Thí sinh làm thủ tục trước giờ kiểm tra đánh giá năng lực vào Trường ĐH Luật TP.HCM. Việc tuyển sinh với phương thức riêng chưa được nhiều trường ĐH sử dụng - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia hôm 25-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: "Hãy ngừng nói kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi '2 trong 1' vì nói thế không đúng luật, sai bản chất kỳ thi".
Ông nhấn mạnh mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và có thể cung cấp kết quả cho việc tuyển sinh trong số các phương án tuyển sinh.
Vâng, từ 6-7 năm về trước, Bộ GD-ĐT đã bật đèn xanh, khuyến khích các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng tùy theo điều kiện, đặc thù đào tạo. Nhưng ngay trong các năm đó, trên 90% các trường vẫn chọn kỳ thi "ba chung" do Bộ GD-ĐT chủ trì. Sau này, đa số các trường tiếp tục chọn tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Nhưng dù có thay đổi cách gọi tên thì tư duy về "2 trong 1" vẫn khó xóa bỏ khi đa số trường ĐH hiện nay vẫn tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia, kể cả các trường đặc thù. Những tiêu cực làm rúng động cả nước thời gian qua cũng có nguyên nhân sâu xa vì mục đích "dùng kết quả thi để tuyển sinh". Vì thế kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể trút đi được gánh nặng áp lực.
Lợi thế của việc sử dụng chung kết quả là thí sinh có nhiều cơ hội chọn trường, ngành học. Nhưng nếu ngoài kết quả thi phổ thông, các trường không có thêm thước đo khác, không xây dựng được một cơ chế đào tạo có sàng lọc, một nghịch lý tất yếu sẽ xảy ra: thi tốt nghiệp THPT càng cải tiến cho gọn nhẹ thì chất lượng đào tạo ĐH sẽ càng tụt hậu.
Đây là vấn đề rất khó. Giữa việc nâng chất lượng, giữ uy tín - một lợi ích lâu dài và việc có nguồn tuyển, có người học - lợi ích trước mắt, rất nhiều trường hiện nay vẫn chọn cái trước mắt. Vì thế một bất cập khác được đặt ra là có những trường "tuyển sinh riêng" nhưng lại "hạ ngưỡng" để nhận đủ chỉ tiêu thay bằng việc đưa ra các phương thức xét tuyển có chất lượng.
Việc đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào của ĐH Quốc gia Hà Nội mấy năm trước đây là bài học cho nhiều trường khác khi định "đi lạc dòng". Một mình một chiếu, thiếu sự chia sẻ nguồn tuyển với các trường sử dụng kết quả kỳ thi chung đã khiến cơ sở đào tạo lớn nhất nước này từng lao đao và chỉ vài năm thực hiện "thi riêng" đã phải quay về "thi chung".
Cũng trong phiên họp ngày 25-9, ông Nguyễn Minh Thuyết - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng để hạn chế tình trạng dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, cần "có sức ép" với các trường và xem phương án tuyển sinh của các trường như một tiêu chí để xếp loại trường ĐH.
Những trường có phương án tuyển sinh riêng đảm bảo chất lượng cao, tương ứng với đặc thù đào tạo sẽ được "điểm" cao hơn những trường chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đầu vào.
Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó chủ tịch nước - thì cho rằng khi các trường được thực hiện tự chủ, việc tuyển sinh thế nào sẽ do các trường lựa chọn. Nhưng muốn giảm nhẹ gánh nặng của kỳ thi phổ thông và yên tâm với chất lượng đào tạo ĐH thì điều quan trọng hơn là phải siết đầu ra. Có nghĩa tạo cơ chế sàng lọc tốt trong quá trình đào tạo.
Nhưng bà Doan cũng đặt vấn đề ngược lại khi cơ chế sàng lọc chưa có, "hạn chế sử dụng kết quả thi THPT quốc gia" vẫn là một việc cần nghĩ đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận