24/10/2018 17:10 GMT+7

Tuyên cựu sư đoàn trưởng 42 tháng tù vì 'xẻ thịt' đất quốc phòng

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Cựu sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 363 Nguyễn Văn Khuây có vai trò chính trong vụ “xẻ thịt” đất quốc phòng xảy ra tại quận Hải An, TP Hải Phòng.

Tuyên cựu sư đoàn trưởng 42 tháng tù vì xẻ thịt đất quốc phòng - Ảnh 1.

Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm tại trại tạm giam Quân khu 3 ngày 24-10 - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến vi phạm các quy định quản lý đất đai xảy ra tại khu Đồng Xá, P.Thành Tô, Q.Hải An, TP Hải Phòng được mở tại trại tạm giam Quân khu 3 ở xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng ngày 24-10.

Buông lỏng quản lý, chủ mưu "bán" đất quốc phòng

Khu rộng khoảng 5ha thuộc P.Thành Tô, Q.Hải An là một phần trong khu đất quốc phòng 14,2ha trở thành điểm nhức nhối về tình trạng vi phạm đất đai khi nhiều băng nhóm giang hồ Hải Phòng ngang nhiên tổ chức lấn chiếm đất rồi bán cho người dân.

Hoạt động này xảy ra có sự tiếp tay, "bảo kê" của những người bị khởi tố gồm Nguyễn Văn Khuây (64 tuổi, cựu  Sư đoàn phòng không 363), Vũ Duy An (61 tuổi, cựu chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn phòng không 363), Đỗ Công Mên (61 tuổi, cựu chủ tịch UBND phường Thành Tô, Q.Hải An), Nguyễn Phú Doanh (41 tuổi, phó trưởng phòng thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên - môi trường Hải Phòng) và Phạm Văn Bình (60 tuổi, trú Q.Ngô Quyền, TP Hải Phòng, giám đốc một doanh nghiệp thuê khu đất).

Nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự trung ương cho biết Sư đoàn phòng không 363 được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao quản lý khu đất tại P.Tràng Cát và P.Thành Tô, Q.Hải An, TP Hải Phòng.

Sau đó, đã giao phòng hậu cần của sư đoàn với mục đích muốn chuyển đổi khu đất quốc phòng này thành đất nhà ở.

Năm 2004, sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 khi đó là Nguyễn Văn Khuây đã ký văn bản báo cáo Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân xin khảo sát nhưng chưa được đồng ý.

Đến năm 2009, lấy lý do người dân đổ phế thải lấn chiếm, bị cáo Nguyễn Văn Khuây đã giao chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn 363 thời gian này là Vũ Duy An thực hiện việc cắm mốc giới (trong đó có mốc giới số 8 chồng lấn vào đất của cả sư đoàn, tổng diện tích hơn 5,7ha).

Vũ Duy An là người đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện cắm mốc giới, vẽ bản đồ quy hoạch khu dân cư trái phép, sau đó đưa cho sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Khuây và chủ tịch UBND phường Thành Tô là ông Đỗ Công Mên ký.

Sau khi có bản đồ với đường đi, khu dân cư do sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 và chủ tịch phường Thành Tô ký, nhiều người dân đã mua bán, chuyển đổi, xây dựng nhà trái phép trên khu đất này.

Đến tháng 2-2008, Vũ Duy An còn ký cho Nguyễn Thị Xuân (vợ của Phạm Văn Bình) thuê 3,3ha đất trong diện tích khu vực 5,7ha có bản đồ chi tiết tỉ lệ 1/500. Tuy nhiên, lấy lý do đất bị chồng lấn, Bình tiếp tục làm hợp đồng thuê của Sư đoàn 363 1,6ha đất với giá 23 triệu đồng/năm, thời hạn 20 năm.

Sau đó, Phạm Văn Bình cho Nguyễn Phú Doanh tổ chức làm đường, sân bóng và xây dựng nhà trái phép rồi bán cho nhiều người dân với mức giá 500 - 700 triệu đồng/lô đất 100m2.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, riêng khu đất 5,7ha đã bị các đối tượng Bình, Doanh bán ít nhất trên 32 tỉ đồng...

Tuyên cựu sư đoàn trưởng 42 tháng tù vì xẻ thịt đất quốc phòng - Ảnh 2.

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Giao trái phép 5,7ha đất quốc phòng

Đại diện Viện kiểm sát Quân khu 3 thực hiện quyền công tố tại tòa chỉ rõ bị cáo Nguyễn Văn Khuây đã lợi dùng chức vụ quyền hạn, cho thuê đất, giao đất trái phép.

Sai phạm của bị cáo Khuây rất nghiêm trọng khi làm mất hơn 5ha đất, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín của Sư đoàn 363, hình ảnh quân đội, dẫn đến sự việc phức tạp, khó giải quyết.

Vai trò của Khuây là chủ mưu và thực hiện các hành vi trái luật trong vụ án.

Bị cáo Đỗ Công Mên, chủ tịch UBND phường Thành Tô, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn và cùng Nguyễn Văn Khuây ký bản đồ khu dân cư, chuyển nhượng 5,7ha đất quốc phòng trái luật, ký hàng chục trích đo để người dân mua bán, xác nhận vào đơn đề nghị cung cấp điện - nước để sử dụng trái phép trên đất quốc phòng.

Hành vi của bị cáo Mên đã không làm đúng chức năng, nhiệm vụ, gây hậu quả to lớn, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền, là đối tượng thực hiện tích cực, nên phải chịu trách nhiệm sau bị cáo Khuây.

Bị cáo Vũ Duy An, chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn 363, lẽ ra phải quản lý khu đất, nhưng lại cho thuê đất trái luật. Biết việc làm sai trái, nhưng vẫn làm và chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi sai trái, bị cáo đã ký đóng dấu bản đồ để chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, là người thực hiện.

Bị cáo Nguyễn Phú Doanh công tác tại Sở Tài nguyên - môi trường Hải Phòng, lẽ ra phải biết rõ về các quy định đất đai, nhưng đã cố tình mua bán trái phép đất quốc phòng, giúp sức cho Đỗ Công Mên thực hiện các hành vi sai trái.

Bị cáo Phạm Văn Bình, vì lợi ích cá nhân đã câu kết với Vũ Duy An, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức xây dựng công trình điện nước, cùng Đỗ Công Mên ký xác nhận bản đồ, trích đo... khiến hơn 5,7ha đất bị mua bán sử dụng trái phép.

Tại tòa, bị cáo Vũ Duy An khai chỉ thực hiện các chỉ đạo của cấp trên, còn bị cáo Đỗ Công Mên khai khi phát hiện việc phun cát san lấp nền từ 2009 đã báo cáo lãnh đạo quận Hải An xin ý kiến xử lý, tuy nhiên lãnh đạo quận chỉ đạo (thông qua điện thoại) không xử phạt nữa nên "đã thôi".

Hội đồng xét xử nhận định thời gian để xảy ra vi phạm đất đai kéo dài, diện tích 5,7ha bị chiếm dụng rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Mặc dù các bị cáo đều khai báo thành khẩn, khắc phục một phần hậu quả (mỗi bị cáo nộp 50 triệu đồng), nhưng tòa vẫn xác định trách nhiệm của Nguyễn Văn Khuây là chính.

Do đó, bị cáo Nguyễn Văn Khuây bị tuyên phạt 42 tháng tù; bị cáo Vũ Duy An 36 tháng tù; Đỗ Công Mên, Nguyễn Phú Doanh và Phạm Văn Bình cùng mức 30 tháng tù.

Riêng bị cáo Doanh trong vòng 30 tháng sau khi chấp hành hình phạt sẽ không được đảm nhận các chức vụ trong cơ quan nhà nước.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên