tính đánh đố
Mặc dù cho rằng đề ngữ văn có độ mở và độ sáng tạo cao, nhưng bên cạnh những ưu điểm của đề thi, một giảng viên khoa văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng đề văn sẽ tốt hơn nếu khắc phục việc không trích nguồn trong câu 1. Đề 2 của câu 3 chỉ có hình thức một bức ảnh thông báo.
Điều này sai về mặt logic, vì rõ ràng nó chỉ là bức ảnh, và đối với đối tượng học sinh thi vào cấp học mới (đặc biệt học sinh THCS thi vào cấp THPT, tức là lứa tuổi còn vị thành niên), và không phải là một cuộc thi học sinh giỏi nào đó, thì đề thi rất cần có câu lệnh rõ ràng để nó đi bớt tính đánh đố đối với thí sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận