Một cổ động viên Nhật bật khóc khi đội nhà thua trận phút cuối - Ảnh: REUTERS
Khi Nhật vượt lên dẫn Bỉ 2-0 nhờ các bàn thắng của Haraguchi và Inui, họ không lui về phần sân nhà, dựng xe buýt bảo vệ chiến thắng mà ngược lại còn nung nấu ý định tấn công để ghi thêm bàn.
Nếu Nhật chơi phòng ngự số đông trong thời điểm đó, họ sẽ dễ thành công hơn và có lẽ kết quả đã khác đi.
Sau khi bị Bỉ gỡ hòa 2-2 từ những nhát-kiếm-trên-cao, Nhật tiếp tục dồn lên tấn công. Thậm chí, HLV Akira Nishino còn tung cả Keisuke Honda vào sân để tìm kiếm chiến thắng trước Bỉ.
Nếu lui về phòng ngự để đưa trận đấu vào hiệp phụ rồi chấm luân lưu thì khả năng thành công của tuyển Nhật không phải không có.
Trước đó, tuyển Nhật đã cầm hòa Bỉ 0-0 trong 45 phút của hiệp một. Và việc họ làm được điều tương tự trong hiệp phụ với đội hình phòng ngự dày đặc đâu phải là chuyện không thể.
Nếu chơi phòng ngự, đổ bê tông... căng sức để bảo vệ thành quả trước Bỉ, tuyển Nhật chắc chắn sẽ không bị chỉ trích thiếu fair-play mà ngược lại sẽ còn được ca ngợi, tán thưởng.
Nhưng tuyển Nhật đã chọn cách tiếp tục tiến lên, không lùi bước, không chấp nhận là kẻ yếu và tất nhiên cũng mạo hiểm đánh đổi thành quả đạt được như một biểu hiện của tinh thần thượng võ, của sự tôn trọng tuyệt đối chính mình và đối phương mà FIFA muốn hướng tới.
Như đã biết, họ thất bại.
Có thể nói tuyển Nhật ngây ngô nhưng cũng có thể hiểu đội bóng xứ Mặt trời mọc không muốn bị kinh thường. Trước đó, thầy trò HLV Nishino đã vấp phải cơn bão chỉ trích kinh khủng của khán giả nhà khi "đi bộ" để bảo vệ thất bại 0-1 trước Ba Lan, qua giành vé vào vòng sau nhờ chỉ số fair-play.
Ở trận gặp Ba Lan, nói một cách nôm na, tuyển Nhật đã chọn cách chơi không thật đẹp để đạt được thành quả. Trong trận thua Bỉ rạng sáng 3-7, tuyển Nhật chọn cách làm đẹp hình ảnh và chấp nhận mạo hiểm với thành quả họ dốc sức gầy dựng.
Cảm giác cổ động viên Nhật lúc này sẽ như thế nào? Họ tự hào, hài lòng với đội tuyển quốc gia nhưng cảm giác tiếc nuối sẽ bao trùm tất cả. Chứng kiến thất bại của tuyển Nhật, chắc chắn không ít cổ động viên muốn đội nhà chơi tiêu cực hơn một chút để hạ Bỉ, để làm nên lịch sử.
Giống như khi "đi bộ" trước Ba Lan, chúng ta sẵn sàng lao vào chỉ trích tuyển Nhật nhưng nếu họ bị loại sẽ lập tức bị chê ngây thơ, không biết dùng chiêu trò. Chúng ta luôn như vậy, đôi lúc hành động như thể không biết mình muốn gì.
Trên thực tế, việc quy kết một tập thể chỉ bằng một khoảnh khắc hoặc một màn thể hiện của họ sẽ thiếu công bằng.
Chuyện này không khác mấy với một mâu thuẫn căn bản trong bóng đá: lựa chọn giữa việc đá đẹp mà không thắng hay đội bóng chơi xù xì để tận hưởng cảm giác chiến thắng? Dù chọn cái gì, chúng ta cũng sẽ bị giằng xé. Cảm giác thất bại luôn rất khó khăn nhưng chiến thắng xấu đôi khi cũng không dễ chịu chút nào.
Người ta sẽ còn nói rất nhiều về chuyện lựa chọn giữa hình ảnh đẹp cho đội bóng và thành - bại. Trong bóng đá, kể cả khi anh làm sai luật nhưng vì thành quả của toàn đội, anh cũng đáng được cảm thông, như pha đánh tay cứu bàn thua đội nhà và rồi lãnh thẻ đỏ của Suarez.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là cách cổ động viên của chính đội đó nhận xét như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận