Thông tin từ Sở Giáo dục đào tạo TP.HCM cho biết sở sẽ đề xuất với UBND TP thí điểm không phân tuyến khi tuyển sinh lớp 1, lớp 6 trong năm học 2023-2024.
Theo đó, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp địa phương sẽ bố trí chỗ học cho học sinh lớp 1, lớp 6 dựa vào nơi cư trú thực tế của gia đình các em, không phân biệt hộ khẩu hay địa giới hành chính phường, xã.
Thí điểm tại ba địa phương
Một cán bộ Sở Giáo dục đào tạo TP.HCM giải thích rõ hơn về kế hoạch tuyển sinh mới như sau: "Tức là học sinh sẽ được học trường gần với nơi mình ở nhất. Việc bố trí chỗ học cho học sinh đầu cấp sẽ có sự hỗ trợ của hệ thống bản đồ GIS để xác định đoạn đường từ nhà học sinh đến trường.
Trước đây việc tuyển sinh lớp 1, lớp 6 bằng hình thức phân tuyến dựa trên địa giới hành chính phường, xã cũng đã bộc lộ một số nhược điểm. Trước mắt, sở xin thí điểm cách làm trên tại ba địa phương là TP Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình. Các quận huyện còn lại vẫn tuyển sinh bằng hình thức phân tuyến theo địa giới hành chính phường, xã nhưng cũng không yêu cầu học sinh phải có hộ khẩu hay giấy tạm trú như trước".
Với thông tin này, một cán bộ Phòng Giáo dục đào tạo quận Tân Bình cho hay: "Hiện nay UBND quận Tân Bình đã có văn bản chỉ đạo UBND các phường phối hợp với lực lượng công an rà soát số học sinh trong độ tuổi vào học lớp đầu cấp trên địa bàn.
Các dữ liệu có liên quan đến học sinh sẽ được cập nhật đầy đủ như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, mã định danh... Dựa trên những dữ liệu này, Phòng Giáo dục đào tạo sẽ tham mưu UBND quận để phân bố chỗ học cho các học sinh, không phân biệt diện thường trú hay tạm trú".
Còn ở quận 8, ông Dương Văn Dân, trưởng Phòng Giáo dục đào tạo quận, giải thích: "Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến.
Phụ huynh sẽ không phải chạy đi chạy lại để bổ sung giấy tờ, xác nhận nhập học cho con em. Thay vào đó, họ chỉ khai báo một lần với cán bộ khu phố hoặc công an khu vực. Tôi cho rằng việc tuyển sinh theo cách mới có nhiều ưu điểm, đó là học sinh được học ở gần nơi ở thực tế của mình".
Phụ huynh hồ hởi
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc đổi mới phương pháp tuyển sinh đầu cấp, anh Nguyễn Văn Hoàng, phụ huynh ở TP Thủ Đức, bày tỏ sự ủng hộ.
"Năm nay con út nhà tôi vào lớp 1 nên tôi rất mong đề xuất trên sẽ đi vào hiện thực. Bởi gia đình tôi ở trọ, không có hộ khẩu nên cách đây năm năm, bé lớn bị phân tuyến vào học lớp 1 ở trường rất xa nhà. Hằng ngày, tôi đưa con đi học thường xuyên gặp cảnh kẹt xe nên phải mất từ 20 - 30 phút mới đến được trường.
Trong khi đó, từ khu trọ nhà tôi chỉ việc băng qua bên kia đường là có ngay trường tiểu học. Khổ nỗi, trường đó lại nằm trên địa bàn phường khác. Bây giờ nếu con tôi được học tại trường đối diện khu nhà trọ thì quá thuận lợi, chỉ đi năm phút là đến trường" - anh Nguyễn Văn Hoàng nói.
Tương tự, chị Ngọc Hà - phụ huynh ở quận Tân Phú - cũng chia sẻ: "Tôi đọc báo và thắc mắc tại sao Sở Giáo dục đào tạo không đề xuất thí điểm ở quận Tân Phú? Bởi hiện tại con em chúng tôi phải đi học khá xa. Chưa kể, gia đình tôi có hộ khẩu ở huyện Hóc Môn nhưng ở quận Tân Phú. Thế là con tôi không được ưu tiên như những cháu có hộ khẩu ở Tân Phú.
Thế nên cũng cần ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục khi năm nay không yêu cầu phụ huynh phải đi xin giấy tạm trú, không phân biệt học sinh có hộ khẩu hay không. Việc phân bố chỗ học dựa vào chỗ ở thực tế của học sinh là rất phù hợp với điều kiện như hiện nay của TP và cũng hợp lòng chúng tôi".
Phải có mã định danh
Phát biểu tại buổi họp giao ban với các phòng Giáo dục đào tạo và hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục đào tạo TP.HCM - thông tin năm nay tất cả các quận huyện trên địa bàn TP đều thực hiện tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến.
"Cha mẹ học sinh sẽ kiểm tra thông tin và xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp của sở. Đầu tháng 5-2023 các đơn vị liên quan sẽ rà soát cơ sở dữ liệu ngành để phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp đối với lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6.
Phụ huynh nào chưa kê khai thông tin của con em mình thì lên UBND phường, xã để kê khai. Trong đó, ngoài các thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở thì bắt buộc phải có mã định danh của trẻ" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Ban giám hiệu đỡ... áp lực mùa tuyển sinh
Hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM kỳ vọng nếu việc sắp xếp chỗ học cho học sinh lớp 1, lớp 6 được thực hiện thì tình trạng chạy hộ khẩu để chạy trường sẽ bị triệt tiêu.
"Ban giám hiệu trường chúng tôi cũng đỡ áp lực vào mùa tuyển sinh. Có năm trường chúng tôi phải nhận cùng lúc 14 em học sinh có hộ khẩu ở cùng một địa chỉ nhà. Khi đi xác minh thì được biết thực tế nhà đó không có cháu nào trong độ tuổi đi học ở đó cả.
Thế nhưng, với cách tuyển sinh dựa vào hộ khẩu và phân tuyến theo địa giới hành chính phường, học sinh có hộ khẩu ở phường nào thì được phân tuyến vào học ở ngôi trường trú đóng trên địa bàn phường đó, chúng tôi phải nhận hết các em vào học chứ không được từ chối. Trong khi đó, nhiều em cư trú ngay gần trường nhưng không có hộ khẩu đành ngậm ngùi đi học ở trường khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận