Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
PGS.TS Vũ Hải Quân, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết kỳ thi tuyển sinh năm 2020 dự kiến các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM sẽ có thêm một số phương án xét tuyển. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức sẽ được tăng lên so với năm 2019.
Đẩy mạnh xét tuyển riêng
Theo ông Quân, tùy vào điều kiện của mình, mỗi trường sẽ quyết định số lượng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực. "Chủ trương của ĐHQG TP.HCM là tăng tỉ lệ phần trăm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này, tối đa có thể lên đến 50% tổng chỉ tiêu của trường" - ông Quân nói thêm.
Một điểm mới trong tuyển sinh năm 2020 của ĐHQG TP.HCM là dự kiến sẽ xét tuyển thí sinh người nước ngoài, học sinh Việt Nam tốt nghiệp tú tài quốc tế sẽ được xét tuyển vào các chương trình đào tạo chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh của các trường thành viên.
ĐHQG TP.HCM chủ trương đẩy mạnh xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực nên yêu cầu các trường thành viên tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức này. Ví dụ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực từ 30% năm 2019 lên 40% trong năm 2020.
ĐHQG TP.HCM cũng mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi. Hai đợt của kỳ thi diễn ra vào tháng 3 và tháng 7-2019. Trong đó, đợt 1 ngoài tổ chức tại TP.HCM, Bến Tre như năm trước, năm 2020 sẽ có thêm 2 điểm thi tại Nha Trang và An Giang. Việc đẩy mạnh xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực cũng được thể hiện qua số lượng đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi này.
Năm 2019 có khoảng 30 trường ĐH, CĐ ngoài ĐHQG TP.HCM xét tuyển kết quả của kỳ thi này. Năm 2020 dự kiến sẽ có thêm nhiều đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Ông Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết năm tới dự kiến lần đầu tiên trường sẽ xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, thêm một phương thức để thí sinh lựa chọn. Ngoài ra, phương thức xét tuyển thẳng học sinh có kết quả học tập loại giỏi bậc THPT sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn sau một năm thực hiện.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cũng thông tin kỳ tuyển sinh năm tới, trường bổ sung phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Tổng chỉ tiêu không tăng nhưng dự kiến có hai ngành mới về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.
Trường ĐH Nha Trang vẫn dành 10% chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực nhưng mở rộng ra tất cả các ngành, không giới hạn 7 ngành như năm trước. Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng cũng bổ sung phương thức xét tuyển học sinh giỏi THPT trong kỳ tuyển sinh năm tới. Một số trường khác như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM có thêm phương thức mới đối với xét tuyển học bạ.
Nhiều phương thức sẽ rối?
Không chỉ ĐHQG TP.HCM, năm 2019 nhiều trường ĐH cũng tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển như các trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Hồng Bàng. Năm 2020, các trường này vẫn duy trì kỳ thi này. Trong đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tổ chức hai đợt thi thay vì một đợt như năm 2019.
PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết năm 2019 trường lần đầu tổ chức thi riêng, số lượng thí sinh chưa như mong muốn nhưng trường vẫn duy trì vì trường có thể chủ động, tổ chức nhiều đợt nếu cần.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, năm 2019 số thí sinh dự kỳ thi do trường tổ chức khá ổn nên năm 2020 trường sẽ tăng chỉ tiêu lên 10% đối với phương thức này.
Việc bổ sung phương thức xét tuyển cũng được các trường thực hiện nhằm tối đa hóa sự lựa chọn của thí sinh. Tuy nhiên, nhiều trường ngại việc mở rộng quá nhiều phương thức bởi sẽ làm rối rắm việc lựa chọn của thí sinh cũng như xét tuyển của trường.
TS Trần Đình Lý, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết việc mở rộng phương thức xét tuyển sẽ tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Tuy nhiên phần mềm của bộ cần phải quản lý được, loại thí sinh đã trúng tuyển các phương thức khác để tránh trường hợp thí sinh ảo khi xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia như trong năm 2019.
Những rủi ro
TS Phan Ngọc Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho rằng đa dạng phương thức giúp các trường khai thác tối đa nguồn tuyển. Mặc dù vậy cũng có rủi ro khi việc xét tuyển đòi hỏi nhiều công sức hơn, thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, trường phải điều chuyển chỉ tiêu.
Theo TS Huỳnh Thế Nguyễn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, trường đang quan sát hiệu quả xét tuyển nhiều phương thức của các trường trước khi quyết định bổ sung phương thức xét tuyển.
Trường đại học vẫn tuyển sinh cao đẳng
Năm 2020, nhiều trường ĐH như Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Tài chính - marketing, Nha Trang... cho biết sẽ dừng tuyển sinh cao đẳng.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết đối với bậc cao đẳng ở Trường ĐH An Giang, ĐHQG TP.HCM yêu cầu trường trong một hai năm tới cắt giảm tiến tới ngừng đào tạo các ngành cao đẳng, trừ các ngành cao đẳng sư phạm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Thành - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH An Giang, lộ trình cắt giảm, ngừng tuyển sinh cao đẳng nghề còn chờ chỉ đạo cụ thể của ĐHQG TP.HCM. Như vậy, đây là trường thành viên duy nhất của ĐHQG TP.HCM tuyển sinh bậc cao đẳng.
Hai trường khác có tuyển sinh bậc cao đẳng là Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã ngừng tuyển sinh cao đẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận