Tại buổi sơ kết, ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá: "Nhìn chung việc thực hiện chuyển đổi số trong tuyển sinh đầu cấp năm vừa qua là thành công. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa được, cần rút kinh nghiệm".
Tự ghi địa chỉ để vào trường tốt
2023 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến 100% ở các khâu và các cấp học.
Trong đó cha mẹ học sinh thực hiện hai giai đoạn kiểm tra thông tin tuyển sinh và xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT. Sau khi xác nhận nhập học trực tuyến, bước cuối cùng phụ huynh mới nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại trường. Như vậy, tất cả các thông tin về học sinh đều phải được khai báo hoặc cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành giáo dục TP.
Ngoài ra TP.HCM còn thí điểm áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS) tại TP Thủ Đức, quận 8 và Tân Bình. Tức là việc sắp xếp chỗ học cho học sinh sẽ phụ thuộc vào nơi ở hiện tại của gia đình, bảo đảm học sinh được học tại trường gần nơi cư trú.
Theo sở, các quận huyện đều đạt được chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng khung thời gian ban hành và có tỉ lệ nhập học đạt trên 90%. Tất cả trẻ em trong độ tuổi tuyển sinh đều có chỗ học và đúng theo địa bàn cư trú.
Việc tuyển sinh trực tuyến làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ và tránh tối đa việc di chuyển nhiều lần cho người dân trong suốt thời gian đăng ký tuyển sinh.
"Tuy nhiên thực tế đã xảy ra tình trạng một số phụ huynh muốn con được học ở trường nổi tiếng nên ghi đại địa chỉ cư trú ở gần trường đó. Khi học sinh đã được phân bổ vào trường và khi phụ huynh đi nộp hồ sơ nhập học cho con thì trường mới kiểm tra và phát hiện sai địa chỉ.
Chưa kể hiện việc xin giấy tạm trú rất dễ dàng, chỉ cần có chủ hộ bảo lãnh đã cư trú sáu tháng trở lên là được cấp giấy xác nhận cư trú", ông Nguyễn Quốc Hưng, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, phản ánh tại hội nghị.
Không những vậy, nhiều lãnh đạo phòng GD-ĐT còn cho biết người dân chưa quen tuyển sinh trực tuyến nên các phòng GD-ĐT gặp khá nhiều khó khăn. 2023 là năm đầu tiên thực hiện, phụ huynh phải thực hiện nhiều bước khác nhau trên máy.
Trong khi đó đa số phụ huynh lại nghĩ đăng ký trên máy một lần là xong. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh không thực hiện bước xác nhận nhập học, khi đã hết hạn mới nháo nhào chạy lên "bắt đền" nhà trường; thời gian tuyển sinh kéo dài, cho phụ huynh điều chỉnh nhiều lần cũng gây ra nhiều hệ lụy cho cả nhà trường và phụ huynh...
Đảm bảo tuyển 70% vào lớp 10 công lập
Bên cạnh đó 2023 cũng là năm đầu tiên 100% học sinh lớp 9 ở TP.HCM đăng ký trực tuyến để thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Trong đó có bản đồ GIS hỗ trợ để học sinh không chọn trường THPT quá xa nơi cư trú.
Tuy nhiên, khi kết thúc kỳ thi TP.HCM có gần 5.000 học sinh không nộp hồ sơ nhập học mặc dù đã trúng tuyển vào trường THPT công lập. Đặc biệt đa số học sinh trong số này cho biết do nhà các em ở quá xa trường trúng tuyển nên không nộp hồ sơ.
Thực trạng dư chỗ học này khiến cả hai bên đều không vui. Đó là trường THPT không thể tuyển học sinh lớp 10 đủ chỉ tiêu. Ngược lại, nhiều học sinh muốn học trường công lập cũng không được vì rớt cả ba nguyện vọng vào lớp 10. Cuối cùng TP.HCM đã phải quyết định tuyển bổ sung học sinh vào lớp 10 công lập nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, phó trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT, nhấn mạnh: "Trên cơ sở rút kinh nghiệm về công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023, chúng tôi sẽ đề ra một số giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa học tại các trường công lập cho học sinh. Đồng thời sẽ từng bước giảm dần tỉ lệ học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ nhập học tại các trường công lập".
Theo ông Khoa, sở đang thống kê và phân tích chi tiết toàn bộ dữ liệu tuyển sinh vào lớp 10 của ba năm gần nhất. Từ dữ liệu trên, sở sẽ đánh giá về công tác tư vấn cho học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10. Đặc biệt là các trường THCS có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ nhập học ở mức cao.
"Chúng tôi cũng sẽ đề xuất thay đổi, bổ sung tiêu chí đánh giá thi đua về việc đánh giá kết quả tuyển sinh vào lớp 10. Kết quả phải dựa trên số lượng học sinh nộp hồ sơ vào trường trúng tuyển, tránh tình trạng các trường chạy theo thành tích nên hướng dẫn học sinh đăng ký vào các trường ở xa nhà.
Bên cạnh đó sở cũng sẽ rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh ở các đơn vị, đảm bảo tuyển đủ 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THPT công lập. Hiện tại sở đang xây dựng các phương án thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp 10 thường", ông Khoa cho biết.
Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa (phó trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM):
GIS chỉ là công cụ hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp
Bản đồ GIS chỉ là công cụ hỗ trợ trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Cần kết hợp GIS với công tác phổ cập, rà soát, phân bổ địa bàn trong việc sắp xếp chỗ học cho học sinh. Việc xây dựng trường lớp trước đây chưa thật sự phù hợp với việc phát triển dân cư của từng khu vực, cũng như chưa tính toán đến việc mật độ phát triển dân cư của từng khu vực không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn.
Do đó nếu chỉ áp dụng GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như công tác phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng dư thiếu học sinh cục bộ ở một số trường. Cạnh đó thông tin trên GIS vẫn còn một số sai sót nhất định hoặc chưa chính xác, đặc biệt xảy ra ở những khu vực mới như TP Thủ Đức. Điều này dẫn tới việc cán bộ tuyển sinh không nắm rõ địa bàn sẽ gây ra tình trạng phân bổ chưa chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận