12/08/2022 09:09 GMT+7

Tuyển sinh đầu cấp: Trái tuyến khó, đúng tuyến chưa chắc dễ

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Nhân phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm rằng không thể vì hộ khẩu mà trẻ không được đến trường, câu chuyện khó khăn chỗ học lại được gợi ra vào thời điểm cận kề năm học mới.

Tuyển sinh đầu cấp: Trái tuyến khó, đúng tuyến chưa chắc dễ - Ảnh 1.

Trường lớp ngoài công lập đang là lời giải cho bài toán quá tải mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp. Trong ảnh: một lớp học ở Trường mầm non Academy Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: VĨNH HÀ

Trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: "Việc bố trí như thế nào cho các cháu đi học thuận lợi nhất, không vì hộ khẩu mà các cháu không được đến trường, việc hộ khẩu và nơi cư trú khác nhau nhưng căn cứ hộ khẩu để xác định nơi học đã gây rất nhiều khó khăn cho chuyện đi học gần nhà, bố mẹ phải xin vào trường này, lớp kia. 

Nguyên tắc chung là như vậy, không thể vì hộ khẩu mà gây khó khăn cho các cháu đi học. Phải sửa đổi các quy định này".

Thực tế tình hình tuyển sinh đầu cấp năm học này ra sao? 

Đúng tuyến vẫn thiếu chỗ học!

Trường mầm non Hoàng Liệt là trường mầm non công lập duy nhất trên địa bàn phường Hoàng Liệt (Hà Nội). Dù trường có tới 4 cơ sở nhưng vẫn quá tải. Năm học 2022-2023, trường này nhận 939 hồ sơ, nhưng ở cả 4 cơ sở chỉ có thể đáp ứng 559 chỉ tiêu. 

Theo ông Tạ Văn Hải, phó chủ tịch UBND phường, riêng trẻ 5 tuổi có 226 hồ sơ, tăng 100 so với dự kiến. Các nhóm trẻ ở độ tuổi 3 và 4 có 713 hồ sơ, nhưng chỉ có chỗ cho 333 học sinh, trong đó chỉ có 88 chỉ tiêu cho lứa tuổi lên 3.

Theo số liệu trên, chỉ tính những trường hợp có hộ khẩu đúng tuyến ở phường đã vượt 480 so với chỉ tiêu. 

Để duy trì kết quả phổ cập mầm non 5 tuổi, trường này phải tận dụng tất cả các phòng chức năng làm phòng học để thu nhận hết số trẻ 5 tuổi (gồm cả 100 trường hợp vượt chỉ tiêu). Nhưng còn 380 trẻ ở tuổi lên 3 và 4 sẽ không có chỗ học.

Trong tình huống này, UBND phường và trường quyết định sẽ tổ chức "bốc thăm". Phụ huynh của 713 hồ sơ tuyển sinh vào trường sẽ phải bốc thăm để chọn ra 333 người may mắn được nhận. Và cho dù đều có hộ khẩu đúng tuyến, sẽ có 380 trường hợp phải chấp nhận rút lui.

Khảo sát của phường Hoàng Liệt có 8.150 trẻ trong độ tuổi mầm non, trong đó có 6.611 trẻ ở độ tuổi từ 2-5. Trường mầm non nói trên chỉ có thể tiếp nhận gần 20% nhu cầu. Trên 80% sẽ phải trông chờ vào các trường, nhóm lớp tư thục.

"Siêu phường" trên cũng chỉ có 3 trường tiểu học công lập, nhưng số học sinh cũng vọt lên gần 8.000. Một trong 3 trường tiểu học này từng duy trì "kỷ lục" có số lớp 1 đông nhất thành phố.

Tuy là câu chuyện điển hình, nhưng việc "đúng tuyến mà không có chỗ" ở Hoàng Liệt cũng phản ánh thực trạng chung ở Hà Nội. 

Trong khoảng 2 thập niên gần đây, ngành giáo dục Hà Nội nỗ lực để giảm quy mô, sĩ số học sinh/lớp bằng cách giảm, thậm chí ngừng tuyển sinh trái tuyến (trường hợp không có hộ khẩu cư trú trên địa bàn đã được phân tuyến tuyển sinh). 

Nhưng tình trạng quá tải cục bộ vẫn diễn ra. Trong đó có những địa bàn, chỉ riêng số học sinh đúng tuyến (có hộ khẩu phù hợp) đã vượt chỉ tiêu.

Vẫn phải phân định đúng tuyến, trái tuyến

Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có gần 1.200 trường mầm non, trong đó chỉ có gần 800 trường công lập. Các trường, nhóm lớp tư thục ở bậc học này đang gánh một số lượng đáng kể nhu cầu gửi trẻ, nhất là ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo 3-4 tuổi. 

Tại quận Nam Từ Liêm, một trong những địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao của Hà Nội, trong số trên 23.500 trẻ mầm non, số được vào học trường công chỉ có trên 9.000 trẻ...

Tuy đảm nhiệm một trọng trách lớn nhưng trong 2 năm COVID-19 khiến trường học phải đóng cửa kéo dài, tại Hà Nội hàng loạt cơ sở mầm non tư thục đã giải thể vĩnh viễn. 

Vào thời điểm trường học được mở lại (tháng 4-2022), có những quận nội thành Hà Nội có 30-40% giáo viên của cơ sở tư thục xin nghỉ việc. Một quận luôn "nóng" câu chuyện chỗ học mầm non là Hà Đông, sau đợt dịch COVID-19 thứ 4 cũng có 30 trường, lớp mầm non tư thục giải thể.

Trở lại câu chuyện tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được đến trường, nhìn từ thực tế Hà Nội thì thấy sẽ rất khó nếu không đặt ra những nguyên tắc để tuyển sinh khi trường học chưa thể đáp ứng được tất cả nhu cầu học tập. 

Dĩ nhiên những quy định mang tính thủ tục sẽ cần được rà soát và thực hiện linh hoạt như tinh thần bộ trưởng Bộ Công an đã nêu khi đề cập đến quy định "hộ khẩu". 

Nhưng ít nhất trong thời gian trước mắt, việc phân tuyến tuyển sinh theo địa bàn cư trú vẫn phải duy trì. Có thể không máy móc yêu cầu có "hộ khẩu" nhưng vẫn cần những minh chứng để phân định trường hợp học sinh đúng tuyến và trái tuyến.

Giải bài toán quá tải bằng tư thục

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đang đặt ra mục tiêu huy động 50% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 100% trẻ ở độ tuổi mẫu giáo ra lớp vào năm học tới. Nhưng với thực trạng hiện nay, chỗ học cho trẻ ở nhiều địa bàn sẽ quá tải.

Và khó khăn khiến các địa phương phải có giải pháp, chỉ có thể ưu tiên đối tượng phổ cập, đáp ứng một phần với đối tượng còn lại, còn trông đợi sự chia sẻ của hệ thống tư thục.

Xây trường không kịp

Trong quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội từ năm 2021-2030, sẽ xây mới gần 600 trường học, trong đó 331 trường công lập.

Ở giai đoạn trước từ 2011-2020 cũng xây dựng trên 600 trường. Nhưng những nỗ lực bổ sung cơ sở vật chất trường học vẫn không theo kịp mức gia tăng nhu cầu học tập.

Đăng ký tuyển sinh đầu cấp trái tuyến ở TP.HCM ra sao? Đăng ký tuyển sinh đầu cấp trái tuyến ở TP.HCM ra sao?

TTO - Mỗi quận, huyện tại TP.HCM đều có một kế hoạch và thời gian riêng về tuyển sinh trái tuyến đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 nhưng đều trên nguyên tắc chỉ nhận trái tuyến khi đã đủ chỗ cho học sinh trong tuyến.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên