Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có những trải lòng với Tuổi Trẻ về việc tuyển dụng vị trí lãnh đạo Sở Du lịch và tìm người tài cho tỉnh nhà.
Quy định cán bộ lãnh đạo... làm khó việc tuyển người tài
* Qua bốn lần kéo dài thời gian đăng ký dự tuyển chức danh phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh, nguyên nhân vì sao lại kéo dài như vậy, thưa ông?
- Lâu nay mình nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhưng sự ngang tầm của cơ quan quản lý hiện nay chưa thực sự nổi trội. Tỉnh mong muốn phải có một người thực sự am hiểu, một người được đào tạo bài bản về du lịch, giỏi ngoại ngữ... để có những tham mưu mang tính chiến lược cho hướng phát triển du lịch.
Trên cơ sở đó chúng tôi cũng quyết tâm để kiếm tìm người tài làm lãnh đạo sở, mà muốn tìm được người tài thì chỉ có thi vì nó đảm bảo tính công bằng và chọn lọc tốt nhất.
Sau nhiều lần thi tuyển, việc tìm người gặp phải nhiều khó khăn. Đặc biệt là ở một số quy định của pháp luật về yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính. Rồi đang giữ chức vụ trưởng phòng và tương đương thuộc sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ...
* Phải chăng những yêu cầu của việc thi tuyển này được đặt ra khá cao và khắt khe, thưa ông?
- Tiêu chuẩn để trở thành cán bộ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước đã được luật quy định rất rõ ràng rồi, mình không thể làm khác. Bản thân lãnh đạo tỉnh rất muốn vị trí này là những người có tư duy chiến lược, có năng lực thực tiễn...
Tất nhiên trong việc đưa ra các tiêu chí tuyển dụng, tỉnh có thêm vào một số điều kiện để có thể mở rộng phạm vi tuyển người ra nhưng cốt lõi vẫn phải tuân theo quy định chung.
Thứ hai là muốn thu hút nhân tài thì phải có chế độ đãi ngộ tốt. Nhưng so sánh với thực tế giữa cán bộ nhà nước và một doanh nghiệp thì mức thu nhập không phải là cao và hấp dẫn.
Một yếu tố nữa đó là thông tin. Người ta sợ không đậu, không dám đăng ký thi tuyển vì "nghe nói" vị trí đó đã được cơ cấu. Tôi nói luôn là không có câu chuyện cơ cấu gì hết. Đã thi thì theo đúng quy trình tuyển dụng cán bộ mà làm, chẳng ai can thiệp được. Thực tế tôi biết có nhiều người họ cũng quyết tâm muốn thi nhưng khi rà lại người ta lại không đủ tiêu chuẩn.
Bây giờ bảo cất hết mọi điều kiện đi để tuyển người tài thì không được, không thể làm khác vì đó là luật.
Như thế nào là "tài"?
* Việc khuyết chức danh phó giám đốc Sở Du lịch trong thời gian dài có ảnh hưởng đến công tác hoạt động của sở này nói riêng và việc quản lý, phát triển du lịch tỉnh nói chung hay không, thưa ông?
- Sở Du lịch tỉnh hiện nay chỉ có hai lãnh đạo, gồm một giám đốc và một phó giám đốc. Việc thiếu nhân lực quản lý đã phần nào ảnh hưởng đến công tác tổ chức vận hành của sở.
Trên thực tế chúng tôi cần một người tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những quyết sách một cách chuyên nghiệp. Đây là một ngành kinh tế, chúng tôi cần người có năng lực quản lý tạo hiệu quả kinh tế.
Người lãnh đạo ngành phải có tư duy, phải tham mưu cho tỉnh những chính sách mang tính chiến lược phát triển ngành. Ví dụ cơ chế kích cầu như thế nào cho hiệu quả, có chính sách gì để làm sao hút và níu chân du khách...
Tiềm năng du lịch của tỉnh là cực lớn nhưng chưa có sự đột phá. Muốn đột phá thì phải có cán bộ làm việc. Trên nhu cầu đó thì tỉnh rất quan tâm đến việc tìm kiếm nhân sự mới, do vậy mới kéo dài cuộc thi.
* Rộng hơn về chính sách thu hút nhân tài ở các vị trí lãnh đạo đầu ngành của tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẽ có những chính sách gì để thu hút nhân tài về Huế cống hiến, xây dựng Huế trực thuộc trung ương?
- Cần thiết phải có những cơ chế chính sách để thu hút nhân tài. Nhưng chỗ nào cần mới áp dụng chính sách thu hút chứ không xây dựng chính sách chung. Chính cơ sở phải đề xuất chứ không phải chờ lãnh đạo tỉnh bảo tuyển mới lo đi tuyển.
Ở Huế vừa rồi chúng tôi mới xây dựng chính sách thu hút nhân tài cho ngành y tế. Mang tiếng là nơi đào tạo về ngành y tế hàng đầu miền Trung nhưng một số cơ sở y tế của tỉnh lại thiếu bác sĩ, không tuyển ra người.
Ngay sau đó tỉnh đã phải ngồi lại để rà soát cơ chế, rồi ban hành nghị quyết, đề án thu hút nhân tài cho ngành y và vừa rồi tuyển được hơn 10 người.
Muốn thu hút nhân tài thì phải xác định được như thế nào là người tài. Bằng cấp cao chưa đủ. Người tài phải làm được việc mà tỉnh giao phó, có sản phẩm rõ ràng. Ví như ngành du lịch, cụ thể một năm có bao nhiêu sản phẩm du lịch hấp dẫn mới, có chiến lược gì hút khách, thu bao nhiêu tiền...
Còn về cơ chế thì cần có chính sách ưu đãi cho phù hợp với người tài. Cụ thể là tiền lương phải tương xứng với chức vụ, công việc mà họ đảm nhiệm.
Lãnh đạo tỉnh phải tự đi tìm người tài
* Nói như vậy thì vẫn có người đủ tiêu chuẩn nhưng chủ yếu vì họ "sợ thi rớt", vậy lãnh đạo tỉnh có đi tìm, giải thích và động viên họ thi hay không?
- Chắc chắn rồi, tôi và lãnh đạo tỉnh phải đi tìm những người đủ tiêu chuẩn để động viên họ tham gia thi. Việc này đích thân chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và chúng tôi đã tìm người tài, đặc biệt ở trong các cơ sở giáo dục đào tạo như Đại học Huế, các đơn vị hoạt động du lịch...
Nếu như có người đầy đủ điều kiện thì động viên, thuyết phục họ thi. Nhưng khổ cái là cứ vướng cái này cái kia và chủ yếu thì vẫn từ bản thân thí sinh còn thiếu quyết tâm.
Vào tháng 10-2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra thông báo về việc thi tuyển chức danh phó giám đốc Sở Du lịch. Tuy nhiên gần hai năm sau, vị trí này vẫn đang để trống vì không ai đăng ký sau bốn lần gia hạn cuộc thi.
Đầu tháng 8 vừa qua, sau lần gia hạn thứ 5 mới có hai ứng viên đăng ký thi tuyển. Tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý do, tỉnh vẫn chưa thể tìm được phó giám đốc Sở Du lịch.
Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định của luật hiện hành về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý... khiến tỉnh Thừa Thiên Huế muốn tìm người tài vào bộ máy để phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng hiện có nhưng chưa được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận