Một học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM ôn thi trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG
Phương án kết hợp giữa thi và xét tuyển sẽ được tiến hành ra sao, và làm sao để đảm bảo công bằng và phù hợp với đặc thù của TP.HCM?
Trường "hot" thi, trường thường xét
TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: "Tuyển sinh lớp 10 trong tình hình dịch bệnh kéo dài thì phải có cách. Trước đây khi tôi còn làm, cách xét chỉ dành cho huyện ngoại thành vì đó là khu vực trường lớp đầy đủ, đảm bảo được yêu cầu đó. Còn nội thành thì độ chọi cao hơn, buộc phải tính cho phù hợp".
Tương tự, tiến sĩ giáo dục Lê Vinh Quốc - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nhận định trong tình hình dịch diễn biến khó lường, phương thức tuyển sinh lớp 10 nào cũng phải tính toán và đặt ra. Ông Vinh ủng hộ cách vừa xét tuyển vừa thi.
"Trong lúc dịch giã chưa biết thế nào, nếu thi tuyển sẽ rất rắc rối vì không biết đến bao giờ thực hiện được, xét tuyển thì lại không công bằng vì chắc chắn một điều rằng học bạ là không đáng tin cậy.
Theo tôi, một giải pháp hay, công bằng, an toàn, hợp lòng là vừa thi tuyển vừa xét tuyển. Xét tuyển với các trường THPT bình thường, có tỉ lệ đầu vào thấp, trung bình. Còn các trường có tỉ lệ chọi cao thì nên tổ chức thi" - ông Vinh nói.
Có thể lùi tới tháng 9
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Kim Dung, viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt, cho rằng mỗi phương án đều có ưu và nhược, muốn chọn phương án nào thì phải nhìn vào mục tiêu tuyển sinh lớp 10. Bà Dung nhìn nhận những năm gần đây thi vào lớp 10 căng thẳng và thu hút sự chú ý của phụ huynh nhiều hơn là thi đại học.
"TP.HCM có mấy lần chuyển sang xét tuyển, gây tranh cãi nên đưa về một mối là thi. Nay mới đầu tháng 6, còn quá sớm để quyết định phương án xét tuyển vì có thể nảy sinh tiêu cực và tranh cãi về tính công bằng.
Một số trường do cạnh tranh cao dẫn tới tiêu cực. TP lại chưa chuẩn bị kỹ càng cho việc xét tuyển. Ở góc độ nào đó, có thể lùi kỳ thi tới tháng 9 cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chuyện học của các con vì thi xong dịch bệnh cũng không đến trường được" - bà Dung phân tích.
Bà Dung gợi ý ba phương án: "Thứ nhất là phân luồng với học sinh không thi, các em tốt nghiệp lớp 9, không tha thiết thi tuyển thì đăng ký xét tuyển vào một số trường. Thứ hai, với các trường "hot" thì phải thi vì đó là sự công bằng, là sứ mệnh của học sinh. Thứ ba, vừa thi tuyển vừa xét, vì có trường có một số lớp cho thi để lấy điểm xét".
Theo bà Dung, trước khi tổ chức xét tuyển, TP.HCM, Sở GD-ĐT cần có lộ trình rõ ràng để phụ huynh an tâm. Trong bối cảnh có nhiều phương án, nếu không lên kế hoạch là chuẩn bị cho sự thất bại. Và để phụ huynh, nhà trường không quá bất ngờ thì TP cần chuẩn bị và truyền thông đúng, đặc biệt về tâm lý, để kỳ thi bớt căng thẳng.
Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển từ thi sang xét
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý với đề nghị của Sở Giáo dục và đào tạo về điều chỉnh phương thức tuyển sinh lớp 10 từ "thi tuyển" sang "xét tuyển". Lý do là bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, an toàn, ổn định tâm lý cho học sinh.
Ngày 1-6, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản đề xuất với UBND tỉnh này xin phép điều chỉnh phương thức tuyển sinh lớp 10 các trường THPT từ "thi tuyển" sang "xét tuyển" theo kết quả học tập, rèn luyện, đạo đức của các năm lớp 6, 7, 8 và 9 của học sinh.
Riêng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vẫn được tổ chức vào các ngày 3, 4 và 5-6.
ĐÔNG HÀ
Hà Nội giữ nguyên lịch
Hà Nội tính tới thời điểm hiện tại vẫn duy trì thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 10 và 11-6. Hà Nội có trên 93.000 thí sinh dự thi vào lớp 10, với 4.500 phòng thi ở 190 điểm thi.
Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường thông báo học sinh lớp 9, lớp 12 không ra khỏi thành phố cho tới khi các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT kết thúc.
Học sinh thuộc diện này cũng được khuyến cáo hạn chế di chuyển, tiếp xúc người ngoài gia đình để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tham dự kỳ thi cũng như tiềm ẩn lây lan dịch trong thời gian diễn ra các kỳ thi.
Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang và Nam Định lùi lịch thi đến ngày 27 và 28-7, sau thời điểm thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, Bắc Giang dự kiến kỳ thi diễn ra ngày 3 và 4-6, còn Nam Định là 15 và 16-6. Tỉnh Thái Bình dời lịch thi đến ngày 19 và 20-6, chậm hơn lịch cũ 11 ngày.
Các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Điện Biên, Hải Dương chưa xác định được lịch mới. Trước đó, các tỉnh này đều đã chốt lịch thi vào lớp 10 vào nửa đầu tháng 6-2021.
VĨNH HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận