Giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM hướng dẫn phụ huynh cách ghi hồ sơ tuyển sinh lớp 10 năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là câu hỏi được đặt ra nhiều trong các buổi họp phụ huynh học sinh lớp 9 về tuyển sinh lớp 10 những ngày gần đây.
Phụ huynh bối rối
Bà Nguyễn Thị Hồng - phụ huynh ở Q.5 (TP.HCM) - bộc bạch: "Bé lớn nhà tôi thi tuyển vào lớp 10 cách đây hai năm. Hồi đó, việc chọn trường THPT rất dễ dàng vì chỉ cần lấy điểm cuối học kỳ 2 của học sinh, nhân hệ số như cách tính điểm tuyển sinh lớp 10 rồi so sánh với điểm chuẩn vào lớp 10 của năm trước là chọn được trường phù hợp.
Năm nay thì không thể làm theo cách này vì môn toán, văn không nhân hệ số nữa. Con tôi cứ nằng nặc xin mẹ cho thử sức một lần. Lực học của cháu chỉ ở mức khá, tôi khuyên con nên đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trần Khai Nguyên nhưng cháu muốn thi vào Trường THPT Bùi Thị Xuân. Nó còn phân tích là con có thế mạnh môn tiếng Anh, sẽ dễ dàng thi đậu".
Cô Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở Q.Gò Vấp - cho biết: "Đặc điểm chung của học sinh ở nội thành TP.HCM là các em đều được học tiếng Anh từ tiểu học, mầm non nên đa số học sinh của tôi học rất tốt môn tiếng Anh. Tuy nhiên, đối với môn toán và ngữ văn thì lực học của các em khác nhau. Điều đáng nói là nhiều em lầm tưởng cứ giỏi tiếng Anh là có thể đậu vào các trường nổi tiếng vì vị thế môn tiếng Anh đã được nâng lên".
Trong khi đó, thầy B. - giáo viên chủ nhiệm ở Q.7 - chia sẻ: "Tôi tư vấn cho học sinh chọn trường theo kiểu chắc ăn. Tức là học sinh giỏi, xuất sắc mới đăng ký vào các trường THPT tốp đầu. Học sinh khá chỉ nên chọn trường tốp giữa, học sinh trung bình chọn trường ở tốp cuối.
Đặc biệt, tôi khuyên học sinh không nên "thử sức" dù nhiều phụ huynh không hài lòng về vấn đề này. Bởi theo tôi, "thử sức" rất dễ rơi vào tình trạng "xôi hỏng bỏng không". Việc học tập - tích lũy kiến thức là một quá trình lâu dài chứ không thể ráng trong vài ngày là chuyển từ khá sang giỏi được".
Về vấn đề trên, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - đưa ra lời khuyên: "Học sinh giỏi tiếng Anh là một lợi thế nhưng không phải tất cả. Khi đăng ký chọn trường THPT để thi tuyển vào lớp 10, các em cần căn cứ vào học lực của cả ba môn toán, văn và ngoại ngữ. Còn điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 các năm trước thì chỉ để tham khảo mà thôi".
Kinh nghiệm chọn nguyện vọng
So với các năm trước, lần đầu tiên Hà Nội cho phép học sinh dự tuyển vào lớp 10 có ba nguyện vọng vào trường THPT công lập khối không chuyên (các năm trước hai nguyện vọng). Nếu tính cả các nguyện vọng vào bốn trường THPT chuyên của Hà Nội, nguyện vọng vào các chương trình đặc biệt khác thì mỗi thí sinh có thể có 15 nguyện vọng. Trong đó với cách bố trí dự thi như hiện nay, một thí sinh có khả năng dự tuyển và đỗ đến tám nguyện vọng.
"Năm nay có thêm nguyện vọng nhưng lại không cho phép học sinh được đổi nguyện vọng sau khi công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi và chỉ tiêu. Điều này khiến phụ huynh đau đầu lo chọn trường. Bởi sự lựa chọn chủ yếu dựa vào sức hút của các nhóm trường trong những năm gần đây chứ không thể dự đoán được tỉ lệ chọi vào những trường định đăng ký. Nên nếu có đột biến sẽ không xoay xở được" - chị Lê Hương, một phụ huynh có con đang học lớp 9 ở quận Tây Hồ, chia sẻ.
Chị Hương cũng cho biết gia đình chị đã quyết định xin cho con chuyển khu vực tuyển sinh sang quận Cầu Giấy vì đây là quận có nhiều lựa chọn ở mỗi tốp trường hơn.
Trong group của một nhóm phụ huynh lớp 9 Trường THCS Đống Đa, một số phụ huynh cũng lo lắng vì có thêm nguyện vọng nhưng sức nóng vào các trường tốp đầu không giảm. Trong khi nhóm trường này trên 90% tuyển sinh nguyện vọng 1 và cho dù có dành chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 thì cũng khó có học sinh đỗ do điểm chuẩn của các trường tốp đầu ở các khu vực tuyển sinh thường cách biệt trên dưới 2 điểm so với tốp giữa.
Trong khi đó, theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, điều kiện để được tuyển theo nguyện vọng 2 là phải có điểm thi cao hơn điểm chuẩn (nguyện vọng 1) của trường ít nhất 1 điểm. Tương tự, điều kiện để đỗ nguyện vọng 3 là điểm thi phải cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 2 điểm.
Một kinh nghiệm nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 các năm trước đã rút ra là không nên chọn hai nguyện vọng với các trường cùng tốp hoặc có điểm chuẩn hằng năm chênh lệch không đáng kể. Có nghĩa nếu nguyện vọng 1 chọn 1 trường trong tốp đầu thì sẽ không nên chọn nguyện vọng 2 vào trường cận tốp đầu, có mức điểm chuẩn chỉ chênh ở tầm trên dưới 2 điểm. Lựa chọn an toàn sẽ là nguyện vọng 1 vào trường tốp đầu hoặc cận tốp đầu, và các nguyện vọng sau chọn trường tốp dưới.
Học sinh dự thi tuyển vào lớp 10 năm 2020 tại Hà Nội - Ảnh: HÀ LINH
Các trường tốp đầu vẫn hút
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, tốp 10 trường có mức điểm chuẩn cao trong toàn thành phố là THPT Chu Văn An (điểm chuẩn năm 2020 là 43,25), THPT Kim Liên (41,50), Phan Đình Phùng (40,50), Thăng Long (40,50), Yên Hòa (40,25), Việt Đức (40,0), Lê Quý Đôn Hà Đông (40,0), Nguyễn Gia Thiều (39,75), Nguyễn Thị Minh Khai (39,75), Nhân Chính (39,25).
Năm học 2021-2022, chỉ tiêu cho tốp trường này hầu hết giữ nguyên hoặc tăng nhẹ. Cụ thể chỉ tiêu các trường THPT Kim Liên, Thăng Long, Việt Đức, Nhân Chính, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Thị Minh Khai đều tăng. Các trường còn lại giữ ổn định. Về lý thuyết, cơ hội có thể sẽ tăng ở tốp trường "hot" này. Nhưng trên thực thế, sức nóng sẽ vẫn rất gắt ở tốp này do đây là tốp tập trung nhiều học sinh có học lực khá, giỏi. Bởi thế, cơ hội sẽ ít hơn đối với những học sinh có lực học khá, phong độ không ổn định.
"Để việc chọn trường hiệu quả hơn, có nghĩa cơ hội chia đều cho ba nguyện vọng vào trường THPT công lập thì với những học sinh có lực học giỏi, chắc chắn cần chọn nguyện vọng 1 ở trường tốp đầu, nguyện vọng 2 là các trường đứng đầu trường tốp dưới và nguyện vọng 3 là trường ở cuối tốp giữa.
Hoặc nếu không chắc chắn, có thể chọn trường ở giữa hoặc cuối tốp đầu cho nguyện vọng 1, các nguyện vọng sau chọn các trường thường có điểm chuẩn cách biệt với trường đã chọn làm nguyện vọng 1 từ 1-3 điểm", một hiệu trưởng trường THPT chia sẻ quan điểm về lựa chọn nguyện vọng.
Từ phân tích trên có thể thấy mặc dù học sinh dự thi vào lớp 10 năm nay có thêm nguyện vọng nhưng cơ hội chủ yếu tăng vào các trường tốp dưới. Trong khi kỳ vọng của nhiều phụ huynh vẫn là con phải đỗ nguyện vọng 1.
TP.HCM: ngày 5-5 công bố số liệu học sinh đăng ký
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Từ nay đến 28-4, học sinh lớp 9 sẽ tìm hiểu về tuyển sinh lớp 10 và đăng ký nguyện vọng. Các em được đăng ký ba nguyện vọng vào lớp 10 thường, bốn nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên trong trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Trần Đại Nghĩa. Nếu học sinh không đăng ký thi lớp 10 chuyên thì có thể đăng ký thêm hai nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp".
Theo ông Nam, đợt đăng ký nguyện vọng lần này có thể coi là đợt đăng ký nháp. Vì dự kiến ngày 5-5, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ công bố số liệu tổng hợp ban đầu về việc học sinh đăng ký dự thi vào từng trường THPT. Sau đó, phụ huynh và học sinh có sáu ngày để điều chỉnh nguyện vọng, nếu muốn.
Hà Nội: trường tư "nóng" không kém trường công
Hà Nội hiện có 109 trường THPT công lập, 91 trường dân lập. Năm học này có hơn 70.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó 50.000 em sẽ vào học ở trường công lập và 20.000 em sẽ vào học ở trường dân lập.
Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép khối trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập áp dụng đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh (xét học bạ, xét theo điểm thi) nhưng một số trường cũng có độ nóng không kém gì trường công lập. Cụ thể, Trường THPT dân lập Marie Curie, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, THCS&THPT Lương Thế Vinh, THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT dân lập Anhxtanh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận