Thực tế gần đây cho thấy có một bộ phận thí sinh khi đã bước chân vào giảng đường mới phát hiện ra điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của ngôi trường mà chính mình đã chọn.
Trong khi đó, chi phí để theo đuổi giảng đường đại học đâu chỉ học phí mà còn đủ các loại khác như tiền thuê phòng, ăn uống sinh hoạt, đi lại, học thêm ngoại ngữ...
Công khai học phí trong đề án tuyển sinh
Mức học phí dự kiến của các trường đều được công khai trong đề án tuyển sinh đăng tải trên website. Tuy nhiên, đề án tuyển sinh của các trường thường khá dài, từ vài chục đến gần 100 trang và đôi khi hơi khó hiểu, kể cả với giáo viên.
Học phí của tất cả các trường đều có ghi mức tăng từng năm theo quy định, không quá 10%. Nhưng những con số về mức học phí trong các đề án tuyển sinh chỉ là ước tính, là dự kiến chứ không phải là con số thực tế chính xác. Trong thực tế, học phí của sinh viên đại học được tính căn cứ vào số lượng tín chỉ mà sinh viên học trong một học kỳ/năm học.
Cùng một lớp học nhưng số tiền học phí mà mỗi sinh viên cần đóng trong một học kỳ không hề giống nhau vì tùy thuộc vào kết quả học của sinh viên. Nếu sinh viên có học lực yếu sẽ bị giới hạn số lượng tín chỉ trong một học kỳ, chỉ được học ít tín chỉ hơn so với các sinh viên xếp loại khá trở lên. Số học phí ước tính đó cũng chỉ dành cho các sinh viên không bị nợ môn phải học lại.
Nếu bị học lại càng nhiều môn thì tiền học phí đương nhiên lại càng tăng. Một số sinh viên bị rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát: phải đi làm thêm kiếm tiền ăn học nên nghỉ học nhiều dẫn đến thi rớt, nợ môn - lại phải đi làm nhiều hơn để đóng tiền học lại - nghỉ học thi rớt. Thậm chí có sinh viên nhà không khó khăn nhưng đi làm thêm kiếm được nhiều tiền nên ham đi làm, bỏ bê việc học dẫn đến thi rớt, nợ môn. Cuối cùng tiền làm thêm chỉ để đóng tiền học trả nợ.
Chọn học phí phù hợp
Vì vậy, thí sinh, gia đình, thầy cô cùng phải căng mắt để đọc thật kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học, tìm ra ngành học của một trường nào đó thực sự phù hợp với điều kiện tài chính, năng lực học tập của mình.
Nếu khả năng tài chính của gia đình có hạn thì nên chọn trường nào có mức học phí thấp hơn dù cho mức độ nổi tiếng không bằng với trường mà mình mong muốn.
Bởi cùng một ngành học nhưng mức học phí của các trường lại khác nhau, tùy vào mức độ tự chủ của các trường. Thí sinh và phụ huynh đừng nghĩ rằng trường đại học công lập thì mức học phí sẽ rẻ hơn trường dân lập bởi hiện nay học phí của trường công tự chủ cũng chẳng thua kém gì trường tư, có thể lên đến 70, 80 triệu đồng/năm.
Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ từ nguồn vay vốn chính sách ưu đãi và các học bổng của trường, của các đơn vị tài trợ nhưng lại phải đáp ứng các điều kiện đi kèm như: sổ hộ nghèo, cận nghèo, giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn, kết quả học tập tốt...
Những điều kiện này đôi khi lại trở thành rào cản khiến sinh viên khó tiếp cận với các nguồn hỗ trợ vì trong thực tế vẫn có những gia đình nghèo nhưng lại chưa đến mức được cấp sổ hộ nghèo. Mặt khác, không phải em nào thuộc hộ nghèo cũng có học lực loại giỏi, xuất sắc để có thể nhận học bổng.
Tránh "đứt gánh giữa đường"
Hiện tại, dù các chương trình tư vấn tuyển sinh đã được tổ chức ở nhiều địa phương nhưng đa số các trường đại học chỉ mới công bố phương án tuyển sinh chứ chưa phải là đề án tuyển sinh nên thông tin về học phí chưa có, thí sinh cần tham khảo đề án của năm 2022.
Trong bối cảnh các trường đại học đang dần hướng đến phải tự chủ thì việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, để việc học không đứt gánh giữa chừng thì mỗi thí sinh cần phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định chọn trường. Hành trình học đại học sẽ bớt gian nan hơn nếu các em chọn được một ngôi trường vừa sức với chính gia đình mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận