Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM - Ảnh: M.G.
Sau bốn đợt xét tuyển học bạ mới chỉ có khoảng 3% số thí sinh trúng tuyển nhập học vào Trường ĐH Văn Lang. Ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho biết con số này thấp hơn rất nhiều so với 25% cùng thời điểm năm 2020.
"Rất nhiều thí sinh, phụ huynh gọi về trường cho biết kinh tế khó khăn nên không thể nhập học vào trường. Dịch đã khiến tài chính nhiều gia đình gặp khó khăn, từ đó tác động đến quyết định nhập học của thí sinh.
Ông Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Đăng ký hàng chục ngàn, nhập học vài trăm
Theo ông Võ Văn Tuấn, Trường ĐH Văn Lang có hơn 70.000 thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ, tăng khoảng 20% so với năm trước nhưng số thí sinh nhập học lại thấp hơn rất nhiều.
"Trường xây dựng phần mềm cho thí sinh làm thủ tục nhập học trực tuyến cam kết thông tin chính xác. Thí sinh hoàn tất thủ tục, đóng học phí, chụp ảnh giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT gửi cho trường, bản chính sẽ được hậu kiểm khi thí sinh đến trường. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 nên số lượng thí sinh nhập học quá thấp" - ông Tuấn nói.
Để hình dung mức độ "ảo" trong xét tuyển học bạ, đại diện một trường ĐH ngoài công lập cho biết trường có hơn 30.000 thí sinh đủ điểm sàn đăng ký xét tuyển, hầu hết đều trúng tuyển vì điểm chuẩn ở mức tối thiểu theo quy định.
"Như vậy khoảng 30.000 thí sinh trúng tuyển. Về lý thuyết, số này cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu của trường. Vì tỉ lệ ảo rất lớn nên trường gọi trúng tuyển toàn bộ thí sinh xét tuyển. Thế nhưng, mới chỉ có vài trăm thí sinh nhập học. Tỉ lệ ảo quá khủng khiếp nhưng trường không có giải pháp nào để hạn chế" - người này cho biết.
Ông Nguyễn Vũ Quỳnh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho biết hơn 19.000 thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ vào trường. Tuy nhiên, số thí sinh xác nhận nhập học mới khoảng 700, thấp hơn nhiều so với số lượng thí sinh trúng tuyển. "So với năm 2020, số thí sinh nhập học bằng học bạ mới chỉ bằng 50%" - ông Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết hiện tại mới có khoảng 300 thí sinh nhập học, phần lớn là thí sinh tốt nghiệp THPT những năm trước. "Kinh nghiệm những năm trước cho thấy tỉ lệ ảo xét tuyển học bạ khoảng 60%, chỉ có 40% thí sinh trúng tuyển nhập học" - ông Quốc Anh nói.
Tại Trường ĐH Kinh tế tài chính mới có khoảng 400 thí sinh xác nhận nhập học theo phương thức xét học bạ. Con số này thấp hơn rất nhiều so với số thí sinh trúng tuyển. Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng trong tình cảnh tương tự. Một số trường ĐH có lượng thí sinh nhập học khá hơn như Nguyễn Tất Thành, Gia Định.
Ông Trịnh Hữu Chung - phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định - cho biết khoảng 1/5 thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học. Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết hơn 6.000 thí sinh đã xác nhận nhập học, trong số này có hơn 1.000 thí sinh đã đóng học phí.
Không chỉ trường ngoài công lập, tình trạng "ảo" trong xét tuyển học bạ cũng diễn ra ở trường công. 14 ngày sau khi cho thí sinh nhập học theo phương thức xét học bạ, đến nay chỉ có khoảng 700 thí sinh nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.
Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường - cho biết lượng thí sinh nhập học năm nay quá thấp so với năm trước. "Năm 2020, chỉ khoảng ba ngày nhập học trường đã tuyển đủ chỉ tiêu cho phương thức học bạ. Trong khi đó năm nay 14 ngày rồi nhưng mới chỉ đạt 30%" - ông Sơn nói.
Nguyên nhân do đâu?
Ông Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết phần lớn thí sinh gọi điện đến trường cho hay chưa thể nhập học do kinh tế gia đình gặp khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, thí sinh chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả thi nên việc xác nhận nhập học ít hơn rất nhiều so với số trúng tuyển và so với năm trước. Trường gia hạn thời gian nhập học cho thí sinh đến hết tháng 8.
Từ thực tế xét tuyển học bạ, ông Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết tỉ lệ nhập học trung bình so với số gọi của trường năm 2020 chỉ đạt 25% dù đã gọi trúng tuyển đến 200% so với chỉ tiêu. Nhiều ngành tỉ lệ nhập học dưới 10%.
Nhiều thí sinh xét học bạ vô trường cho biết mình đủ điều kiện trúng tuyển vào 10 trường ĐH với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tỉ lệ ảo trong xét tuyển học bạ những năm qua quá lớn, nhất là năm nay theo các trường do thiếu phần mềm xét tuyển chung. Việc đi lại bị hạn chế, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thí sinh nhập học rất ít năm nay.
Về giải pháp, ông Dũng nói phần mềm xét tuyển chung giữa các trường chỉ dùng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lọc ảo rất tốt. Riêng xét học bạ, xét điểm năng lực thì mạnh ai nấy làm. Nhiều em đậu học bạ hơn 10 trường nhưng các trường không biết thông tin. "Nếu có phần mềm lọc ảo chung sẽ hạn chế được tình trạng này" - ông Dũng nói.
Giảm học phí để hút thí sinh
Trong bối cảnh lượng thí sinh nhập học ít do kinh tế khó khăn, một số trường ĐH đã đưa ra các chính sách hỗ trợ để giảm áp lực tài chính, thu hút thí sinh. Trong đó, Trường ĐH Gia Định chia học phí học kỳ 1 làm hai lần đóng. Tân sinh viên đóng trước 50% học phí học kỳ 1 và hoàn thành 50% học phí còn lại sau 30 ngày kể từ lần đóng đầu tiên.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giảm 5 triệu đồng học phí, tặng phiếu học tiếng Anh 5 triệu đồng. Trường ĐH Văn Hiến giảm từ 30 - 45% học phí học kỳ 1 cho thí sinh nhập học. Trong trường hợp thí sinh không đủ khả năng đóng một lần, có thể chia thành hai lần đóng/học kỳ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận