10/08/2017 11:09 GMT+7

Tuyển giáo viên điểm 'chạm đáy', làm sao có thầy giỏi?

BÙI MINH TUẤN
BÙI MINH TUẤN

TTO - Dưới góc nhìn của một giáo viên đứng lớp gần 15 năm, thầy Bùi Minh Tuấn - trường THPT Kim Liên (Nghệ An) cho rằng điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm tiếp tục “chạm đáy” khiến người trong ngành không khỏi lo lắng, xót xa.

Nhằm góp thêm một góc nhìn về thực trạng này, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu những phân tích và giải pháp tâm huyết của thầy giáo Bùi Minh Tuấn.

Một số người có thể biện bạch rằng 'đầu vào' chỉ là một phần, quan trọng vẫn là quá trình đào tạo. Nhưng như cha ông ta vẫn thường nói 'có bột mới gột nên hồ'. Thử hỏi với chất lượng đầu vào thấp đến như vậy thì cách gì đào tạo được để có thể có 'đầu ra' chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục thời gian tới?
Thầy giáo Bùi Minh Tuấn 

"Báo Tuổi Trẻ Online có bài viết “của tác giả Ngọc Hùng. Trong bài viêt, tác giả đã nêu ra các nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện, thay đổi tình hình. Tôi đồng tình với những quan điểm tác giả đã nêu ra trong bài viết.

Dưới góc nhìn của một giáo viên trực tiếp đứng lớp gần 15 năm, tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến.

Mảng tối của bức tranh nhân lực ngành sư phạm 

Trước hết, các ngành chức năng, đi đầu là ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật về mảng tối trong bức tranh nhân lực ngành sư phạm trong tương lai gần. Câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” tưởng chỉ được dùng nhiều trong những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, xem ra đang đúng với những gì đang diễn ra trong những mùa tuyển sinh gần đây, đặc biệt là trong năm 2017.

Nhìn vào điểm chuẩn đầu vào của các trường dễ nhận thấy, có sự phân hóa khá rõ về mức độ thu hút người học. Điều này thể hiện rõ ở độ vênh mức điểm chuẩn giữa các trường từ 5 - 7 điểm, thậm chí là 10 - 12 điểm.

Hầu hết các trường tốp đầu như: Công an, quân đội, Y, Dược đều có mức điểm chuẩn cao chót vót. Thậm chí, có thí sinh đạt 29 điểm vẫn không trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội, 30 điểm vẫn không đậu vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân.

Ngược lại với xu hướng tăng điểm chuẩn các trường tốp trên, nhiều trường ĐH đào tạo ngành sư phạm chỉ lấy điểm trúng tuyển bằng với mức điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT mới hi vọng có thí sinh theo học.

Chẳng hạn, ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) lấy diểm chuẩn đầu vào 4 ngành sư phạm (Mầm non, Tiểu học, Toán, Sinh) là 15,5 điểm; ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), ĐH Hà Tĩnh, tất cả các ngành đào tạo sư phạm cũng lấy điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia là 15,5.

Không chỉ ở các trường địa phương, những trường vùng miền, từng có “thương hiệu” đào tạo sinh viên sư phạm như Trường ĐH Vinh, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm tự nhiên (gồm Toán, Lí, Hóa, Tin) và sư phạm xã hội (Văn, Sử, Địa, Chính trị, Quốc phòng an ninh) cũng chỉ ở mức điểm sàn 15,5.

Nhiều mã ngành sư phạm ở các trường ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Tây Nguyên cũng có cảnh ngộ tương tự. Tình hình càng trở nên bi đát hơn ở những trường Cao đẳng sư phạm khi nhiều trường, điểm chuẩn mỗi môn xét tuyển chưa tới 4 điểm.

Chẳng hạn, trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm, nghĩa là thí sinh chỉ cần trung bình 3 điểm/môn, theo kết quả thi THPT Quốc gia là đã trúng tuyển; không khá hơn bao nhiêu, trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5 điểm; trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam, Hải Dương đều có điểm chuẩn của tất cả các ngành học là 10.

Trong khi đề thi THPT Quốc gia năm nay với hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm được đánh giá là khá “dễ thở” với “con mưa" điểm 10 xuất hiện thì điểm xét tuyển đầu vào như trên với một ngành đào tạo có nhiều nét đặc thù như sư phạm là quá thấp nếu như không muốn nói là ở mức báo động.

Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức, người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong đó chú trọng khâu tuyển sinh, đào tạo sinh viên sư phạm nhằm đáp ứng trọng trách đổi mới nhưng dường như tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Cần những giải pháp đủ “lực” để “kéo” người giỏi

Điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm năm nay đã thấp “chạm đáy”, nhưng dù sao vẫn còn có điểm sàn để “neo” lại. Dự kiến, đến năm 2018, khi Bộ GD&ĐT bỏ hẳn quy định điểm sàn xét tuyển, liệu điểm chuẩn vào các trường sư pham còn “lao dốc” đến mức nào? 

Hiện cả nước có khoảng 110 cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm trong bối cảnh nhu cầu giáo viên ở nhiều địa phương đã ở mức bão hòa. Trong khi “cung” đã vượt quá “cầu”, nếu không mạnh dạn cắt giảm chỉ tiêu, quy hoạch lại hệ thống các trường đào tạo ngành sư phạm cho phù hợp với nhu cầu thực tế thì tình trạng “khủng hoảng thừa” giáo viên vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Điều đó có nghĩa là nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường sẽ tiếp tục phải chịu cảnh thất nghiệp. Không ít trong số đó sẽ phải từ bỏ giấc mơ đứng trên bục giảng, chấp nhận làm trái nghề để mưu sinh gây ra sự lãng phí không nhỏ đối với gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, khi cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo của nhiều trường sư phạm, đồng nghĩa với việc “nồi cơm" của các trường tất yếu sẽ bị ảnh hưởng. Công ăn việc làm của đội ngũ giảng viên ở các trường sẽ bị xáo trộn, gặp không ít khó khăn. Đây là một trở ngại không nhỏ khi “bỏ thì thương, vương thì tội” nhưng đã đến lúc không thể không làm.

Nếu muốn nâng cao chất lượng đầu vào đối với sinh viên sư phạm thì việc chỉ cắt giảm chỉ tiêu đào tạo không thôi chưa đủ.

Để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm cần dành những sự ưu đãi nhất đinh đối với những thí sinh có kết quả học tập những năm học phổ thông đạt loại giỏi và có kết quả thi cao đăng ký xét tuyển vào học ngành sư phạm.

Bên cạnh đó, cần từng bước cải thiện chế độ lương bổng, đãi ngộ sao cho người giáo viên thực sự “sống được bằng lương”, không còn cảnh phải “lách luật” dạy thêm hay “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Mặt khác, cần thay đổi cách thức tuyển dụng giáo viên theo hướng thiết thực, công bằng, linh hoạt hơn. Song song với đó là quá trình thanh lọc dần những giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ ở từng cơ sở giáo dục, dành chỗ cho các sinh viên sư phạm có năng lực tốt nghiệp ra trường.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
BÙI MINH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên